Song trùng triển lãm và những góc nhìn độc đáo về điêu khắc Việt

Triển lãm cá nhân 'Vọng sơn' (Lê Lạng Lương) và 'Khải sinh' (Hoàng Mai Thiệp) được tổ chức cùng một ngày tại cùng một địa điểm.

Công chúng tham quan triển lãm của Lê Lạng Lương và Hoàng Mai Thiệp.

Công chúng tham quan triển lãm của Lê Lạng Lương và Hoàng Mai Thiệp.

Triển lãm cá nhân “Vọng sơn” (Lê Lạng Lương) và “Khải sinh” (Hoàng Mai Thiệp) được tổ chức cùng một ngày tại cùng một địa điểm đã đem lại những đối sánh đặc biệt về điêu khắc Việt.

Mở cửa từ ngày 6/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), triển lãm “Vọng sơn” của Lê Lạng Lương và “Khải sinh” của Hoàng Mai Thiệp đều được giám tuyển bởi họa sĩ Vũ Hồng Nguyên. Mỗi điêu khắc gia chọn lọc 30 tác phẩm nổi bật nhằm đem đến cho công chúng những cảm nhận toàn diện và góc cạnh về điêu khắc đương đại.

Đẽo mây, chuyển núi, uốn khí, nắn rừng

Giám tuyển Vũ Hồng Nguyên cho hay, triển lãm “Vọng sơn” giới thiệu 30 tác phẩm được nhà điêu khắc Lê Lạng Lương thực hiện bằng các chất liệu đồng, nhôm, sơn đắp trong gần một thập kỷ suy tưởng, kiên trì, âm thầm, lặng lẽ, yêu mê công việc.

Mang tinh thần của người đẽo mây, chuyển núi, uốn khí, nắn rừng, đưa tinh thần và tình cảm cao nguyên hùng vĩ, núi đồi thâm sâu, đại ngàn tịch mịch về nơi chốn ồn ào đô thị, bộ tác phẩm “Vọng sơn” có cấu trúc phong phú về hướng, dáng, hình chuyển động linh hoạt cùng với bề mặt các tác phẩm được trau chuốt kỹ lưỡng, khéo léo chia tách những tông độ của chất liệu, giữa bóng mịn – thô sần, thủng rỗng - đặc chắc bịt bùng, mong manh - nặng trĩu…

Người xem không chỉ thấy hình và khí lẫn bện vào nhau mà thấy được cả sự vận động của khí khuếch tán vào không gian hình. Đôi khi cái đẹp chồm tới, chấp chới, ngẫu nhiên khó đoán biết, núi mà như không rõ núi, cây, mây mà như không rõ cây, mây, tác phẩm biến ảo tĩnh động liên hồi khi mắt ta dịch chuyển.

Nhìn thấy núi, nghe về núi luôn thấy một sự thiêng liêng bao bọc không thể tách rời, có lẽ vì núi được bắt nguồn từ linh địa nối thẳng lên mấy tầng mây như một trục trung tâm liên kết đại địa – trần gian – thiên đường, vũ trụ.

Nó hoạt động như ống dẫn sức mạnh - nơi những năng lượng thiêng liêng tuôn trào vào thế giới vạn vật tồn tại. Lê Lạng Lương thu nhỏ núi, và chuyển vào những dạng vật chất mà được lấy ra từ lòng núi nhưng người xem vẫn thấy được tính thiêng của núi nằm lại trong tác phẩm.

“Lê Lạng Lương nhìn núi rừng bằng cái nhìn mới đi sâu vào bản chất của sự giản lược. Nhìn ngắm tác phẩm của nghệ sĩ, người thưởng lãm không bị giới hạn trong ý tưởng của tác giả, mọi cái nhìn thấy chỉ như gợi hình gợi ý, họ suy tưởng trong kho tàng ký ức, họ được tự mở rộng sự liên tưởng trước tác phẩm trùng lặp với dữ liệu thông tin tích lũy tầng tầng lớp lớp theo thời gian.

Đôi lúc tưởng tượng gợi hình sự chênh vênh vách núi, đôi khi là hình khối nhô lên như lồng ngực hướng đón gió trăng, đâu đó là bóng dáng của các loài muông thú sống động biến ảo như mây bay tạo hình. Sự suy tưởng không bị hạn chế bởi lứa tuổi, học vấn hay màu da. Với tôi đây là điểm cộng thành công của bộ tác phẩm “Vọng sơn””, giám tuyển Vũ Hồng Nguyên nhận định.

 Triển lãm 'Vọng sơn' của Lê Lạng Lương, 'Khải sinh' của Hoàng Mai Thiệp được tổ chức cùng một địa điểm.

Triển lãm 'Vọng sơn' của Lê Lạng Lương, 'Khải sinh' của Hoàng Mai Thiệp được tổ chức cùng một địa điểm.

 Các tác phẩm trong triển lãm 'Vọng sơn' và 'Khải sinh' thể hiện rõ xu hướng và tinh thần điêu khắc đương đại.

Các tác phẩm trong triển lãm 'Vọng sơn' và 'Khải sinh' thể hiện rõ xu hướng và tinh thần điêu khắc đương đại.

Trăn trở về người nông dân

Tác phẩm của Lê Lạng Lương đa dạng với những chất liệu gỗ, đá, kim loại, giấy… anh là thành viên của các nhóm nghệ sĩ điêu khắc như nhóm 5 Plus, New Form, Sài Gòn - Hà Nội… Lê Lạng Lương thường xuyên tham dự các trại sáng tác điêu khắc trong nước và quốc tế tại Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ…

Tác phẩm của anh được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, không gian của Art in the Forest Đại Lải Flamingo, các công viên tượng trong nước và quốc tế, được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng một số giải thưởng quan trọng.

Lê Lạng Lương cho rằng: “Với tôi điêu khắc là đời sống, tác phẩm là biểu hiện con người tôi trong những thời điểm đó, tương tác với môi trường hình thành tác phẩm làm cho mỗi tác phẩm sẽ có đời sống riêng”.

Từ workshop mở đầu mang tên “Về với đá” năm 2019 đến workshop “Đồng vọng” năm 2020, các nghệ sĩ điêu khắc đã đồng hành tổ chức sáng tác với chất liệu đá tạo được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2021, anh và các nghệ sĩ điêu khắc kết hợp tổ chức sáng tác và triển lãm tác phẩm chất liệu đá tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA mang tên “Biến chuyển”.

Sự kiện nghệ thuật này được tổ chức với sự góp mặt của 9 nhà điêu khắc đến từ ba thế hệ với các nghệ sĩ tuổi 5X như: Đào Châu Hải, Lê Thị Hiền; tuổi 7X như: Lê Lạng Lương, Khổng Đỗ Tuyền, Lương Văn Việt; đến thế hệ trẻ đầy năng lượng mới của tuổi 8X như: Trần Văn An, Thái Nhật Minh, Lương Trịnh và nhà điêu khắc trẻ 9X Đào Tân.

Như được trở về nhà, đá từng là chất liệu mà các nhà điêu khắc ít nhiều có trải nghiệm trong sáng tác. Nhưng lần nào cũng vậy, đá vừa cho cảm giác gần gũi, thân thuộc lại vừa tỏ ra thách thức với hành trình sáng tạo mới của các nghệ sĩ. Bước ra khỏi không gian xưởng của cá nhân, các nghệ sĩ cùng tham gia vào những hoạt động giàu tính chia sẻ.

Tiếp xúc với đá, Lê Lạng Lương đẩy mạnh hơn tính “ý niệm hóa” điêu khắc bằng sự kết hợp giữa hình khối thực và bóng của chính nó phản chiếu lên. Sự kết hợp với việc sắp đặt, yếu tố không gian tự thân và không gian xung quanh cho thấy việc suy nghĩ xa hơn của nghệ sĩ trong nghiên cứu thể nghiệm.

Điều đó đòi hỏi sự đa chiều về nhận thức, cũng như gợi ý cho người xem những giả định hay lựa chọn trong cách thưởng thức tác phẩm: Quan sát bên ngoài, hoặc đi vào bên trong tác phẩm, đứng giữa tác phẩm thực và hình bóng của nó trên tường, như ranh giới giữa thực tế và ý niệm trong đời sống.

Các sáng tác của Lê Lạng Lương ở “Biến chuyển” có cái gì đó huyền hoặc với tín hiệu nội tâm. Nỗi trăn trở của anh hướng về những người nông dân và đời sống nông thôn chới với trong cuộc sống hiện đại ngày càng phân định rõ rệt.

Ý tưởng trong triển lãm nghệ thuật tạo hình “Đồng vọng Hoa Lư 2020” với tác phẩm “Hợp thể I”, Lê Lạng Lương lấy cảm hứng từ những cấu tạo núi của vùng Tam Cốc (Ninh Bình), sự huyền ảo về thị giác giữa thực và hư, giữa sự cân bằng và bất cân bằng, giữa cái nhìn thấy và cái ẩn giấu, nó cho người xem cảm giác bị đánh đố bởi cảm nhận thị giác hơn là ngôn từ. Một hợp thể gợi nên những yếu tố đối lập và hòa hợp trong một hình thái khám phá về cảm giác.

Tác phẩm “Hợp thể II” lại là những ngẫu hứng của tổ hợp hai khối đá trắng và đen, tạo nên một tổng thể mang tính tuần hoàn mang thông điệp của đời sống, là sự tương hợp của các cặp đối lập: Ngày – đêm, nam – nữ, hình – bóng…

Trước đó, triển lãm nhóm “5 Plus và năm kẻ chịu chơi” mà Lê Lạng Lương là một trong số đó đã đem đến hình tượng những quý ông, quý bà bù nhìn - là sự tiếp nối ý tưởng về những cánh đồng, về công cuộc đô thị hóa mà anh vẫn theo đuổi trong thời gian gần đây. Bù nhìn với Lê Lạng Lương mang nhiều ý nghĩa hơn là một hình nộm dùng để đuổi chim, chúng còn là nhân vật chứng kiến một cách khách quan nhất những sự thay đổi văn hóa từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Trên đó in hằn dáng vóc của những người nông dân tần tảo qua bao đời, nhưng cũng lại quều quào mang dáng vóc của những “con nghiện” khi bỗng nhiên đất đai biến thành tiền bạc dư thừa và đánh đổi với nó là nạn thất nghiệp gia tăng… Những vũ điệu của đồng quê như cuồng điên trong cơn lốc phát triển và méo mó đến thảm hại, cũng như ít nhiều mang tính hài hước hiện thực.

 Tác phẩm của Lê Lạng Lương.

Tác phẩm của Lê Lạng Lương.

 Tác phẩm của Hoàng Mai Thiệp.

Tác phẩm của Hoàng Mai Thiệp.

“Xưa nay hiếm” với điêu khắc gốm

Đồng hành với “Vọng sơn” của Lê Lạng Lương là triển lãm “Khải sinh” của Hoàng Mai Thiệp với 30 tác phẩm gốm. Đây là bộ sưu tập loạt tạo hình mới, một khởi đầu đầy hy vọng và khát khao vào sự sống, sự sinh sôi phát triển mà nhà điêu khắc muốn nhắn gửi. Một cảm xúc trọn vẹn, tự nhiên cứ mở ra với người nghệ sĩ, ào ạt mà nhẩn nha, liên tục và liên tục.

Các tác phẩm của Hoàng Mai Thiệp đưa người xem xuyên suốt ý tưởng, cấu trúc, kĩ thuật, cùng sự kiên trì khéo léo của đôi bàn tay đạt trình độ xưa nay hiếm trong nghệ thuật tạo hình gốm. Những tác phẩm có kích thước ngoại cỡ – một thách thức với người nghệ sĩ khát khao chinh phục những điểm ngưỡng chất liệu.

Hoàng Mai Thiệp hòa hợp và làm chủ thành công chất liệu đất sa mốt, cùng một dự liệu tinh tế về men – một hỗn hợp chảy lỏng đồng nhất ở nhiệt độ mong muốn, vì vậy đất - nước - lửa, và thời gian cũng chiều theo ý nghệ sĩ. Màu men đen xám ánh kim loại khác biệt là thành quả của quá trình nghiên cứu và thử nghiệm đạt được dấu ấn riêng biệt. Qua lửa, đất đã thành hình, và công đoạn làm nguội cũng là một quy trình sáng tạo để tạo ra sự khác biệt.

Trong loạt sáng tác lần này, chắc chắn có nhiều tác phẩm khiến người xem phải tán thán và đặt câu hỏi về chất liệu gốm trong điêu khắc mà họ đang chiêm ngưỡng. Khi tiếp cận tác phẩm, ai cũng có mong muốn thôi thúc tự nhiên được chạm vào để cảm nhận và tự trả lời “đúng! Đó là gốm”.

Mặc dù, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã sáng tác nghiên cứu và thử nghiệm chất liệu gốm trong điêu khắc, nhưng số lượng tác giả điêu khắc gốm đương đại vẫn không đếm hết một bàn tay. Hơn nữa, điêu khắc gốm với kích thước lớn rất khan hiếm trong bối cảnh môi trường nghệ thuật đương đại. Bộ tác phẩm “Khải sinh” của Hoàng Mai Thiệp lần này đã rất thành công, khẳng định rõ nét tài năng của một tác giả điêu khắc gốm xuất sắc, góp phần làm vững mạnh và phong phú thêm cho điêu khắc gốm Việt Nam đương đại.

Các tác phẩm của Hoàng Mai Thiệp luôn được thực hiện bởi quá trình làm việc cẩn trọng và nghiêm túc. Có thể nói anh là một nhà điêu khắc đặc biệt trong khả năng tìm tòi và hoàn thiện tác phẩm. Trong năm 2024, triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn quy tụ gần 100 tác phẩm đến từ 37 nghệ sĩ, trong đó Hoàng Mai Thiệp đã đem đến những tác phẩm trọn vẹn cả về ý tưởng, hình bóng lẫn thông điệp mà nghệ thuật muốn trao gửi tới cộng đồng.

Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương sinh năm 1974 tại Hữu Lũng (Lạng Sơn), quê quán Lạng Giang (Bắc Giang). Từ năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh hoạt động liên tục trong vai trò giảng dạy và sáng tác điêu khắc tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Nhà điêu khắc Hoàng Mai Thiệp sinh năm 1982 tại Hải Dương, tốt nghiệp đại học năm 2009 và tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chuyên ngành điêu khắc năm 2012. Từ 2005 cho đến nay, anh sáng tác và tham gia thường xuyên các cuộc triển lãm và sớm đạt được dấu ấn cá nhân trong các cuộc triển lãm nhóm, workshop và các dự án nghệ thuật.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/song-trung-trien-lam-va-nhung-goc-nhin-doc-dao-ve-dieu-khac-viet-post712054.html