'Sốt xuất huyết không phải bệnh tự điều trị, tự mua thuốc'
Số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao với diễn biến rất phức tạp trong những ngày vừa qua tại Hà Nội. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, đặc biệt, đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong từ tháng 8 đến nay.
Thời điểm này, các bệnh viện truyền nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn tiếp nhận rất đông bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) vào điều trị. Tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng gần 20 bệnh nhân, nhẹ thì có các triệu chứng sốt, ho, nổi mẩn đỏ trên da, nặng thì bị biến chứng cô đặc máu, tràn dịch màng bụng, giảm tiểu cầu. Một số ca suy hô hấp phải thở oxy.
Tại Bệnh viện Đống Đa và Bệnh viện Việt Nam Cuba cũng ghi nhận từ 10 đến 15 ca mắc sốt xuất huyết mỗi ngày. Trong đó, số ca diễn biến nặng chiếm khoảng 10%.
Bác sỹ HÀ HUY TÌNH, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Hà Nội: "Bệnh nhân vào viện thường có tình trạng là sốt cao liên tục, đau mỏi người. Có bệnh nhân thì xuất hiện niêm mạc, chảy máu răng. Một số bệnh nhân nữa thì có tràn dịch cả màng bụng và màng phổi nữa."
Bác sỹ TRẦN THỊ NGUYỆT NGA, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba, TP Hà Nội: "Có những triệu chứng, diễn biến rất là khó lường trước và SXH cần phải chẩn đoán rõ và các biểu hiện của nó theo giai đoạn của bệnh và đặc biệt từ ngày thứ 3 trở đi là giai đoạn cảnh báo nặng. Chính vì vậy sốt xuất huyết không phải bệnh tự điều trị, tự mua thuốc được."
Theo theo kê, từ đầu năm đến nay Hà Nội đã ghi nhận hơn 3.000 ca sốt xuất huyết, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết tăng từ 20% đến 50%/ tuần. Trong đó có 4 ca tử vong. Ngoài chủng virus gây bệnh sốt xuất huyết là Dengue 1 và Dengue 2 thì trên địa bàn cũng đã phát hiện thêm chủng virus Dengue 4.
.
ÔNG KHỔNG MINH TUẤN, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội: "Đối với CDC chúng tôi trong thời gian qua đã tăng cường phối hợp với các cơ sở điều trị giám sát các đối tượng nhiễm để chúng ta có được số liệu cụ thể cũng như là có biện pháp tuyên truyền trong cộng đồng để làm sao mà những khu vực nào có nguy cơ sẽ phải tăng cường hơn nữa các hoạt động truyền thông để người dân có thể phòng chống bệnh cho chính mình."
Để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bùng phát trên địa bàn và giảm thiểu nguy cơ số ca tử vong do SXH, Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện cho cán bộ y tế, đội xung kích tập huấn kỹ năng giám sát dịch bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, bảo đảm phun hóa chất đúng kỹ thuật. Đối với các bệnh viện cần tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị, tránh tình trạng bệnh nhân không được cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.
Thực hiện : Tiến Dũng Minh Chiến
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/sot-xuat-huyet-khong-phai-benh-tu-dieu-tri-tu-mua-thuoc