Sống với nhau cả đời, sao lại nên... ngủ riêng?

Khi nhắc đến chuyện vợ chồng già ngủ riêng phòng, nhiều người vẫn nghĩ đó là dấu hiệu của tình cảm phai nhạt, là sống với nhau không nổi nữa. Nhưng thực ra với những cặp đôi đã gắn bó mấy chục năm, việc ngủ riêng không phải là biểu hiện tình yêu nguội lạnh mà là sự thấu hiểu và quan tâm dành cho nhau.

Tuổi già kéo theo chất lượng giấc ngủ và sức khỏe suy giảm, chen chúc trên một chiếc giường chưa chắc đã thể hiện sự gắn bó, ngược lại còn có thể làm phiền nhau. Vợ chồng già nên học cách ngủ riêng, điều này không liên quan đến tình cảm sâu đậm hay nhạt nhòa mà là một lựa chọn sáng suốt vì sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Đảm bảo chất lượng giấc ngủ, để cơ thể có thời gian hồi phục

Ông thường ngáy to như sấm về đêm, bà bị tiếng ngáy làm mất ngủ, trằn trọc cả đêm, sáng dậy mắt thâm quầng, ban ngày mệt mỏi, chóng mặt. Bà thì ngủ rất nông, chỉ cần một tiếng động nhỏ là tỉnh giấc, mà ông lại hay thức dậy giữa đêm để đi vệ sinh, mỗi lần xuống giường lại làm bà tỉnh theo. Cả hai đều ngủ không ngon, dễ cáu gắt.

Đến mùa đông, họ lại cãi nhau vì chuyện đắp chăn: ông nóng, thường đạp tung chăn; bà thì sợ lạnh, phải đắp chăn dày. Vì chiều nhau mà ai cũng ngủ không yên, lâu dần sức khỏe càng đi xuống.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngủ riêng chính là cách “giải phóng” giấc ngủ cho cả hai. Ở tuổi già, một giấc ngủ sâu đã là điều xa xỉ. Giấc ngủ chất lượng giúp cơ thể hồi phục, còn nếu cứ bị làm phiền thì chỉ khiến hệ miễn dịch suy giảm, bệnh tật dễ kéo đến.

Ngủ riêng không phải là “chia lòng chia dạ” mà là để ông yên tâm ngáy ngủ, bà được ngủ trọn giấc, mỗi người có một không gian nghỉ ngơi yên tĩnh, sáng hôm sau mới có đủ năng lượng chăm sóc cho nhau. Ngủ ngon thì tinh thần cũng tốt, ít gây gổ vì mệt mỏi, cuộc sống chung vì thế mà êm ấm hơn.

Tôn trọng khác biệt sinh hoạt, giữ khoảng cách dễ chịu khi sống chung

Sau khi nghỉ hưu, ông quen dậy sớm, năm giờ sáng đã dậy tập thể dục, nấu ăn. Bà thì thích ngủ muộn, thức khuya dậy trễ, cứ bị tiếng động của ông làm thức giấc. Bà yêu sạch sẽ, muốn phòng ngủ lúc nào cũng gọn gàng tinh tươm; ông lại quen tiện đâu để đấy, hai người thường cãi nhau vì chuyện phòng ốc bừa bộn. Ông có thói quen nghe kể chuyện trước khi ngủ, dù bật nhỏ cũng làm bà, người muốn yên tĩnh đọc sách mà khó chịu. Vì chiều nhau nên ai cũng ấm ức.

Ngủ riêng chính là cách tạo không gian cho những khác biệt ấy. Sống với nhau vài chục năm, cả hai đã quá hiểu thói quen của nhau. Khi còn trẻ thì có thể nhường nhịn, nhưng đến tuổi này, sức khỏe không cho phép tiếp tục “chịu đựng” để hòa hợp. Cố sống chung phòng sẽ chỉ làm mâu thuẫn thêm sâu.

Ngủ riêng giúp mỗi người được sống theo cách mình thấy thoải mái: ông không phải rón rén sợ làm bà thức, bà cũng không cần nhẫn nhịn để chiều ông. Mỗi người có góc nhỏ riêng để nghỉ ngơi, tận hưởng sự yên tĩnh của mình, nhờ đó ít va chạm hơn.

Khoảng cách dễ chịu này không làm tình cảm phai nhạt mà còn khiến hai người thêm trân trọng những khoảnh khắc ban ngày bên nhau: cùng đi chợ, nấu ăn, dạo bộ , sống với nhau nhẹ nhàng hơn, ít phàn nàn hơn.

Tình cảm vợ chồng già không nằm ở việc có còn chung chăn gối hay không mà ở chỗ có biết tôn trọng nhau không. Và việc ngủ riêng chính là một biểu hiện của sự tôn trọng đó.

T. Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/song-voi-nhau-ca-doi-sao-lai-nen-ngu-rieng-d207227.html