'Sốt đất' đấu giá từ thành thị đến nông thôn - Bài 2: Nhận trái đắng nhà đầu tư 'đua nhau' bỏ cọc
Nhiều nhà đầu tư trúng đấu giá đất nhưng đến thời điểm phải nộp tiền theo quy định thì sẵn sàng bỏ cọc chứ không nộp tiền đã trúng với giá trên trời.
Bỏ cọc, hủy giao dịch
UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) vừa ký hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) đối với 35 lô đất.
Theo UBND huyện Quảng Xương, lý do hủy kết quả trúng đấu giá các lô đất nói trên là do khách hàng không nộp đủ số tiền trúng đấu giá QSDĐ theo quy định. UBND huyện giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương có MBQH nói trên thông báo tới người trúng đấu giá QSDĐ về việc hủy kết quả trúng đấu giá và thu hồi tiền đặt trước. Các địa phương tổ chức đấu giá lại các lô đất bị hủy kết quả trúng đấu giá QSDĐ quy hoạch đất ở.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đình Dự, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết vệc hủy kết quả trúng đấu giá QSDĐ ở các địa phương nói trên là do hết thời gian theo quy định của pháp luật. Kể từ khi trúng đấu giá đến khi hết hạn nộp tiền mà người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ số tiền trúng đấu giá nên bắt buộc UBND huyện buộc phải có thông báo hủy kết quả trúng đấu giá.
Theo ông Dự, vào thời điểm khoảng từ tháng 2 đến tháng 6/2021, bất động sản Thanh Hóa bỗng dưng “sốt” mạnh. Các mặt bằng ở các địa phương thuộc huyện Quảng Xương, nhất là các xã vùng biển khi đưa ra đấu giá đều bán rất nhanh và người trúng đấu giá cao hơn so với giá sàn Nhà nước định giá rất nhiều lần, có nơi cao gấp rưỡi, gấp đôi so với giá sàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương nhận định, người trúng đấu giá chủ yếu là người của địa phương khác hoặc ở TP Thanh Hóa. Đây có thể là lực lượng cò mồi nhảy vào để tạo cơn “sốt đất” ảo, khiến thị trường bị xáo trộn. Những người trúng đấu giá với giá cao này đến thời điểm phải nộp tiền theo quy định thì sẵn sàng bỏ cọc, chứ không nộp tiền đã trúng với giá trên trời đã trúng tại các phiên đấu giá.
Trước thực trạng nhà đầu tư ồ ạt bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, ông Nguyễn Đình Dự dự tính, tới đây tất cả các mặt bằng trên địa bàn huyện Quảng Xương đã đưa ra đấu giá QSDĐ, nếu người trúng đấu giá không nộp tiền thì huyện sẽ thu về khoảng 100 tỷ tiền đặt cọc.
Tình trạng khách hàng bỏ cọc dẫn tới việc chính quyền phải hủy kết quả đấu giá cũng xảy ra trước đó tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Điển hình là hồi cuối tháng 8, UBND huyện Hoằng Hóa đã ký quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất tại khu dân cư xã Hoằng Thành đối với 21 cá nhân và 29 cá nhân khác trúng đấu giá tại khu dân cư xã Hoằng Đồng vào khoảng tháng 3/2021. Lý do hủy kết quả trúng đấu giá là do đã quá thời hạn mà khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá.
Tại huyện Thọ Xuân, hồi tháng 4, chính quyền cũng phải hủy kết quả trúng đấu giá với 46 lô đất “quê” tại khu dân cư Đông Vũng Cao, thôn Bột Thương, xã Xuân Sinh vì các nhà đầu tư trúng đấu giá không nộp tiền và thực hiện các thủ tục theo quy định, chịu mất tiền đặt cọc. Trước đó, tuy mặt bằng này là đất “quê”, với giá khởi điểm mỗi lô chỉ 250 triệu đồng, nhưng kết quả trúng đấu giá đều được đẩy lên mức từ 1 tỷ đồng đến 1,4 tỷ đồng mỗi lô đất.
Đầu cơ "hét giá" rồi bỏ cọc
Không chỉ Thanh Hóa mà một số địa phương khác như Bắc Giang cũng xuất hiện tình trạng khách hàng bỏ cọc dẫn tới việc chính quyền phải hủy kết quả đấu giá. Cụ thể, theo kết quả rà soát của UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang), đến thời điểm tháng 4/2021, toàn huyện có 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.
Các lô đất trên có diện tích từ 90m2 đến hơn 200 m2/lô, thuộc thôn Chùa, xã Thái Đào, 55 lô; thôn Vàng và khu dân cư chợ Năm, xã Tiên Lục, 37 lô; thôn Thanh Lương, Cầu Đá và khu cổng UBND xã Quang Thịnh, 3 lô; thôn Tân Sơn, xã Tân Dĩnh, 3 lô; tổ dân phố Tân Luận, thị trấn Vôi, 4 lô; tổ dân phố Lèo, thị trấn Kép, 1 lô.
Tổng số tiền các lô đất khách hàng trúng đấu giá là hơn 156 tỷ đồng, chênh lệch hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Được biết, những lô đất đấu giá mà nhà đầu tư bỏ cọc được các sale rao bán trên nhiều trang mạng, tung ra thị trường, tạo sự khan hiếm để bán cho người có nhu cầu mua.
Tại Nghệ An, đợt đấu giá 32 lô đất ở xã Nhân Thành (Yên Thành, Nghệ An) có giá khởi điểm trên 600 triệu đồng/lô, mỗi bộ hồ sơ tham gia đấu giá đất phải đặt cọc 100 triệu đồng và trong phiên đấu giá có tới trên 200 hồ sơ tham gia.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Nhân Thành cho biết, giá đất qua phiên đấu giá đất được đẩy lên hơn gấp đôi giá khởi điểm, từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng, tùy lô. Tuy nhiên đã quá thời hạn nộp tiền trúng đấu giá đất nhưng chỉ mới có 18/32 lô đất hoàn thành nên xã đã trình cấp có thẩm quyền xin hủy bỏ kết quả để đấu giá đất lại.
Tương tự, vào tháng 4/2021, ở xã Mã Thành cũng đấu giá đất được 36 lô, đến thời hạn phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với các lô đất trúng đấu giá, tuy nhiên chỉ có 12/36 lô đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính, còn lại chấp nhận bỏ cọc.
Trước thực trạng bỏ cọc, chia sẻ với báo chí, ông Bùi Trọng Long, Bí thư Đảng ủy xã Mã Thành chia sẻ: Nguyên nhân bỏ cọc cả trăm triệu đồng "tháo chạy" khỏi lô đất trúng đấu giá là do một số đối tượng đầu cơ đẩy giá đất lên quá cao, sau đó không bán lại được; có lô đất giá khởi điểm trên 700 triệu đồng nhưng các đối tượng lại đẩy lên trên 2 tỷ đồng.