Sốt, đi ngoài 20 lần/ngày, bé trai nguy kịch phải lọc máu liên tục
Sau 3 ngày sốt cao liên tục kèm đi ngoài phân lỏng hơn 20 lần/ngày, bé trai 10 tháng tuổi đến viện trong tình trạng nguy kịch phải lọc máu liên tục.
Lọc máu liên tục cứu bé trai 10 tháng tuổi
Bé V.M.Đ (10 tháng tuổi, trú tại Thanh Ba, Phú Thọ) được chuyển đến Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ sau 2 ngày điều trị tiêu chảy cấp mất nước tại trung tâm y tế huyện nhưng không tiến triển. Gia đình cho biết, trước đó bé Đ đã sốt cao liên tục trong 3 ngày và có đi ngoài phân lỏng hơn 20 lần/ngày.
Khi tới Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, bé Đ. khó thở, thở nhanh nông, tim nhịp nhanh, mạch quay bắt yếu và bụng chướng căng. Lúc này, bé đã ở trong trạng thái lơ mơ, đi ngoài phân lỏng toàn nước, không có dấu hiệu mất nước.
Sau khi vào viện, bé được làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết quả cho thấy có tình trạng rối loạn điện giải nặng kèm toan chuyển hóa nặng.
Bệnh nhi ngay lập tức được đặt ống nội khí quản, thở máy, kiểm soát không khí, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải. Đồng thời, sau khi tiến hành chọc dịch não tủy xét nghiệm, bé Đ được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm màng não mủ, rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, suy hô hấp độ 3.
Sau 1 giờ điều trị, tình trạng toan chuyển hóa cải thiện chậm, bệnh nhi được chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu. Sau 2 ngày điều trị tích cực, trẻ hết toan, tình trạng rối loạn điện giải đã được kiểm soát ổn định, trẻ được rút ống nội khí quản và tiếp tục điều trị tình trạng viêm màng não mủ.
Đến nay, sau gần 2 tuần điều trị, toàn trạng bênh nhi ổn định và được xuất viện về nhà.
Theo khuyến cáo của BSNT Nguyễn Võ Lộc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, các triệu chứng sốt, nôn, đi ngoài là các triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên đây cũng có thể là những triệu chứng cảnh báo trẻ bị viêm não/màng não. Vì vậy, khi trẻ có các triệu chứng như sốt, sốt cao liên tục, tiêu chảy (3 lần trở lên trong một ngày) hoặc nôn liên tục thì cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Cứ 20 trẻ bị bệnh viêm màng não sẽ có 1 trẻ tử vong
Các chuyên gia y tế cảnh báo, cứ 20 trẻ bị bệnh viêm màng não sẽ có 1 trẻ tử vong, nếu may mắn sống sót thì 20 - 25% trẻ phải gánh chịu di chứng nặng nề về thần kinh...
Có nhiều nguyên nhân gây viêm màng não, trong đó có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau như: vi khuẩn Hib, vi khuẩn não mô cầu, vi khuẩn phế cầu… Những vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi hoặc miệng, rồi di chuyển lên não gây viêm màng não mủ.
Tùy theo tác nhân gây bệnh mà thời gian ủ bệnh viêm màng não là khác nhau, thông thường là từ 2 - 10 ngày. Các triệu chứng của viêm màng não thường khởi phát đột ngột như: Sốt cao, nôn ói, đau đầu, cứng gáy, mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng, xuất huyết hoặc ban xuất huyết với hình dạng bất thường trên da… Trong đó, đau đầu dữ dội, không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau là triệu chứng đặc trưng nhất để nhận biết bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, khi thấy trẻ có những dấu hiệu cảnh báo trên, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, hoặc cho trẻ uống các loại lá. Nếu trì hoãn và chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng về thần kinh do bệnh được điều trị muộn.
Bệnh viêm màng não trẻ em có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vaccine. Tại Việt Nam hiện đều có vaccine phòng ngừa bệnh viêm màng não do vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn và mô cầu các nhóm. Các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi và lưu lại việc chủng ngừa của trẻ để đảm bảo trẻ được tiêm ngừa đúng lịch và đầy đủ.