Sốt xuất huyết tăng cao, nhiều bệnh nhân phải nằm giường xếp
Hiện số bệnh nhân sốt xuất huyết ở Quảng Ngãi nhập viện đang tăng cao đột biến. Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi phải bố trí nằm ghép hoặc kê giường xếp để thuận tiện hơn trong công tác điều trị.
Ghi nhận tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, tất cả các phòng bệnh đều rất đông người bệnh đang nằm điều trị. Một giường bệnh phải bố trí ghép 2-3 bệnh nhân. Lối đi ở các hành lang cũng được tận dụng để kê thêm giường cho người bệnh. Mỗi bệnh nhân đi kèm ít nhất một người nhà theo chăm sóc. Chính vì thế, khuôn viên của Khoa trở nên chật hẹp hơn hẳn.
Hiện số giường thực kê tại Khoa Bệnh Nhiệt đới là 54 người. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân mỗi ngày lên đến 100 người. Anh Nguyễn Ngọc Liêm ngụ ở phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi dù nhập viện vì sốt xuất huyết đã 3 ngày nhưng chưa có đêm nào được ngả lưng thoải mái.
Nhiều bệnh nhân phải nằm giường xếp ngoài hành lang vì Khoa không còn đủ giường nằm
“Tôi bị sốt liên tục 4 ngày liền, sau đó bị chảy máu chân răng, đau bụng… Đi khám, xét nghiệm máu thì mới biết mình bị sốt xuất huyết. Mà vào viện thì đông người bệnh quá. Nằm ghép cái giường nhỏ mà lại 2-3 người lớn cùng nằm làm sao được. Mà tôi kê tạm giường xếp ngoài hành lang thì lối đi của người ta hẹp lại, cứ phải xê dịch. Mình sốt mệt, mà nằm vậy thì mệt thêm. Nhưng biết làm sao được, đợt này người bệnh như mình vào viện nhiều quá!”- Anh Liêm than thở.
Còn trường hợp của chị Nguyễn Thị Ninh ngụ ở xã Bình Dương (Bình Sơn) cũng không khá hơn. Chị có dấu hiệu của sốt xuất huyết, tụt tiểu cầu nặng, nên được chuyển viện từ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Bệnh có dấu hiệu chuyển biến nặng, cần không gian yên lặng để nghỉ ngơi, nhưng phòng bệnh đông người, khiến chị cảm thấy không thoải mái. “Sốt li bì kèm xuất huyết nữa nên cơ thể bị đuối. Mà phòng bệnh lúc nào cũng đông, nên khó mà có được thời gian yên tĩnh lắm”- chị Ninh chia sẻ.
Một tháng trở lại đây, mỗi ngày Khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận khoảng 20-30 ca bệnh. Trong đó, có hơn 70% là bệnh nhân sốt xuất huyết. Ngày cao điểm Khoa có đến 120 bệnh. Trong khi đó, Khoa chỉ có 16 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó chỉ có 4 bác sĩ chia nhau làm việc theo tua liên tục. Công việc nhiều, bệnh nhân đông đã gây ra áp lực khá lớn đối với các y, bác sĩ tại Khoa.
Trong vòng một tháng trở lại đây, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị tăng cao đột biến
Điều dưỡng Cao Thị Tuyển cho biết: Mỗi ngày, Khoa phải thực hiện lấy máu xét nghiệm cho 20-30 trường hợp bệnh mới nhập viện. Đồng thời, cấp phát thuốc, tiêm thuốc và hỗ trợ người nhà bệnh nhân bất cứ lúc nào. Mỗi khi vào ca trực thì thực sự không có lúc nào có thời gian rảnh.
Bác sĩ Lương Văn Tuấn- Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết: Khoa đang trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân nhập viện nhiều và liên tục từ sau. So với năm trước, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện điều trị tăng cao đột biến.
Khoa đã phải đề xuất với lãnh đạo bệnh viện huy động tất cả giường xếp về bố trí cho bệnh nhân nằm điều trị. Đồng thời, bổ sung nhân lực từ các khoa, phòng khác đến hỗ trợ tăng số cán bộ, nhân viên trong một tua trực để thực hiện công tác chăm sóc, điều trị tốt hơn. Vì sốt xuất huyết là bệnh dễ có biến chứng nhanh, nguy hiểm nếu không được theo dõi sát sao.
Bệnh viện phải tăng cường nhân lực từ các khoa, phòng khác đến hỗ trợ công tác chăm sóc, điều trị bệnh tại Khoa Bệnh Nhiệt đới
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận hơn 1.600 ca sốt xuất huyết. Riêng trong 1 tháng trở lại đây, đã có hơn 200 ca bệnh. Thời tiết mưa, bão liên tục đã tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Cộng với số người mang mầm bệnh có sẵn trong cộng đồng, gặp muỗi nên truyền bệnh rất nhanh. Thêm một nguyên nhân khiến bệnh tăng cao chính là ý thức chủ động phòng chống sốt xuất huyết của người dân như diệt lăng quăng, bọ gậy chưa cao.
Bác sĩ Tuấn cũng khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết có thể được theo dõi, điều trị tại nhà. Khi có dấu hiệu sốt, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn kịp thời. Cách tốt nhất vẫn là chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để bọ gậy, lăng quăng có cơ hội phát triển thành muỗi gây bệnh.