'Sốt' đất khắp nơi có thể khiến thị trường bất động sản đổ vỡ

Sau Tết, 'sốt' đất không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà 'cơn sốt' còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng…

Sáng 26/3, tại Hà Nội, tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu bất động sản, tổ chức buổi Tọa đàm bất động sản mùa xuân.

Trong buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đã giải thích hiện tượng “sốt” đất “nổ” ra khắp nơi, kể từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam nhưng thị trường bất động sản, giá bất động sản, "sốt" đất vẫn nóng. Đặc biệt, giá bất động sản tại một số thành phố không giảm, ngược lại còn tăng.

Thị trường cần cảnh giác với câu chuyện "sốt" đất nền. Ảnh minh họa

Có hai nguyên nhân: Thứ nhất, kênh đầu tư bất động sản vẫn rất hấp dẫn. Tôi cho rằng, bất động sản là kênh đầu tư mà người Việt tin tưởng, chỉ sau vàng và chứng khoán.

Thứ hai, nguồn cung bất động sản tại một số địa phương, như các thành phố lớn còn thiếu hụt đã đẩy giá bất động sản tăng cao.

Đáng chú ý, "sốt" đất không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà "cơn sốt" còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng…

Những cơn sóng đó xuất hiện chủ yếu bởi các thông tin quy hoạch như sân bay, đường cao tốc giao thông, dự án của doanh nghiệp lớn.

Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng "sốt đất" đã tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân… Những "cơn sốt" đất chúng ta đã chứng kiến ở Ba Vì, hay như mới đây ở Bình Phước... là những ví dụ điển hình.

“Tôi cho rằng, trong những "cơn sốt" đất, ngoài cái lợi vẫn có những thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo số đông. Do đó, tôi kiến nghị Nhà nước, lãnh đạo địa phương phải quan tâm và kiểm soát điều này”, ông Hà nói.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa chuyên gia kinh tế đánh giá: Thị trường cần cảnh giác với câu chuyện "sốt" đất nền, nó luôn là nguồn cơn của "sốt" giá bất động sản.

“Việc đất nền quá “sốt” cũng đem lại nhiều rủi ro. Do đó, chúng tôi đã có báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ, dù không quá căng thẳng nhưng cần có giải pháp để kiểm soát giá đất nền”, ông Nghĩa nói.

Theo TS Nghĩa, kinh tế thực của Việt Nam có thể không đạt được tốc độ phát triển nhanh như mong muốn của Nhà nước. Cùng với đó, các nguy cơ về bùng nổ tài chính có thể xảy ra. Tôi cho rằng, không nên đua theo dòng tiền của đất nền "sốt" ảo bởi có thể dẫn đến đổ vỡ bất động sản.

Theo ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận, từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trường bất động sản Việt Nam liên tục “nổ” ra “sốt” đất. Từ Bắc chí Nam, tỉnh/thành nào cũng có “sốt” đất.

Đơn cử, tại miền Bắc có Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh. Trong đó, UBND thành phố Hạ Long đã có văn bản thừa nhận, cơn “sốt” đất tại địa phương là “sốt” ảo.

Khu vực miền Trung có Quảng Trị, Quảng Bình,... Thậm chí, Đà Nẵng, thành phố đang rất khó khăn để tìm lại “ánh hào quang” cũ cũng bất ngờ tăng “nóng” trở lại. Tuy nhiên, UBND Đà Nẵng cũng xác định đây chỉ là “sốt” ảo.

Tương tự, tại miền Nam, Thủ Đức, TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xuất hiện “sốt” đất. Đặc biệt, có cơn “sốt” tại Hớn Quản, Bình Phước được xác định là “sốt” ảo.

Các chuyên gia từ Bộ Xây dựng, Hội môi giới bất động sản và nhiều chuyên gia nhận định rằng, các cơn “sốt” đất, nhất là “sốt” đất ảo để lại nhiều hệ lụy xấu cho xã hội, an ninh trật tự địa phương, có nguy cơ tạo ra “bong bóng” bất động sản.

Do đó, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ có những giải pháp mạnh tay để ngăn chặn tình trạng “sốt” đất xảy ra khắp nơi.

Lâm Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sot-dat-khap-noi-co-the-khien-thi-truong-bat-dong-san-do-vo-post125072.html