'Sốt' đất tại các tỉnh phía Nam - Bài cuối: Minh bạch hóa thị trường
Theo các chuyên gia, nhu cầu xem bất động sản như là kênh đầu tư giữ tiền đang rất lớn trong bối cảnh thị trường nhiều bất định.
Nhu cầu đầu tư tăng
Lý giải về tình trạng giá đất tăng, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cho biết, gần đây, tình trạng giá đất tăng đã xuất hiện và lan rộng ở phạm vi lớn hơn trước. Theo thống kê, từ cuối năm 2021 đến nay, giá đất đã tăng trên diện rộng, lan ra các khu vực lân cận TP Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An... Cơn sốt giá cũng xuất hiện ở khu vực Tây Nguyên như Bảo Lộc, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.... Hay một số tỉnh miền Bắc, miền Trung cũng có sốt đất cục bộ. Trước đó, ở giai đoạn 2018-2019, sốt đất thường tập trung ở một số khu vực ở TP Hồ Chí Minh như Quận 9, Thủ Đức... do có các dự án lớn.
"Nguyên nhân là trong 2 năm qua, dù kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng lớn do COVID-19 vẫn có sự tăng trưởng. Các thông tin quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, dự án cũng được công bố. Nhiều địa phương cũng tích cực triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, thu hút được doanh nghiệp ngoại đến đầu tư khu công nghiệp, dự án nghỉ dưỡng... Những yếu tố này khiến nhà đầu tư chú ý, đặt ra chiến lược đón đầu. Giá đất theo đó được đẩy lên cao do tình trạng mua đi bán lại nhanh. Mặt khác, trong bối cảnh rủi ro lạm phát cao, các nhà đầu tư cũng có nhu cầu lớn tìm một kênh neo giữ tài sản mà bất động sản thường là kênh đầu tiên được nghĩ đến. Trong đó, đất nền luôn là phân khúc có nhu cầu cao do tính thanh khoản lớn, tốc độ sinh lợi nhanh", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nói.
Tương tự, chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh cho biết, nguồn lực đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam hiện nay khá lớn. Sau đợt tăng ấn tượng của thị trường chứng khoán vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư muốn chuyển lợi nhuận sang bất động sản, bởi hai kênh này giống như hai chiếc bình thông nhau. Mặt khác, dưới tác động của các yếu tố địa chính trị như căng thẳng Nga – Ukraine, dịch bệnh COVID-19, lạm phát, khó khăn trong kinh doanh khiến nhà đầu tư, doanh nghiệp phải tìm lời giải cho bài toán đầu tư sinh lời, ít rủi ro hơn. Trong đó, kênh đầu tư bất động sản đang có cơ hội sinh lời nhiều hơn các kênh đầu tư khác.
Tuy nhiên, theo bà Đỗ Hương Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Property X của Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, xu hướng tâm lý chung của người dân đa phần muốn đầu tư vào đất nền bởi các dự án đất nền thường sinh lời cao. Tuy nhiên, dù đầu tư vào thị trường nào cũng có cơ hội sinh lời khi các nhà đầu tư coi trọng yếu tố an toàn, bền vững của thị trường. Ví dụ với các phân khúc đất nền ở các tỉnh vùng ven TP Hồ Chí Minh, các nhà đầu tư nên chọn những sản phẩm có quy hoạch rõ ràng, được chính quyền xác nhận hay quy hoạch dự án của chính chủ đầu tư với tình hình tài chính doanh nghiệp ổn định, có kế hoạch đầu tư dài hạn. Bởi hiện nay, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đã qua thời mua đất bất chấp và mạo hiểm.
Ngăn thổi giá bằng minh bạch thị trường
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để phát triển thị trường bất động sản bền vững, ngăn ngừa thổi giá đất, ngăn hành vi trục lợi trong đấu giá đất… có bốn nhóm vấn đề chính cần giải quyết gồm: tạo nguồn lực từ đất đai, hoàn thiện thể chế, bài toán đấu giá đất và chính sách nhà ở.
Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, thị trường bất động sản đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và có tính rất đặc thù, bởi nó luôn gắn liền với quyền sử dụng đất. Do vậy, để thị trường bất động sản phát triển bền vững, minh bạch, lành mạnh, trước hết cần phải có chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để điều tiết thị trường. Cụ thể giá đất là một trong những yếu tố trọng yếu ảnh hưởng trực tiếp đến cấu thành giá sản phẩm. Nếu phương pháp tính đúng, cách tính rõ ràng sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển thị trường bất động sản. Muốn có giá đất ổn định, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ vốn cho người dân vay mua nhà, cho các chủ đầu tư để doanh nghiệp tính toán được chi phí đầu vào và từ đó đưa ra giá bán phù hợp, kịp thời trên thị trường và có lợi nhất cho khách hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... vẫn còn có những nội dung giao thoa, chồng chéo, bất cập, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để khắc phục các tồn tại này. Vì vậy, Hiệp hội cũng đang kiến nghị các cấp cao hơn cho ý kiến hai dự án: Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường này. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đang nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
"Đối với các nhà đầu tư, trước khi quyết định xuống tiền, cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế", ông Lê Hoàng Châu khuyến cáo.