Sốt xuất huyết tại TPHCM tiếp tục gia tăng, đã có 10 ca tử vong
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tính đến ngày 13/7, Thành phố ghi nhận 15.538 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 159,4% (9.548 ca) so với cùng kỳ năm 2024 (5.990 ca), và ghi nhận tổng cộng 10 ca tử vong.

Điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết
Cụ thể, khu vực TPHCM cũ ghi nhận 11.914 ca (tăng 167,1% so với cùng kỳ 2024), trong đó 222 ca chuyển nặng (cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ 2024) và ghi nhận 6 trường hợp tử vong; khu vực Bình Dương ghi nhận 2.695 ca (tăng 148% so với cùng kỳ 2024), trong đó 65 ca chuyển nặng (cao gấp 5 lần so với cùng kỳ 2024) và ghi nhận 3 trường hợp tử vong; khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 929 ca (tăng 109,2% so với cùng kỳ 2024) và ghi nhận 1 trường hợp tử vong.
Tổng số ca mắc được ghi nhận cho thấy dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh và lan rộng trên địa bàn. Những con số về ca chuyển nặng và ca tử vong cho thấy gánh nặng điều trị đang gây áp lực lên hệ thống y tế, đòi hỏi sự phối hợp và hành động nhanh chóng từ chính quyền, ngành Y tế và cộng đồng trong việc tìm và loại bỏ nơi muỗi vằn đẻ trứng, ngăn chặn dịch lan rộng, cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh để kịp thời điều trị.
Ông Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường diễn biến nhanh, từ thể nhẹ chuyển sang nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các địa phương. Trung bình mỗi năm, cả nước ghi nhận khoảng 100.000 trường hợp mắc và khoảng 100 ca tử vong. Bệnh diễn ra quanh năm, nhưng thường tăng mạnh trong các tháng từ tháng 6 đến tháng 11. Mặc dù số ca mắc tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố phía Nam, song những năm gần đây, khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên cũng bắt đầu ghi nhận số ca mắc tăng dần.
Theo Bộ Y tế, hiện nay đang bắt đầu vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết, bệnh có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp nếu không chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Trong đó, cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Bên cạnh đó, nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.