Sông Vĩnh Định và văn bia đá cổ
Nói đến công trình trị thủy lớn của tỉnh Quảng Trị dưới triều Nguyễn không thể không nhắc đến quá trình đào sông Vĩnh Định. Đây là con đường thủy nội địa huyết mạch quan trọng dưới triều Nguyễn. Công trình được khởi công từ mùa xuân tháng 3, năm Ất Dậu, Minh Mạng thứ 6 (1825). Con sông này được đào và khơi vét nhiều lần, trải dài từ triều vua Minh Mạng đến các đời vua sau này.
Con sông Vĩnh Định nối sông Thạch Hãn ở ngã ba Cổ Thành đến sông Lương Điền, thông vào phá Tam Giang và nối liền với kinh đô Huế với chiều dài khoảng hơn 26 km. Sông Vĩnh Định không chỉ quan trọng đối với nông nghiệp, giao thương của Quảng Trị mà trực tiếp đến Kinh sư Huế.
Con sông đào này có từ thời Hậu Lê, đoạn nối từ Quy Thiện với Cổ Thành. Đoạn từ Ngô Xá, Hải Vĩnh, ngã ba Hói Dét qua Trung Đơn, Phước Điền đào từ thời vua Minh Mạng. Năm 1825 từ Duân Kinh trở vào sông bị bồi lấp, vua Minh Mạng huy động sức quân dân nạo vét, xong đặt tên là sông Vĩnh Định.
Đến thời vua Tự Đức, công việc khơi vét lại sông Vĩnh Định được tiến hành và đến tháng 7 thì hoàn thành. Các vị hào lão trong làng Câu Hoan, xã Hải Thiện cho biết, ngày nay tuy có nhiều đoạn bị thu hẹp và bồi lấp nhưng sông Vĩnh Định vẫn có vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp nước tưới tiêu cho các xã, thôn thuộc huyện Hải Lăng.
Ông Lê Đức Thọ, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Quảng Trị cho biết: “Các vua triều Nguyễn ngự tuần ra Bắc đều đi qua con sông này. Năm thứ 17 (1836) vua ngự ra Quảng Trị, ngự châu kinh qua đường sông, phụng ngự chế thi - chương chạm bia đá dựng ở phía nam bờ sông”. Năm ấy đúc 9 cái đỉnh lấy hình sông này chạm vào Thuần Đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) đại giá Bắc tuần phụng ngự chế thi chương chạm vào bia dựng ở bờ sông.
Ngày nay, đi qua địa phận xóm Cồn Đống, làng Câu Hoan, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng vẫn còn thấy hai bài văn bia do vua Minh Mệnh và Thiệu Trị ngự chế trong đợt Bắc tuần đi qua sông Vĩnh Định. Mặc dù đạn bắn làm mất nhiều chữ nhưng nhìn chung vẫn có thể đọc được cơ bản nội dung của hai bài văn bia.
Bài văn bia do vua Minh Mệnh viết có tựa đề Ngự chế quá Vĩnh Định hà đề, Minh Mệnh thập thất niên thất nguyệt nhị thập cửu nhật (1836). Bài văn bia do vua Thiệu Trị viết có tựa đề Quá Vĩnh Định hà cảm tác, Thiệu Trị nhị niên thập nhị nguyệt cát nhật cung thuyên. Ngự chế thi nhất thủ (1842).
Dịch nghĩa bài văn bia ngự chế vua Minh Mệnh như sau:
“Nơi này nguyên có một dòng sông nhỏ, tuy vậy nó vừa cạn, vừa hẹp, lại nhiều khúc cong, phía dưới sông nhiều phù sa bồi đắp. Các liệt thánh triều trước nhiều lần phát binh dân khơi thông dòng chảy để vận chuyển được thông suốt, lại nhiều lần bị ngẽn tắc khó có thể hoàn thành được. Đến đầu đời vua Minh Mệnh, các xã Phương Lang, Thi Ông một dải bị khô hạn, thậm chí có thể đi bộ vượt sông được, thuyền bè qua lại phải dùng người để vận chuyển, việc công tư thật là khó nhọc.
Nghĩ đến Quảng Trị là vùng đất phụ cận Kinh Kì, nếu đường thủy không thông, việc thật không nhỏ, bèn đến năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) lệnh cho Hậu phó lý Đô thống Thần sách quân Phan Văn Thúy thuê dân phu 3.700 người đào từ xã Trung Đan đến xã Quân Kinh thì dừng lại, chiều dài là 1.723 trượng, khoảng 12 dặm, có nơi cong nơi thẳng, nơi cạn nơi sâu, trước sau 3 tháng 18 ngày thì hoàn thành, mệnh đặt tên là sông Vĩnh Định, tiền thuê tổng cộng hơn 6 vạn 4 nghìn 6 trăm quan, thóc hết hơn 2 vạn 9 nghìn 4 trăm phương, đến mùa dân hưởng lợi, nhiều tiền quốc khố chẳng thể dè xẻn”.
Như vậy, chúng ta được biết rằng trong giai đoạn định hình phát triển vùng đất Đàng Trong, các vị vua chúa Nhà Nguyễn đã có sự quan tâm đặc biệt đến tuyến giao thông đường thủy kết hợp phát triển nông - thương nghiệp xuyên suốt qua các vùng đồng bằng và trung tâm của các vùng đất mới.