Sống trong thời dịch COVID-19

Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe mọi người bàn tán xôn xao về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (COVID-19). Dù khó tránh khỏi sự xáo trộn bởi tác động của dịch bệnh nhưng mọi người vẫn tỏ ra lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cơ quan chức năng.

Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân trong phòng cách ly. (ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cung cấp).

“Bình tĩnh sống”

Nhịp sống người dân đang dần ổn định trở lại, ngày cuối tuần không còn cảnh vắng tanh như đợt đầu dịch. Bên ly cà phê, cánh mày râu cũng vẫn câu chuyện gửi con ở đâu để đi làm. Có anh rung đùi vì con đã lớn, có anh thì mặt mày méo xẹo vì thay phiên vợ ở nhà chăm 2 đứa nhỏ “quậy như giặc”. Có anh vỗ đùi khoe được bà nội, bà ngoại lên “chi viện”... “Ở nhà chúng như bị cùm chân, khó bảo lắm” – một anh chép miệng nói, tay khoắng cốc cà phê đã lạnh ngắt - “Tôi chỉ mong dịch đi qua để các con được quay lại trường. Ở nhà phải mở YouTube lên thì chúng mới ngồi yên. Giờ mới thấy các cô giáo giỏi cỡ nào”.

Dẫu vậy, các anh cũng không phản đối quyết định cho nghỉ học bởi phòng dịch COVID-19 là quan trọng hơn hết. Riêng anh Nguyễn Thành Vinh, 36 tuổi, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) dí dỏm cho rằng kỳ nghỉ “tết dài vô tận này” xem như con mình được nghỉ hè sớm. Thời gian vào hè trẻ sẽ đi học bù trở lại, mọi thứ đều đâu vào đó. Ông bố trẻ nói: “Mình tin là nhiều cha mẹ có chung quan điểm với mình khi ưu tiên sự an toàn của các con lên trên hết”.

Đợt dịch này, vợ chồng anh Vinh ngoài việc nhắc các con thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng sau khi chơi, lau tay bằng khăn giấy tẩm cồn 70 độ, thực đơn ăn tăng cường rau xanh, hoa quả... thì hàng ngày anh chị và các con đều xem các tin tức liên quan đến dịch bệnh, cùng nhau thảo luận để các con ý thức thêm về sự cần thiết phải bảo vệ sức khỏe. Cùng với đó anh chị cũng không quên cho các con đọc cả những tin mang yếu tố tích cực trong việc nghiên cứu và điều trị virus COVID-19 để các con không bị hoang mang. Để tránh các con nhàm chán, anh Vinh còn bày các trò chơi cho các cháu cùng chơi. Sau giờ nghỉ trưa, hai bé nhà anh Vinh được bố hoặc mẹ đưa ra công viên chơi khoảng một giờ đồng hồ với khẩu trang y tế đầy đủ. Tối cả nhà lại quây quần để học tiếng anh qua một app chuyên dành cho thiếu nhi.

Nêu quan điểm về việc học sinh được nghỉ học, anh Vinh cho rằng: “Người thì muốn con đi học, người lại muốn con ở nhà, mình thì thấy việc bố mẹ bớt chút thời gian để chăm sóc cho con qua đợt dịch nguy hiểm này là việc cần thiết, nếu trước đây quá bận rộn ít quan tâm đến con thì đây là cơ hội để gắn bó với trẻ hơn. Mọi người cũng không nên gây hoang mang lẫn nhau, hãy bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn. Bởi vì ngành y tế và ngành giáo dục và đào tạo có căn cứ để đưa ra đánh giá, đề xuất nghỉ hay không trong mùa dịch COVID-19”.

Học sinh nghỉ học, các thầy, cô giáo vẫn cần mẫn đến chăm chút, “bảo vệ” những lớp học của mình. Cô Vũ Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Vệ 2 (TP Thanh Hóa), cho biết: “Trong suốt thời gian học sinh nghỉ học, nhà trường vẫn làm việc bình thường. Lãnh đạo nhà trường ngày nào cũng có mặt để phân công các giáo viên lau dọn, tổng vệ sinh toàn bộ lớp học, các phòng chức năng, nhà bếp... mở cửa sổ thông thoáng để đón gió, làm sạch không khí trong lớp học. Đảm bảo trường lớp tuy vắng bóng học sinh dài ngày nhưng vẫn thơm tho, sạch sẽ để khi các em quay trở lại trường yên tâm học tập”.

Dịch bệnh, hầu hết mọi người đều ngại ra đường, ngại đến đám đông nhưng vẫn có nhiều người hằng ngày phải lao ra đường mưu sinh với các công việc, như: Công nhân vệ sinh, giao hàng, tiếp thị sản phẩm... tụi em kinh tế eo hẹp, nhiều lúc nỗi lo tiền trọ, tiền sữa, tiền ăn... lấn át cả nỗi sợ con virus COVID-19” - chị Nguyễn Thị Thanh, tổ 7, xí nghiệp 2, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị chia sẻ.

Theo chân chị Thanh đi thu gom rác trên đường Hải Thượng Lãn Ông, chúng tôi thấy có khá nhiều khẩu trang y tế sau khi sử dụng vứt vương vãi. Ban đầu, chị Thanh bịt kín mặt khi làm việc. Nhưng tầm hơn 11h nóng quá, chị Thanh gỡ luôn khẩu trang. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao chị lại không đeo khẩu trang nữa?”. Chị Thanh giải thích: “Lâu nay, mọi người dặn nhau phải kỹ lưỡng vì đang có dịch bệnh. Thực tình mình cũng sợ bị lây, sợ chết. Nhưng lúc khỏe còn bịt mặt, đến chừng mệt và nắng nóng ngộp quá thì mở ra hít tí khí trời rồi bịt lại. Mình cũng tự trang bị cồn sát khuẩn và luôn rửa tay sạch sẽ sau mỗi ca trực. Mình tự phòng bệnh cho mình và góp phần phòng cho cộng đồng. Dù sao thì cuộc sống hàng ngày vẫn phải mưu sinh. Nếu ai cũng sợ dịch mà nghỉ thì cả xã hội sẽ ngừng mọi hoạt động mất”.

... Nhưng không chủ quan

Cũng trong guồng quay chống dịch, ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: “Với tinh thần của người trong cuộc, chúng tôi thấy rằng, tỉnh và người dân đang vào cuộc phòng chống dịch một cách đúng hướng và tích cực. Tất cả những sự vào cuộc đó tạo thuận lợi cho ngành y tế về công tác dự phòng. Còn với tinh thần của những người thầy thuốc, chúng tôi sẽ quyết tâm làm hết dịch chứ không phải làm hết giờ. Cuộc sống của chúng tôi chấp nhận mọi sự thay đổi kể cả sự khắc nghiệt để đối đầu với dịch bệnh. Khi dịch đã vào, chúng ta cần bình tĩnh và xử lý từng khâu, từng bước một để đem lại sự an toàn cho xã hội”.

Việc chữa trị thành công cho chị N.T.Tr. (25 tuổi, ngụ tại xã Định Hòa, huyện Yên Định) dương tính với COVID-19 là một nỗ lực của ngành y tế tỉnh Thanh Hóa mà trực tiếp là đội ngũ y, bác sĩ tham gia điều trị trực tiếp. Cho dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song việc chữa khỏi cho bệnh nhân Tr. cho thấy, Thanh Hóa đã đưa ra được một phác đồ điều trị hiệu quả. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, tạo nên sự tin tưởng của người dân vào cuộc chiến phòng chống dịch bệnh nguy hiểm còn diễn biến phức tạp này.

Trên thực tế, Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ ở mức độ cao để phòng chống dịch, từ việc thực hiện cách ly đối với tất cả những người đến từ vùng dịch, cho tới xây dựng các trung tâm cách ly hay việc cho học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch COVID-19 lây lan...

Bối cảnh chung của thế giới, trong đó dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản... vẫn đang khá căng thẳng. Chúng ta không thể chủ quan. Bởi, virus COVID-19 chưa thể biết hết cơ chế tiếp tục lây lan như thế nào. Hiện ngành y tế vẫn luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh. “Sở dĩ các ca bệnh COVID-19 tại Việt Nam điều trị thành công, sớm xuất viện là do chúng ta có ít ca bệnh, không bị “vỡ trận”, bệnh nhân được chăm sóc tốt, giám sát chặt chẽ về mặt sức khỏe, nếu bệnh nhân nào có biến chứng khó thở đều được điều trị tích cực ngay. Do đó, việc giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, hạn chế số ca mắc ít nhất là rất quan trọng. Chỉ có khoanh vùng, dập dịch sớm thì mới hạn chế được ca bệnh, điều trị thành công” - ông Lê Văn Sỹ lý giải.

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/song-trong-thoi-dich-covid-19/115159.htm