Sóng trước, sóng sau

Các giải đấu trẻ trong nước và quốc tế nối tiếp nhau từ hè sang thu đã và đang làm đời sống bóng đá thêm nhiều cung bậc sôi động. Đáng mừng là từ đây, nhiều mầm xanh triển vọng đã bật lên.

Không phải ngẫu nhiên đã có những lời ví von so sánh về các cầu thủ U.15 Sông Lam Nghệ An Trần Quốc Hòa, Vương Văn Tùng với “thần đồng” Văn Quyến và danh thủ Công Phượng. Ở trận chung kết giải U.15 quốc gia giữa đội bóng xứ Nghệ với đội bóng của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF vừa diễn ra mới đây, cả hai đều đã thể hiện được thứ năng khiếu đặc trưng của bóng đá quê hương.

Những pha chạy chỗ, bứt tốc thông minh, những đường chuyền như đặt, những tình huống lừa bóng qua người và những cú sút bất ngờ, hiểm hóc ghi bàn của hai cầu thủ măng non này đã làm say lòng không chỉ miền đất sông Lam núi Quyết.

Quốc Hòa nhận giải cầu thủ xuất sắc nhất trận chung kết với hai bàn thắng và một kiến tạo. Văn Tùng nhận danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải vì đá trận nào cũng hay. Cũng nên kể thêm thủ môn Nguyễn Bảo Ngọc, người giành danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất giải đã cho thấy hy vọng kế tục các thủ môn đi trước của lò Sông Lam như: Dương Hồng Sơn, Nguyên Mạnh, Văn Hoàng...

U15 SLNA (vàng) và U15 PVF đã tạo nên trận chung kết rất hấp dẫn. Ảnh: VTV.

U15 SLNA (vàng) và U15 PVF đã tạo nên trận chung kết rất hấp dẫn. Ảnh: VTV.

Khác với sự nổi trội tố chất năng khiếu của các cầu thủ Sông Lam Nghệ An, đối thủ của họ là PVF lại nhỉnh hơn về thể hình và tỏ ra có được nhiều đường nét bài bản. Nguyễn Lê Phát xử lý bóng đơn giản và sút xa quyết đoán ghi bàn. Phùng Đình Tú nhanh nhạy, phát lộ duyên phá lưới đoạt giải cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải (6 bàn).

Thắng hay thua, vô địch hay không quan trọng thật đấy nhưng ở cấp độ U điều thu hoạch lớn nhất chính là cầu thủ trẻ có triển vọng phát triển, có khả năng theo đuổi và làm nên sự nghiệp với trái bóng tròn hay không. Đó là điều huấn luyện viên và các cầu thủ nhiều lứa trẻ hiện nay nói chung đều nhận thức được. Thua trận, thua giải mặt buồn nhưng không mưa nước mắt, không nằm đổ gục xuống sân. Bóng đá trẻ luôn vẫn phải và vẫn còn có cơ hội hướng đến ngày mai.

Theo thời gian các lò đào tạo này mỗi nhiều lên trên nhiều địa phương, gần nhất là lò Nutifood. Ở đây đã xuất lộ cây săn bàn U.17 rồi U.19 Quốc Việt. Đồng trang lứa là Khuất Văn Khang, Phan Tuấn Tài của Viettel FC. Cần nhắc đến Viettel ở đây bởi có gì đó rất thú vị là Khuất Văn Khang gần giống với lối chơi, vị trí và phong cách của đàn anh Nguyễn Hoàng Đức. Cùng đóng vai trò tổ chức tấn công, Văn Khang tỏ ra đa năng, năng nổ, chững chạc và sắc sảo bậc nhất của lứa U.20 hiện tại.

Kế bước đội trưởng U.20 quốc gia này, chúng ta lại được thấy một đội trưởng khác của U.16 quốc gia-tiền vệ Nguyễn Công Phương, cũng người Viettel, cũng có triển vọng trong lối chơi và vai trò gần giống các đàn anh. Quán xuyến thế trận, đội hình, cầm trịch, vừa là đội trưởng trên sân vừa là nhạc trưởng lại có chất của một trung đội trưởng trong quân ngũ Văn Khang và Công Phương quan tâm, động viên, kết nối các đồng đội.

Không có điều kiện tuyển quân và bản sắc địa phương để không lúc nào thiếu tài năng như Sông Lam Nghệ An, Viettel và nhiều câu lạc bộ, trung tâm đào tạo đã có cách làm riêng khác nhau để cho ra lò các lứa cầu thủ tài năng và trong quá trình này, những yếu tố có tính riêng biệt, bản sắc cũng dần hình thành. Ở Hoàng Anh Gia Lai là lối chơi phối hợp kỹ thuật tấn công đẹp mắt.

Ở Viettel hiện tại là phòng ngự kiên trì và tạo đột biến. Công thủ toàn diện nhất là Hà Nội. Cả 3 câu lạc bộ này đều có phương cách gây dựng lâu dài, bền vững từ các tuyến trẻ. Năng lực đào tạo hiệu quả giúp cho họ cũng có được số quân luôn dư dả để cho các câu lạc bộ khác ở V-League và hạng nhất mượn.

Sông Lam Nghệ An nhiều năm qua phải để tướng tài, quân giỏi rời quê hương để có thu nhập cao thì hiện tại đã có những tín hiệu khả quan về tài chính nhằm giữ tướng, giữ quân giỏi cùng những ngôi sao tiềm năng. Có nhiều cơ sở để tin rằng đội bóng xứ Nghệ sẽ trở lại đỉnh cao V-League trong tương lai không xa.

Cứ đi sẽ thành đường, con đường đào tạo trẻ ai cũng muốn hướng tới nhưng không phải ở đâu và ai cũng có thể đặt chân vào là bước đi thành công. Nhiều năm đứt gãy các tuyến trẻ, Bình Định muốn chinh phục V-League bằng cách mua sao đi tắt. Đà Nẵng làm mới từ trẻ có bước thành công song lại vừa mắc “sự cố tài chính” không thể đưa U.17 dự giải toàn quốc sắp tới. Các câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh trong thời buổi sa sút cũng đã nhìn rõ hơn những hạn chế cả trong hạ tầng và cơ chế vận hành. Họ cũng phải tìm cách xây dựng móng nền.

Biển cứ hát mãi bởi có sóng trước sóng sau, bóng đá có anh trước em sau, có “con chị nó đi, con dì nó lớn” mới bền vững, mới có tình yêu và hy vọng.

ANH NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/song-truoc-song-sau-703875