Sốt xuất huyết bùng phát tại TPHCM: 'Quên bài' chống dịch?
Theo báo cáo nhanh của 4 bệnh viện tuyến cuối chuyên tiếp nhận, điều trị sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TPHCM ngày 24/6, số ca bệnh nhập viện điều trị đang gia tăng, trong đó có 626 trường hợp đang nằm điều trị nội trú với 82 trường hợp nặng, 50% số bệnh nhân nặng là do các bệnh viện tỉnh chuyển đến do quá khả năng điều trị.
Theo Sở Y tế TPHCM, dịch SXH đã bắt đầu gia tăng từ đầu năm, trong khoảng một tháng qua dịch đang tăng nhanh, ca bệnh xuất hiện ở hầu hết các phường xã trên toàn thành phố. Nếu không có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, SXH sẽ bùng phát trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân và các hoạt động kinh tế xã hội.
Để chủ động ngăn chặn nguy cơ bùng phát của dịch SXH, ngày 24/6, UBND TPHCM ban hành kế hoạch tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH (muỗi vằn) trên toàn địa bàn nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. Thời gian tổ chức thực hiện từ nay đến hết tháng 9/2022.
Theo đó, thành phố yêu cầu tất cả các hộ gia đình, trụ sở cơ quan đơn vị, nơi sản xuất, trường học, bệnh viện, nơi công cộng cần đậy kín thùng, lu, chậu trữ nước khi không sử dụng; thay nước và súc rửa thường xuyên (bình bông, dĩa lót chậu kiểng, ly nước cúng, chậu nước gia cầm) hoặc thả cá bảy màu ăn lăng quăng (hòn non bộ, cây thủy sinh).
Đối với các vật chứa nước không có mục đích sinh hoạt cần thu gom và loại bỏ ngay. Nếu chưa có điều kiện loại bỏ thì phải có biện pháp sắp xếp, che chắn, không để ứ đọng nước và phải loại bỏ ngay trong vòng một tuần.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM cho rằng, năm nay SXH tại khu vực phía Nam tăng nhanh với nhiều ca bệnh nặng là do mùa mưa đến sớm, tạo điều kiện cho muỗi trung gian truyền bệnh phát triển.
Bên cạnh đó, sau nhiều năm tập trung chống dịch COVID-19, cả hệ thống y tế và người dân đã “quên bài” phòng chống, phát hiện sớm bệnh SXH.
“Hệ thống y tế cần phải “ôn lại bài” về các vấn đề chuyên môn trong dự phòng và điều trị SXH cho nhân viên y tế. Người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh và đến cơ sở y tế sớm khi có biểu hiện sốt cao liên tục 2 ngày trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt” - BS Hữu Khanh nói.
Đắk Lắk: Dịch SXH lan rộng
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 722 trường hợp mắc SXH với 20 ổ dịch, tăng gấp 3,43 lần so với cùng kỳ năm trước. Các ca bệnh tập trung ở huyện Ea Súp, Lắk, Buôn Đôn, Krông Pắc, Ea H’leo và Cư M’gar. Theo ông Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, riêng trong tuần qua, số ca mắc SXH gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh, tăng đến 63% so với cùng kỳ. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc SXH sẽ tăng mạnh nếu người dân không nâng cao ý thức phòng, chống bệnh.
HUỲNH THỦY