Sốt ruột với Quy hoạch điện VIII!
Đã hơn 1 năm rưỡi trôi qua từ khi Bộ Công thương lần đầu tiên trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch điện VIII thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (tháng 3.2021), bản quy hoạch đặc biệt quan trọng với sự phát triển của đất nước vẫn chưa được thông qua.
Mới đây, Bộ Công thương lần thứ 6 có tờ trình Chính phủ về phê duyệt Đề án Quy hoạch điện VIII sau khi đã làm việc với các bên liên quan và tiến hành rà soát theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo tờ trình mới nhất này, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121.757 - 145.989MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát). Trong đó thủy điện chiếm 19,8 - 22,5%; nhiệt điện than 20,6 - 19,8%; nhiệt điện khí trong nước và LNG (24,9 - 27%); năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) 18 - 27%; nhập khẩu điện 3,3 - 3,4%.
Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 368.461 - 501.608MW; trong đó tỷ lệ thủy điện chỉ còn chiếm 7,2 - 9,7%; nhiệt điện than chiếm 0%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện chiếm 54,9 - 58,9%.
Điểm đáng chú ý là lần này Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng giữ lại 4 dự án nhiệt điện than gồm Quảng Trị, Sông Hậu II, Nam Định I và Vĩnh Tân III trong Quy hoạch Điện VIII mặc dù các dự án này đang chuẩn bị đầu tư nhưng được cho là có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn đầu tư. Trường hợp 6.200MW điện than của 4 dự án này không thể triển khai trên thực tế, Bộ Công thương dự tính thêm phương án bù bằng các nguồn điện khác như điện gió và điện sinh khối.
Cũng tại Tờ trình, Bộ đề xuất chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 các dự án điện mặt trời đã hoàn thành hoặc đang chờ giá bán điện mới; các dự án đã có nhà đầu tư, đã đầu tư xây dựng đang thi công; các dự án đã được thẩm định thiết kế cơ sở, đã có quyết định thu hồi đất/hợp đồng cho thuê đất hoặc quyết định giao đất, hợp đồng mua bán thiết bị, hợp đồng mua bán điện, tổng công suất 726,02MW.
Bộ cũng đề xuất chưa cho phép triển khai trong giai đoạn 2021 - 2030 với 27 dự án chưa có nhà đầu tư, tổng công suất 4.136MW và 12 dự án, tổng công suất 1.634MW đã có chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ đầu tư nhưng đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xem xét sau năm 2030 với điều kiện bảo đảm được hệ thống truyền tải, cơ cấu nguồn điện vùng, miền, nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Về giá điện, theo dự thảo Quy hoạch, giá điện bình quân sẽ tăng dần từ mức 7,9 cent/kWh vào năm 2020 lên mức 8,1 - 9 cent/kWh vào năm 2030, vẫn được cho là thấp hơn của Indonesia và Thái Lan; và định hướng tới năm 2050, giá điện bình quân là 10,2 - 10,5 cent/kWh.
Chính phủ chắc chắn sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng tờ trình của Bộ Công thương; còn mong muốn chung của xã hội lúc này là Quy hoạch sớm được thông qua để các dự án phát triển điện mau chóng được triển khai.
Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tiến độ lập Quy hoạch rất chậm so với yêu cầu. Điều này dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong Kỳ họp thứ Tư vừa qua, Ủy ban Kinh tế cũng đã đặc biệt lưu ý với Chính phủ về vấn đề này.
Vẫn biết việc lập Quy hoạch điện VIII chịu thách thức lớn nhất từ trước đến nay khi vừa phải bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, vừa phải bảo đảm tiến trình thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Cũng bởi thế, dự thảo Quy hoạch cần được xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng và toàn diện. Tuy nhiên, tiến trình xem xét cũng không thể kéo dài mãi. Quy hoạch điện VIII cần được ban hành để có căn cứ triển khai các dự án điện, tạo năng lực sản xuất trong trung và dài hạn; nếu không chúng ta có thể phải đối diện với những rủi ro về an ninh năng lượng.