'Sốt' đất bùng nổ khắp nơi: Quy mô nhỏ nhưng thiệt hại lớn

Các cơn 'sốt' đất gần đây chủ yếu là giao dịch nhỏ, do một nhóm 'cò' đất trục lợi nhờ các thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, nếu không 'cắt cơn', sẽ gây ra thiệt hại lớn.

Trong suốt năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam chỉ ghi nhận một vài cơn “sốt” đất nhỏ lẻ tại Thạch Thất (Hà Nội), Long Thành (Đồng Nai) hoặc thành phố mới Thủ Đức (TP.HCM).

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, “sốt” đất bùng nổ khắp nơi, khiến giá trị đất đai tăng chóng mặt. Trong thời gian qua, giới chuyên gia bất động sản đã có nhiều phân tích để lý giải nguyên nhân về hiện tượng “sốt” đất dây truyền.

"Sốt" đất bùng nổ khắp nơi.

Một số nguyên nhân chính như người dân có dòng tiền nhàn rỗi, họ kỳ vọng về giá bất động sản tăng nhanh, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hòi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, hiện nay, lãi suất cho vay ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục, tạo động lực cho nhà đầu tư vay vốn đầu tư bất động sản.

Ngoài ra, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang suy kiệt nguồn cung mọi sản phẩm bất động sản, trong khi lực cầu của nhà đầu tư ngày càng tăng cao. Điều này cũng khiến "sốt" đất nở rộ.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Đại Phúc (Đại Phúc Land) cho rằng: Ngay ở khu vực nội thành TP.HCM, giá bất động sản liên tục tăng khiến tình trạng "nước chảy chỗ trũng" và nhà đầu tư kỳ vọng giá ở các khu vực lân cận cũng tăng theo.

Tuy nhiên, bà Hương đánh giá, các cơn "sốt" hiện nay không an toàn, thiếu tính bền vững. Đo đó, bà Hương khuyến cáo: Nhà đầu tư và thị trường cần thật tỉnh táo vì khi có những cơn "sốt" xảy ra, người người, nhà nhà rủ nhau đi mua đất sẽ tạo tâm lý đám đông. Bởi họ chỉ nhìn thấy giá tăng, thấy sốt nhưng khi xem xét những yếu tố tạo nên cơn sốt hiện nay sẽ thấy nguyên nhân.

Giải thích rõ hơn về điều này, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam cho biết: Các cơn “sốt” đất trong thời gian qua chủ yếu là giao dịch nhỏ, do một nhóm người đưa ra những thông tin về quy hoạch, điều chỉnh giá đất để trục lợi, kiếm lời qua cơn “sốt” đất. Trong thời gian tới, nếu không “cắt” được cơn “sốt”, hệ lụy sẽ là rất lớn.

Do đó, một trong những giải pháp cần là quy hoạch, định vị lại môi giới ngành nghề, lực lượng tham gia chính quy, có trách nhiệm. Bởi nếu ai cũng làm môi giới bất động sản sẽ dễ gây nhiễu thị trường. Ngay cả những người tham gia thị trường cũng phải trang bị kiến thức đầu tư.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội cho rằng, năm 2021 không phải năm đầu tiên, Hà Nội và các thị trường xung quanh xảy ra hiện tượng “sốt” đất dây truyền.

Bà An cho rằng, diễn biến hiện nay có nhiều điểm tương đồng như giai đoạn 2008 - 2010, Việt Nam cũng hội tụ rất nhiều yếu tố để kỳ vọng một giai đoạn tăng trưởng phát triển kinh tế mới sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Hà Nội được mở rộng và có những quy hoạch mới,...

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất hiện nay là tín dụng và lãi suất ngân hàng. Nếu giai đoạn 2008 - 2010 mặt bằng lãi suất ở ngưỡng cao và tín dụng tăng trưởng cao. Nhưng hiện nay, lãi suất được duy trì ở mức vừa phải, tín dụng cũng được kiểm soát tốt hơn.

Bà An nhấn mạnh: Nếu quan sát cả những lần trước đây, có thể thấy, hiện tượng này thường xảy ra khi có tâm lý và sự kỳ vọng vào việc tăng trưởng kinh tế.

“Sự tăng giá thời điểm này giống như bất kỳ một chu kỳ tăng giá nào. Nếu mức tăng phù hợp với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với lạm phát thì thị trường sẽ mang tính ổn định. Tuy nhiên, nếu tăng quá nhanh thường sẽ phải có giai đoạn điều chỉnh”, bà An nói.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sot-dat-bung-no-khap-noi-quy-mo-nho-nhung-thiet-hai-lon-post127185.html