'Sốt' đất diễn ra trên quy mô toàn cầu: 'Tác dụng phụ' của 'giải cứu' kinh tế
Không chỉ Việt Nam, tình trạng 'sốt' đất còn diễn ra trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia như New Zealand, Trung Quốc… lo ngại 'bong bóng' bất động sản có thể xảy ra.
Năm 2020, nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm nghiêm trọng bởi các tác động của đại dịch Covid-19. Bước sang năm 2021, Chính phủ nhiều quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, như giảm một số loại thuế, nới lỏng các chính sách tiền tệ hoặc ngân hàng trung ương giảm lãi suất;...
Tuy nhiên, các giải pháp kích thích kinh tế, hạ lãi suất hay nới lỏng tiền tệ đã gây ra một tác dụng phụ, đẩy dòng tiền sang đầu tư bất động sản, khiến giá nhà ở, đất đai tăng cao.
New Zealand, Úc, Canada, Đức xuất hiện nhiều đợt "sốt" đất. (Ảnh minh họa)
Theo hãng tin Bloomberg, tại New Zealand, giá đất đang tăng rất “nóng”, nhiều nhà môi giới tại đây phải dùng từ “thảm khốc” để nói về cuộc tranh giành các hợp đồng giao dịch nhà. Nhiều người lo ngại, nếu trong vài tháng tới, Chính phủ New Zealand không kiểm soát đà tăng của bất động sản, rất dễ tạo ra “bong bóng”.
Cũng theo hãng tin này, trong tháng 3/2021, một căn nhà 3 phòng ngủ tối thiểu tại Auckland đã có giá khoảng 5,98 triệu NZD, cao hơn tới 2,6 triệu NZD so với mức giá ước tính của hội đồng địa phương.
Thậm chí, nhiều người ngạc nhiên một ngôi nhà tồi tàn tại Auckland vào tháng 1/2021, đã tăng giá lên tới 1,81 triệu NZD. Một số nghiên cứu biết, giá nhà bình quân tại New Zealand đã tăng 20% trong 1 năm qua, đạt ngưỡng 780.000 NZD, cho một hợp đồng giao dịch.
Còn nghiên cứu của Informetrics cho thấy, giá nhà bình quân hiện cao hơn 6,7 lần so với thu nhập trung bình của một hộ gia đình tại New Zealand. Để đưa mức giá về cân bằng, giá nhà cần giảm 55% hoặc thu nhập bình quân của các hộ gia đình phải được tăng 123%.
Giống như New Zealand, tại Canada, Sydney (Úc) cũng xuất hiện tình trạng “sốt” đất, giá nhà tăng bình quân 10% trong năm qua. Đặc biệt, tại Đức, “sốt” đất lại diễn ra ở các vùng nông thôn, giá nhà đã tăng 11% so với năm ngoái.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, giá đất, giá nhà ở nhiều thành phố đã phá vỡ mọi kỷ lục trong 6 tháng qua. Doanh số bán nhà trong tháng 2/2021, tại 29 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Reuters, giá nhà mới tại đại lục tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Thâm Quyến tăng 5,9%.
Nhiều thành phố tại Trung Quốc đã xuất hiện "sốt" đất. (Ảnh minh họa).
Michael Wang – một doanh nhân, chia sẻ rằng ông là người giàu nhất trong ngôi làng mình sinh sống ở miền nam Trung Quốc – nơi ông sở hữu một vài nhà máy. Năm ngoái, với mong muốn được Chính phủ hỗ trợ, ông đã mua 2 căn hộ ở Thâm Quyến với giá 95.000 tệ/m2.
Mùa hè năm đó, Chính phủ đã công bố một loạt các biện pháp để đưa Thâm Quyến trở thành một thành phố kiểu mẫu. Hiện tại, mức giá của 2 căn nhà kia đã tăng hơn gấp đôi, dù vẫn chưa hoàn thiện.
Wang cho biết: “Đầu cơ vào bất động sản sinh lợi hơn cả buôn ma túy. Thị trường bất động sản của Thâm Quyến sẽ bùng nổ khi nhà nước muốn giá đất ở nơi đó tăng lên và mọi thứ sẽ rung lắc khi nhà nước muốn tác động mạnh”. Wang nói rằng, Chính phủ là nhóm hưởng lợi nhiều nhất qua việc bán đất và thu thuế. Hơn nữa, xây dựng cũng là một lĩnh vực quan trọng đối với việc làm ở Trung Quốc và đầu tư vào bất động sản, cơ sở hạ tầng đã tăng lên trong năm nay.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện “bong bóng” bất động sản, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã siết chặt tín dụng bất động sản, như tăng lãi suất khi mua căn nhà thứ 2, tăng từ 5,3 - 5,5%/năm lên 5,7%/năm, đồng thời người mua phải có 50% tổng giá trị tiền mặt;...
Bên cạnh sự kiểm soát tín dụng, nhiều thành phố tại Trung Quốc cũng áp dụng một số giải pháp khác. Đơn cử, tại Bắc Kinh, lãnh đạo thành phố cấm các công ty bất động sản quảng cáo việc đầu tư đất đai sẽ sinh lời cao, hoặc thành phố Thâm Quyến đã lập đường dây sóng để người dân tố cáo các các công ty cho vay đầu cơ bất động sản;...
Tại Thượng Hải, lãnh đạo thành phố mạnh tay trấn áp tình trạng đầu cơ nhà ở thông qua các vụ ly hôn giả, và các thành phố bao gồm Hàng Châu đã yêu cầu những quy định bổ sung khi người dân mua một thêm nơi cư trú thứ hai của họ.
Với chính sách nhà là nơi để ở, không phải để đầu tư, lãnh đạo Trung Quốc hiện đã tạm thời kìm được mức tăng nóng của bất động sản.