Sống trong rốn lũ
Trải qua nhiều sóng gió, hứng chịu nhiều mất mát đau thương do lũ lụt gây ra, hầu hết người dân ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) đều có kỹ năng sống chung với lũ. Dù vậy, năm nay mới chớm lũ, người dân ở 'rốn lũ' này đã thấp thỏm lo âu, đứng ngồi không yên, nhất là khi chứng kiến lũ lụt đang hoành hành ở các tỉnh miền Trung.
Ký ức kinh hoàng của vị trưởng thôn
Không chỉ trong ký ức mà ngay cả hiện tại, tháng Mười đối với người dân ở “rốn lũ” Hương Khê là chuỗi ngày dài đằng đẵng lo âu, bởi “trời hành cơn lụt hai ba tháng mười”. Với địa hình phức tạp, toàn huyện được bao bọc bởi sông Ngàn Sâu dài khoảng 100 km với nhiều sông nhỏ, khe suối, chi lưu. Bao quanh tứ phía của huyện là rừng núi cao, đồng thời có các thung lũng ở giữa theo dọc sông Ngàn Sâu nên Hương Khê luôn là tâm điểm lũ lụt và là “rốn lũ” của Hà Tĩnh mỗi khi mùa mưa đến.
Chúng tôi về tâm lũ của Hương Khê - xã Điền Mỹ - khi mới chớm đầu mùa lũ, dấu tích bùn lầy vẫn hằn in trên cây cối, đọng đầy trên từng đường làng, ngõ xóm. Toàn xã Điền Mỹ (trước đây là 2 xã Phương Điền và Phương Mỹ) bị nhuốm một màu vàng sẫm, mùi bùn lũ vây ám khắp nơi. Cách đây ít ngày, Điền Mỹ vừa bị chia cắt bởi mưa lũ. Mùa này, người dân nơi đây phải để hoang đất ruộng vì hễ mưa là ngập không thể trồng trọt được.
Đang sửa sang lại ngôi nhà để kiên cố hơn trong mùa lũ, thỉnh thoảng ông Nguyễn Văn Lam (63 tuổi, thôn 1, xã Điền Mỹ) ngóng trời xem có mưa, có lụt hay không. Trong ký ức của người đàn ông đã hơn 60 năm sống ở mảnh đất này, nhiều trận lũ lụt trở thành nỗi kinh hoàng trong tâm trí ông và ông không nhớ được mình đã trải qua bao nhiêu trận lũ.
“Nói thật, tôi không thể nhớ từ khi sinh ra đến giờ, ở đây đã có bao nhiêu trận lũ nữa. Lụt nhỏ thì nhiều vô kể, lụt to thì có năm 1997, 2000, 2010, 2017. Những năm đó phải trải qua thời điểm thập tử nhất sinh, tôi lại làm thôn trưởng nên nhớ mãi không bao giờ quên được” - ông Lam lần dở ký ức, chậm rãi kể với chúng tôi.
Nhà ông Lam chỉ cách đường mòn Hồ Chí Minh vài trăm mét nhưng khu vực này trũng, ở gần mép của dòng nước khi lũ về, tuy cao hơn các vùng khác nhưng nếu gặp nước xoáy, lũ quét cũng vô cùng nguy hiểm. Với gia đình ông, trận lũ đáng nhớ nhất là năm 2.000, lúc đó nước lũ chạm nóc nhà. Cả gia đình 5 người nhét trên góc chạn (gác mái tự làm) nhỏ hẹp chưa đầy 10 m2. Tất cả đồ đạc, vật dụng, tư trang đều chuyền tất lên chạn, người chỉ ngồi hoặc khom lưng di chuyển chứ không thể đứng được. Ở “rốn lũ” Hương Khê, 100% nhà dân đều phải làm “chạn”. Sau này, có mô hình nhà vượt lũ thay thế nên chạn ít hơn nhưng hầu như nhà nào cũng có.
20 năm làm trưởng thôn cũng là khoảng thời gian ông Lam phải vật lộn với những trận lũ lịch sử cùng gia đình và bà con nhân dân. Hình ảnh quen thuộc với người dân nơi đây là người đàn ông đậm dáng, đầu đội mũ cối, tay cầm loa ngồi trên chiếc thuyền mộc nhỏ, phía sau là 2 đứa con trai gắng gượng chèo thuyền vượt qua mọi cung đường trong xóm kêu gọi người dân đảm bảo an toàn.
“Mùa mưa lũ, chúng tôi ở đây luôn phải trong tình thế sẵn sàng chiến đấu. Nếu lũ lên bình thường thì không sao chứ lũ quét, lũ ống thì trở tay không kịp, mọi tài sản đều trôi theo dòng nước lũ” - ông Lam nói.
Ông Lam vẫn nhớ như in về cái chết của một người đàn ông trung niên trong xã ở trận lũ năm 1997. Lúc đó, lũ quét từ thượng nguồn ập về, người dân không kịp xoay xở, trong phút chốc, tính mạng người đàn ông này bị lũ cướp đi, để lại vợ dại, con thơ, mất mát này rất khó nguôi ngoai trong tâm trí người dân, gia đình nạn nhân.
Những năm trước đây, thủy điện Hố Hô trở thành nỗi ám ảnh của người dân vùng hạ du Hương Khê, nhất là ở xã Phương Điền và Phương Mỹ. Nhà máy thủy điện này phục vụ điện năng cho tỉnh Quảng Bình nhưng đập chứa nước lại xả về phía huyện Hương Khê. Trữ lượng chứa nước ít nên để đảm bảo an toàn, tránh vỡ đập, nhà máy phải xả lũ mỗi khi nước từ thượng nguồn đổ về nhiều.
“Những năm về trước, chúng tôi không sợ gì mà chỉ sợ đập Hố Hô xả lũ, họ xả bất ngờ, không hề báo trước, tạo nên lũ quét, dân chúng tôi không kịp trở tay. Năm 2010, 2017, nước ập về bất ngờ, chỉ ít phút, nước lũ đã xoáy đến nóc nhà. Thiệt hại về kinh tế của dân không biết bao nhiêu mà kể” - ông Lam nói.
Anh Nguyễn Văn Hà (37 tuổi, con trai đầu của ông Lam) cùng góp chuyện với chúng tôi. Trong tâm trí người thanh niên này, trận lũ năm 2017 là kinh khủng nhất. “Năm đó, thủy điện Hố Hô xả vào ban ngày chứ nếu xả vào ban đêm thì dân còn chết nữa. Khi đó, nước lũ vượt quá cột nhà, chạn nhà tôi gần bị nhấn chìm” – anh Hà vừa nói vừa chỉ tay vào cột nhà, nơi mé nước lũ năm 2017 vần hằn in ở đó.
Nhà bố mẹ dễ bị lũ nhấn chìm nên anh Hà lấy vợ, cố gắng cày cuốc kiếm tiền mua mảnh đất phía trên đường mòn Hồ Chí Minh ở để tránh lũ. “Sắp tới, hoàn lưu bão số 8, ở ta sẽ mưa to, nguy cơ bị ngập lụt. Cha mẹ chuẩn bị khăn gói mà lên nhà con ở chứ ở đây nhà yếu, thấp, sống chết khi nào không biết mô” - anh Hà không quên căn dặn bố mẹ của mình.
Bấp bênh bên dòng Ngàn Sâu
Với Hương Khê, mùa nắng thì nắng cho “nẻ trời”, còn mùa mưa thì nước trút xuống đến nỗi “úng đất”. Dòng Ngàn Sâu lúc hiền hòa như lòng mẹ, lúc lại gầm gừ, giận giữ như sói hoang. Nước lũ đổ về, dòng sông trở nên đục ngầu, chảy cuồn cuộn, cuốn theo bao nhiêu của cải tích góp, dựng xây của người dân chân lấm tay bùn rồi đổ ra biển cả.
Xã Điền Mỹ và Hà Linh được ngăn cách bằng sông Ngàn Sâu, vượt qua cây cầu mới nối, chúng tôi đã đặt chân đến địa phận Hà Linh. Cuộc sống của hàng trăm hộ dân xã Hà Linh bên bờ sông Ngàn Sâu cũng thấp thỏm như chính sự vơi đầy của nước lũ.
Đập vào mắt chúng tôi là ngôi nhà vượt lũ nằm chênh vênh bên sông Ngàn Sâu. Với khuôn mặt niềm nở, người phụ nữ “rốn lũ” Đặng Thị Hiền (47 tuổi, xóm 1 Hà Linh) chia sẻ nhiều kinh nghiệm “sống chung với lũ”.
Gia đình chồng chị Hiền làm nghề chài lưới, cách đây mấy chục năm, họ từ huyện Đức Thọ, xuôi theo dòng sông Ngàn Sâu đến định cư ở xã Hà Linh. Kiếm được miếng đất nhỏ nằm bên bờ sông, sau này hai ông bà để lại cho vợ chồng chị Hiền. Từ nghề chài lưới, chồng chị Hiền là anh Nguyễn Văn Khanh (SN 1976) mưu sinh ở vùng núi nên gặp rất nhiều khó khăn.
Thuộc diện hộ nghèo nên năm 2016, sau trận lũ nhà cửa bị hư hỏng, gia đình chị Hiền được hỗ trợ 14 triệu đồng và được vay 15 triệu đồng trong vòng 5 năm lãi suất 0% để làm nhà vượt lũ. Từ nguồn hỗ trợ này, vợ chồng chị vay mượn xây ngôi nhà vượt lũ trị giá hơn 100 triệu đồng. Kể từ đó, mỗi khi có mưa lũ, mọi đồ đạc trong nhà đều được anh chị chuyển lên nhà để bảo quản.
“Năm 2010, lũ ngập lên đến 4 lớp ngói của nhà tôi, toàn bộ đồ đạc trong nhà bị nước lũ nhấn chìm. Cả nhà chỉ còn mỗi phần nóc nho nhỏ để thở, khi mưa ngớt thì dỡ ngói lên ngồi trên mái chờ người hỗ trợ tiếp tế lương thực. Lúc đó nhà tôi có con nhỏ, may là các con không sao. Của cải, đồ đạc làm lụng bao nhiêu năm coi như trôi hết” - chị Hiền kể.
Chia sẻ kinh nghiệm chống chọi với lũ lụt, chị Hiền cho hay, mỗi người cần quý trọng tính mạng của mình, không nên liều lĩnh ra nơi nguy hiểm để vớt củi, đánh cá. Trong nhà nên sắm chiếc thuyền và áo phao để khi nước lũ tràn vào, chỉ có thuyền là phương tiện di chuyển duy nhất lúc này. Thường xuyên nắm bắt thông tin thời tiết để chủ động di tản vật nuôi, xe cộ lên vùng cao. “Hễ nghe sắp có đợt mưa lớn là vợ chồng tôi đem trâu, bò, lợn, gà, xe…đến những nhà cao hơn để gửi. Còn lại thì chuyển lên nhà vượt lũ. Nhà vượt lũ phải có cửa thoát hiểm, không nên xây kín, phòng khi nước ngập đến còn có chỗ mà thoát ra ngoài” - chị Hiền nói…
Sống ở rốn lũ, chị Hiền khiếp đảm đến mức thường xuyên dặn con gái, nếu lấy chồng thì “trẹ” (tránh) vùng lũ lụt ra. “Nếu nhà chồng con gái ở vùng lũ thì tôi nhất quyết không cho lấy!” - người đàn bà vùng lũ nói. Rời rốn lũ Hương Khê cũng là lúc mưa chiều trút xuống, trắng xóa cả một vùng. Nhớ đến những lần mưa lũ, tác nghiệp ở đây, lòng tôi lại thấy bất an. Dù nhà vượt lũ và kinh nghiệm đối phó với mưa lũ ít nhiều giúp người dân nói đây sống chung với lũ. Nhưng, thiên tai không thể biết trước…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/song-trong-ron-lu-520786.html