Song Vân: Hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo bền vững

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là một trong 7 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Cấp ủy, chính quyền xã Song Vân (Tân Yên) đã khai thác hiệu quả thế mạnh địa phương, khơi dậy tính chủ động, tạo cơ hội để người nghèo tự lực vươn lên.

Trao cơ hội thoát nghèo

Nằm cách trung tâm huyện Tân Yên 7 km, xã Song Vân có diện tích tự nhiên hơn 7,99 km2 với 2.548 hộ dân. Năm 2021, sau tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu giai đoạn mới với phương thức tiếp cận đa chiều, toàn xã có 111 hộ nghèo, 144 hộ cận nghèo. Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã xác định, muốn giảm nghèo thì trước hết phải thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của mỗi người dân. Vì vậy, ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, xã quan tâm bố trí kinh phí để hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình, tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo. Phương châm này được người dân ủng hộ, tích cực xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Chị Tạ Thị Tình, thôn Tè chăm sóc bò được hỗ trợ từ dự án đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững.

Chị Tạ Thị Tình, thôn Tè chăm sóc bò được hỗ trợ từ dự án đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững.

Đầu năm nay, 18 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Song Vân được tham gia dự án nuôi bò sinh sản (giống bò lai Sind). Tổng kinh phí thực hiện gần 400 triệu đồng từ nguồn thuộc dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nhiều năm, vừa qua, bà Tạ Thị Tình ở thôn Tè được hỗ trợ một con bò lai Sind. Bà Tình chia sẻ: “Nhà có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Hằng ngày tôi tranh thủ đi nhặt phế liệu kiếm sống. Đầu năm nay, tôi rất mừng vì được Nhà nước hỗ trợ, mẹ con tôi sẽ chăm sóc chu đáo cho bò lớn nhanh để có nguồn thu”.

Từ hỗ trợ sinh kế, tư liệu sản xuất nên nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đơn cử như gia đình chị Đặng Thị Dự ở thôn Ngò nhiều năm thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo của xã, một mình chị phải xoay sở đủ việc để nuôi các con ăn học. Năm 2023, thông qua Tổ Tiết kiệm vay vốn của phụ nữ và nông dân, chị được vay 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, chị Dự đầu tư nuôi bò; trồng mướp và thiên lý. Chị chia sẻ: “Được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt nên tôi có điều kiện phát triển mô hình sản xuất của gia đình. Nhờ vậy, tôi có thêm thu nhập để nuôi con ăn học, cải thiện cuộc sống; năm 2023 gia đình đã thoát khỏi diện cận nghèo”.

Để thoát nghèo bền vững, bên cạnh hỗ trợ sinh kế, cách tốt nhất là trang bị cho người dân kiến thức và cách thức làm ăn. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền xã Song Vân thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo nghề may công nghiệp, chăn nuôi… cho hàng trăm lao động. Nhiều người trong số đó đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt hơn.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Đảng ủy, UBND xã Song Vân chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ các chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, nhà ở, giáo dục, tiền điện... Cùng đó, mỗi tổ chức, đoàn thể lại có cách làm riêng để giúp đoàn viên, hội viên hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên trong cuộc sống. Đơn cử như: Hội Nông dân phát động phong trào thi đua "Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; Hội LHPN có chương trình "Phụ nữ giúp nhau phát triển sản xuất, giúp đỡ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững"... Bà Nguyễn Thị Ngát, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết, hằng năm, MTTQ và các tổ chức thành viên đều tập trung huy động các nguồn lực tặng quà Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn. Cùng đó vận động kinh phí xây mới, sửa chữa nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở. Kết quả vận động, hỗ trợ được công khai để nhân dân nắm được. Riêng năm 2023, trên địa bàn xã Song Vân có 4 hộ được trao kinh phí xây nhà đại đoàn kết.

 Xã Song Vân tích cực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở.

Xã Song Vân tích cực hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở.

Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, năm nay, xã Song Vân hỗ trợ kinh phí xây mới 4 nhà cho hộ nghèo trên địa bàn. Đến nay cả 4 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngoài huy động sự đóng góp của nhân dân địa phương, Song Vân còn vận động được nguồn lực từ các tập thể, cá nhân ngoài địa bàn và các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Trong căn nhà mới đầy đủ tiêu chí 3 “cứng” (mái cứng, khung tường cứng, nền cứng), anh Giáp Văn Màu ở thôn Hồng Phúc không khỏi xúc động khi giấc mơ “an cư” đã thành hiện thực. Được biết, anh Màu sức khỏe hạn chế nên không làm được việc nặng. Hai con nhỏ đang tuổi ăn học, thu nhập bấp bênh, cả gia đình sống trong ngôi nhà cũ mái ngói đã xuống cấp, hễ mưa lớn là lại chạy dột. Dịp này, được cấp ủy, chính quyền các cấp và các nhà hảo tâm, anh em họ hàng giúp sức nên gia đình đã có được căn nhà vững chắc.

Với những nỗ lực đó, hết năm 2023, xã Song Vân còn 55 hộ nghèo, tỷ lệ 2%; 139 hộ cận nghèo, tỷ lệ 5,06%. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, theo ông Giáp Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã, thời gian tới, căn cứ hướng dẫn của cấp trên, xã sẽ triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo năm 2024 bảo đảm công bằng, khách quan, đúng đối tượng. Trên cơ sở đó sẽ phân loại và tìm nguyên nhân thiếu hụt của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo để có giải pháp cụ thể hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, kiến thức... Lồng chép các nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chương trình mục tiêu khác để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ nghèo được tiếp cận và thụ hưởng. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ của chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh truyền thông và khuyến khích đầu tư phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giải quyết việc làm cho người dân, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/song-van-ho-tro-sinh-ke-giam-ngheo-ben-vung-080959.bbg