Sri Lanka xoay trở đối phó khủng hoảng kinh tế

Sri Lanka cùng lúc triển khai nhiều biện pháp để khắc phục các vấn đề đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.

Sri Lanka đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng kéo dài nhiều tháng qua với tình trạng thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men, trong khi lạm phát cao kỷ lục và tình trạng không đủ điện sử dụng vẫn tiếp diễn. Chính quyền nước này đang gấp rút triển khai một số biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết tình hình, song song với việc hợp tác với các tổ chức quốc tế để tìm hướng đi dài hạn.

Người dân đi bộ trên đường phố thủ đô Colombo của Sri Lanka ngày 12-5. Ảnh: BLOOMBERG

Người dân đi bộ trên đường phố thủ đô Colombo của Sri Lanka ngày 12-5. Ảnh: BLOOMBERG

Từ tăng thuế đến tăng sản xuất lương thực

Theo hãng tin Reuters, Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 31-5 vừa ra thông báo sẽ chuẩn bị áp dụng mức tăng mới đối với thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tăng thu ngân sách để đối phó khủng hoảng. Cụ thể, VAT sẽ tăng từ 8% lên 12%, dự kiến thu về ngân sách thêm khoảng 180,5 triệu USD. Trong khi đó, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng từ 24% lên 30% từ tháng 10 tới, thu về ngân sách khoảng 143,9 triệu USD. Thông báo cũng nêu rõ sẽ giảm thuế cho người nộp thuế cá nhân, dù không nói rõ là giảm bao nhiêu.

Thông báo còn cho rằng các biện pháp cải cách thuế này là cần thiết do tình trạng tài chính không bền vững hiện nay của ngân sách. Thủ tướng Wickremesinghe dự kiến sẽ đệ trình dự chi ngân sách lên Quốc hội trong vài tuần tới. Ngân hàng trung ương Sri Lanka cùng ngày cũng thông báo sẽ hỗ trợ khối tư nhân trong nước tiếp cận đủ nguồn ngoại tệ thông qua khu vực ngân hàng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cuộc sống của người dân không bị đình trệ thêm.

Trong một động thái khác nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực, Bộ trưởng Nông nghiệp Sri Lanka Mahinda Amaraweera ngày 31-5 đã ra lời kêu gọi nông dân toàn quốc hãy ra đồng trong vòng 5-10 ngày tới và trồng lúa. Ông cũng cảnh báo về nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng vào tháng 8, đồng thời ước tính quốc gia này sẽ cần 600 triệu USD để nhập khẩu phân bón.

Hãng tin Bloomberg dẫn báo cáo mới công bố của Bộ Điều tra dân số và thống kê Sri Lanka, lạm phát trong tháng 4 đã tăng 33,8%, tăng cao hơn sáu lần so với mức lạm phát 5,5% của cùng kỳ năm trước. Riêng lạm phát giá thực phẩm ở mức 45,1%. Dự báo lạm phát sẽ còn tăng trong tháng 5 này do giá xăng đã tăng tới 35%.

Tìm kiếm hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế

Sri Lanka đang đàm phán và đối thoại chặt chẽ với một số tổ chức tài chính quốc tế để tìm kiếm các gói cứu trợ khẩn cấp cùng khả năng giãn nợ. Ngày 30-5, Ngoại trưởng Sri Lanka Gamini Lakshman Peiris thông báo Ngân hàng Thế giới (WB) đã đồng ý giải ngân gói cứu trợ trị giá 700 triệu USD cho nước này trong vài tháng tới. WB còn cam kết làm việc với các thiết chế tài chính khác để hỗ trợ thêm cho Sri Lanka, theo hãng tin AP.

Động thái của WB thực sự là một diễn biến đáng chú ý bởi chỉ một tuần trước đó, tổ chức này đã tuyên bố sẽ không có kế hoạch cung cấp bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính mới nào cho Sri Lanka, cho đến khi quốc gia này đưa ra một khuôn khổ chính sách kinh tế phù hợp.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một tổ chức thân cận với WB, ngày 26-5 cũng từng ra thông báo tương tự khi khẳng định vẫn cam kết sát cánh cùng Sri Lanka nhưng bất kỳ chương trình viện trợ nào cũng sẽ phụ thuộc vào khả năng quản lý được khoản nợ không bền vững của chính quyền nước này.

Ngoài hai tổ chức nói trên, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mới đây cũng đã thông báo đang xem xét cấp 100 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho Sri Lanka nhưng chưa biết khi nào giải ngân. AIIB là một tổ chức ngân hàng đa phương được thành lập năm 2014, thu hút phần lớn nguồn tài trợ từ Trung Quốc (TQ). TQ cũng là nước cho vay song phương lớn nhất của Sri Lanka với số dư chưa thanh toán lên tới 6,5 tỉ USD.

Về phía hỗ trợ từ các nước đơn lẻ, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera ngày 28-5 cho biết vừa tiếp nhận lô hàng 90.000 tấn dầu từ Nga, theo hãng tin AFP. Số dầu này bị giữ lại hơn một tháng qua ngoài khơi thủ đô Colombo do Sri Lanka thời gian qua không huy động đủ hơn 75 triệu USD thanh toán. Số dầu thô mà Sri Lanka vừa tiếp nhận sẽ được sử dụng để tái khởi động Sapugaskanda, cơ sở lọc dầu duy nhất của nước này.

Theo Bộ trưởng Wijesekera, số dầu mua được từ Nga là rất đáng kể bởi Sri Lanka đang nợ các nhà cung cấp nước ngoài khoảng 735 triệu USD nên không thể tìm được đối tác nào khác chịu chấp nhận cung cấp nguyên nhiên liệu cho cơ sở Sapugaskanda duy trì hoạt động.•

Khủng hoảng Sri Lanka có thể phải mất hai năm để khắc phục

Trong một phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng trước, ông Ali Sabri - khi đó là bộ trưởng Tài chính của Sri Lanka - đã cảnh báo nước này sẽ còn phải trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn chưa từng có thêm ít nhất hai năm nữa, tờ India Today cho hay. Ngoài ra, một cuộc khủng hoảng tiền mặt cũng có thể sắp xảy ra tại nước này. Ông Sabri nay đã là bộ trưởng Tư pháp.

Số liệu chính thức cho thấy dự trữ ngoại hối của Sri Lanka còn khoảng 1,7 tỉ USD nhưng hầu hết số tiền này là khoản hoán đổi tiền tệ với TQ nên không thể dùng để mua hàng hóa từ nước ngoài. Ông Sabri cho rằng chính quyền Sri Lanka tiền nhiệm cũng đã sai lầm khi nhiều lần trì hoãn việc tiếp cận với IMF nhằm đàm phán cho các gói cứu trợ trước khi quá muộn. Hiện Sri Lanka vẫn tiếp tục đàm phán với IMF về các khoản cứu trợ. Tuy nhiên, ông cho rằng quá trình này phải mất nhiều tháng.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/sri-lanka-xoay-tro-doi-pho-khung-hoang-kinh-te-post682736.html