Sốp Cộp nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý chất thải rắn trên địa bàn, huyện Sốp Cộp đã tăng cường thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, tỷ lệ rác thải được thu gom đạt 86%; tỷ lệ rác thải được xử lý đạt 80,8%.
Vào chiều ngày 15 hằng tháng, tổ tự quản môi trường của các bản trên địa bàn xã Nậm Lạnh lại vận động nhân dân thu gom rác thải trên các tuyến đường nội bản và cánh đồng của bản. Các loại rác thải sinh hoạt, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, túi ni lon, chai lọ sau khi sử dụng được nhân dân gom tại các bể chứa trên cánh đồng, vườn cây ăn quả.
Ông Tòng Văn Tiên, Trưởng bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, cho hay: Nhận thức rõ sự cần thiết của việc thu gom rác thải bảo vệ môi trường, nhân dân trong bản đã nhất trí đóng góp 5,2 triệu đồng trích từ nguồn quỹ của bản để xây 5 bể chứa, 3 thùng chứa rác di động; thành lập 1 tổ tự quản gồm 5 thành viên có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn bà con thu gom rác thải đi xử lý.
Qua rà soát từ các xã, hiện nay, lượng rác thải được thu gom trung bình hơn 6,5 tấn/ngày. Toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt chưa được phân loại ở các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, các khách sạn, nhà nghỉ và phân loại trong quá trình thu gom được vận chuyển về khu xử lý tập trung. Hiện tại, huyện có 1 bãi tập kết rác thải tại bản Nó Sài, xã Sốp Cộp, phục vụ việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình tại khu trung tâm hành chính huyện và một số xã lân cận. Nhân dân các xã còn lại thu gom, chôn lấp bằng các hình thức: Đào hố rác tập trung, hố rác mini…
Ông Lường Văn Thi, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, nhân dân. Đôn đốc, hướng dẫn các xã thực hiện tốt tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục xây dựng các mô hình thu gom, xử lý rác thải, quy hoạch điểm tập kết, xử lý rác thải nông thôn đảm bảo yêu cầu về môi trường theo quy hoạch nông thôn mới. Triển khai tới các xã việc xây dựng hố rác di động để phân loại và xử lý chất thải rác hữu cơ dễ phân hủy tại hộ gia đình. Duy trì Ngày thứ 7 về cơ sở xây dựng nông thôn mới cùng nhân dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải…
Việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang được Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị - Chi nhánh Sốp Cộp thực hiện tại các xã Sốp Cộp; Nậm Lạnh; Dồm Cang; Mường Và. Ông Đặng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Chi nhánh cho biết: Đơn vị đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ sản xuất, tổ chức 2 ca thực hiện việc quét dọn, thu gom rác, không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với khu vực trung tâm huyện, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom từ hộ gia đình bằng các xe chở rác đẩy tay, tập trung tại các điểm tập kết để xe chở rác chuyên dụng thu gom, vận chuyển đến khu vực xử lý. Tần suất thu gom 1 lần/ngày, đảm bảo thu gom, xử lý trên 90%.
Ông Cầm Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, cho biết: Từ ngày có xe đi thu gom rác đã giảm thiểu việc đốt rác sinh hoạt, nhà cửa sạch sẽ hơn vì rác được tập trung, thu gom đều đặn. Bà con tích cực tham gia tổ thu gom rác thải, hằng tuần cùng tham gia thu gom, nhặt rác thải bỏ đúng nơi quy định. Nhân dân hiểu rõ bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của riêng cá nhân hay tổ chức nào mà đó là của toàn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhân dân các địa phương trong huyện đã hình thành thói quen bỏ rác vào thùng trước nhà hoặc đặt ở một vị trí cố định để xe đi thu gom. Đặc biệt, các gia đình sống ven đường, ven các suối, việc thu gom rác tại nhà đã giúp gia đình họ giảm thiểu bị ảnh hưởng bởi các đống rác tự phát, các bao rác trôi gây nghẽn suối, bốc mùi như nhiều năm trước đây.
Với những nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường, môi trường sống ở Sốp Cộp đã có những chuyển biến và cải thiện đáng kể. Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các bản, nhân rộng mô hình đoạn đường tự quản có hiệu quả. Hằng tháng, đánh giá, bình xét các mô hình, việc làm bảo vệ môi trường hiệu quả để kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình… Góp phần giúp các xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí về môi trường trong thời gian sớm nhất.