Stalin từng bị mưu sát bao nhiêu lần?
Những kẻ ám sát đã không thể tiếp cận Stalin và thậm chí không làm được ông bị thương
Từng có nhiều âm mưu ám sát Stalin
Theo báo chí Nga, từng có nhiều âm mưu ám hại lãnh tụ Liên Xô Stalin. Vụ mưu sát đầu tiên diễn ra ngày 6/11/1931, Ogarev - một sĩ quan bạch vệ là một điệp viên người Anh bắn Stalin trên đường Moskovskaya Ilyinka, nhưng các sĩ quan Bộ nội vụ đã cứu ông. Sau sự cố này, Stalin được đề nghị dừng việc đi bộ trong thành phố. Đầu những năm 1930, một âm mưu ám sát Stalin của một nhóm quân nhân thuộc một câu lạc bộ đã được lên kế hoạch, nhưng bị bại lộ, những kẻ tòng phạm đã bị bắn.
Đêm khuya ngày 25/81931, một tai nạn kỳ lạ đã xảy ra - một chiếc xe tải đâm thẳng vào chiếc xe đang chở Stalin và Voroshilov. Các sĩ quan bảo vệ lập tức báo động, tài xế xe tải sợ hãi bỏ chạy khỏi hiện trường vụ tai nạn. Cùng năm 1931, xuồng của Stalin đang đi trên biển bị lực lượng bảo vệ bờ biển gần Gagra bắn. Có vẻ như cảnh sát biển đã không được thông báo lịch trình của Stalin - cái cớ cho mưu đồ sát hại ông.
Ngày 18/5/1935, hai máy bay ANT-20 Maxim Gorky và I-5 đã va chạm nhau, tất cả những người đi trên máy bay đều thiệt mạng. Trước vụ tai nạn, có thông tin Stalin đang bay trên một chiếc máy bay Maxim Gorky. Cũng vào năm 1935, một phụ nữ thừa kế của gia đình quý tộc Nga Orlova-Pavlova, đã bắn Stalin, nhưng không trúng mục tiêu. Năm 1937, Litsinskaia (Zankovskaia) cũng đã tìm cách ám sát Stalin. Trong các cuộc thẩm vấn, bà này thừa nhận tội lỗi của mình và thú nhận đang việc cho tình báo Đức.
Ngày 11/3/1938, Trung úy Danilov trong vai một sĩ quan của Bộ Nội vụ dùng thẻ căn cước giả đột nhập Điện Kremlin để sát hại Stalin, tuy nhiên, âm ưu đã bị bại lộ. Vào cuối năm đó, một chiến dịch mang mật danh "Gấu" đã được chuẩn bị để ám sát Stalin, do Lushkov - một cựu quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ cộng tác với tình báo Nhật Bản, cầm đầu. Nhóm gồm sáu chiến binh-thành viên của "Liên minh những người yêu nước Nga" được thành lập ở Mãn Châu phục kích bắn nhà lãnh đạo Liên Xô ở Caucasus, nhưng kế hoạch đã thất bại do điệp viên bí mật Liên Xô mang bí danh Leo báo về nhà.
Người Nhật từng lên kế hoạch đặt bom trong Lăng Lenin để kích nổ trong dịp Quốc tế Lao động 1/5, khi cuộc diễu hành diễn ra và ban lãnh đạo Liên Xô sẽ có mặt tại Lăng. Chiến dịch thất bại do báo cáo của điệp viên bí mật Leo và các nỗ lực của cơ quan phản gián Chekist. Đầu tháng 11/1942, trước ngày kỷ niệm cuộc cách mạng vô sản, một người đàn ông mặc quân phục nấp ở phía trước Quảng trường Đỏ, nổ súng vào xe chở các quan chức chính phủ. Dmitriev - kẻ khủng bố, đã nhầm xe Mikoyan, nghĩ đó là xe nhà lãnh đạo Stalin.
Trong những năm đầu chiến tranh, người Đức đã phái một số kẻ phá hoại mang một quả bom từ trường đến hậu phương của Liên Xô, với ý đồ cài dưới gầm xe của nhà lãnh đạo Stalin. Nhưng sau khi được gửi qua chiến tuyến, mọi liên lạc đã bị “cắt đứt”. Năm 1943, tình báo Đức đã mở một chiến dịch đặc biệt mang mật danh Long Jump được Hitler chấp thuận để khử Stalin và người đứng đầu các nước đồng minh tại Hội nghị Tehran (Iran). Phản gián của Liên Xô kịp thời phát hiện âm mưu của Đức, nhờ đó không chỉ Stalin, mà cả Churchill và Roosevelt cũng thoát nạn.
Vụ ám sát năm 1944
Hitler từng ra lệnh khẩn trương sử dụng mọi biện pháp để loại bỏ kẻ thù số một của nước Đức. Năm 1944, 2 nhóm phá hoại được triển khai cùng một lúc. Theo kịch bản, những kẻ ám sát bí mật xâm nhập Liên Xô, tiếp cận Stalin và giết ông bằng cách sử dụng một ống thép ngắn giấu kín dưới ống tay áo dạ bắn đạn 30mm có khả năng xuyên giáp ở khoảng cách 300m; hoặc cho nổ tung một quả mìn được giấu trong một chiếc cặp nhỏ, tại một cuộc họp của các quan chức hàng đầu Liên Xô vào ngày 6/11/1944.
Kế hoạch này được các cựu sĩ quan Liên Xô - Politov và Shilov vạch ra và chỉ huy. Tuy nhiên, chiến dịch bị thất bại vì máy bay chở những kẻ phá hoại ban đầu bị bắn nhầm, và trên đường di chuyển, chúng bị bắt và đưa về Moscow để thẩm vấn. Sau này, Politov bị buộc phải viết thư về Đức cho các quan thầy báo cáo tiến trình của chiến dịch đang được khởi động.
Theo một phương án khác, một tù binh có tên là Tavrin được tuyển chọn từ một trại tù binh, vượt chiến tuyến trên một chiếc máy bay bí mật. Trên đất Liên Xô, y xuất hiện dưới vỏ bọc một sỹ quan, di chuyển trên một chiếc xe mô-tô Liên Xô. Phương án giết Stalin khá nhiều: có thể bắn xe của lãnh tụ Liên Xô bằng súng phóng lựu; có thể dùng thiết bị nổ, đặt trong một chiếc cặp, mang vào phòng hội nghị. Tavrin được trang bị cả súng ngắn bắn đạn tẩm chất độc, sử dụng khi tiếp cận gần Stalin, hoặc bắn nhà lãnh đạo Liên Xô trước đám đông, nếu y có được sự tự tin.
Tavrin sẽ đến Moscow theo giấy tờ giả, trong vai một sĩ quan Hồng quân đang nghỉ dưỡng sau khi bị thương. Lần này bọn Đức chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng đã tạo ra một số giấy tờ giả, với thẻ Trưởng phòng của cơ quan phản gián quân đội Liên Xô SMERSH - Thiếu tá Tavrin. Chúng cũng đã “tạo ra” một số vết thương do “chiến đấu” trên cơ thể kẻ phá hoại... Chuyến bay đầu tiên đến Moscow đã không thành công, máy bay chở Tavrin đã bị lực lượng phòng không Liên Xô phát hiện và bắn.
Lần cuối cùng phía Đức đã phái vợ Tavrin là Shilova làm nhân viên liên lạc; cô vợ biết nhiệm vụ của chồng và đôi khi đóng vai một điệp viên Đức. Đêm 5/9/1944, chiếc máy bay với hai vợ chồng Tavrin bị trúng đạn phòng không Hồng quân, đã phải hạ cánh khẩn cấp trên lãnh thổ Liên Xô. Người dân địa phương quan sát thấy một chiếc mô-tô khi đi ra từ máy bay và đã thông báo cho các cơ quan chức năng. Bộ Nội vụ ngay lập tức triển khai việc tìm kiếm các vị khách không mời.
Ở vùng Smolensk, những kẻ phá hoại đã bị tra vấn. Mặc dù giấy tờ của chúng không có điều gì nghi ngờ, nhân viên Bộ Nội vụ đã quyết định kiểm tra thông tin. Sau một thời gian, những kẻ phá hoại đã thừa nhận tung tích và tiết lộ về vụ ám sát sắp thực hiện. Trong mấy tháng, các điệp viên bị giam giữ đã đánh lừa bộ chỉ huy Đức của chúng, báo cáo rằng nhiệm vụ sẽ sớm được hoàn thành. Vì điều này, lãnh đạo Liên Xô đã cứu mạng họ. Chiến dịch mang mật danh "Sương mù" kết thúc và chỉ đến đầu năm 1945, Đức quốc xã mới vỡ nhẽ kế hoạch cuối cùng ám sát Stalin đã thất bại.
Ngày 1/3/1953, Stalin bị bất tỉnh tại ngôi nhà được bảo vệ của ông. Trước sự kiện này, tất cả các trợ lý và nhân viên đáng tin cậy của ông vì một số lý do, đã chuyển sang công việc khác, không có ai giúp ông. Các bác sĩ được mời đến vào ngày hôm sau đã chẩn đoán ông bị chứng đột quỵ. Cho đến thời điểm đó, Stalin không có vấn đề gì về sức khỏe. Ngày 5/3/1953, Stalin qua đời, nhiều nhà sử học tin rằng ông đã bị ám hại./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/stalin-tung-bi-muu-sat-bao-nhieu-lan-984887.vov