Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 6%
Standard Chartered dự báo lãi suất sẽ được giữ ở mức 4,5% cho đến cuối quý 3 và có thể tăng 50 điểm cơ bản trong quý 4 trước khả năng lạm phát do thúc đẩy tăng trưởng.
Ngày 24/4, Ngân hàng Standard Chartered đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô về Việt Nam đã hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống mức 6% năm 2024, so với dự báo 6,7% trước đó do tăng trưởng quý 1 thấp hơn dự kiến và những thách thức đến từ thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, dự báo này vẫn được xem là cải thiện hơn so với mức 5,0% của năm 2023.
Tăng trưởng GDP quý 1/2024 giảm xuống mức 5,7% (từ 6,7% trong quý 4/2023). Ngân hàng hạ dự báo tăng trưởng quý 2 xuống 5,3% (từ 6,3%) và quý 3 xuống 6,0% (từ 7,2%). Nhưng tăng trưởng quý 4 được kỳ vọng sẽ phục hồi lên mức 6,7%.
Theo chuyên gia kinh tế từ ngân hàng Standard Chartered, thương mại, nguồn tăng trưởng và đầu tư quan trọng của Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức trong ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phục hồi bất chấp rủi ro. Doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1.
Standard Chartered cũng hạ dự báo lạm phát năm 2024 từ 5,5% xuống 4,3% do lạm phát quý 1 thấp hơn dự kiến. Ngân hàng dự báo lãi suất sẽ được giữ ở mức 4,5% cho đến cuối quý 3 và có thể tăng 50 điểm cơ bản trong quý 4 trước khả năng lạm phát do thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Việt Nam đang nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư thuận lợi và khả năng ảnh hưởng của quan hệ thương mại từ Mỹ-Trung. Với kinh tế đang trên đà phục hồi, chúng tôi cho rằng chính sách tiền tệ sẽ ít cần hỗ trợ hơn.”
Theo ông Tim, chính sách tiền tệ Việt Nam Đồng sẽ được cân bằng dựa trên những cải thiện từ yếu tố bên ngoài và dự trữ ngoại hối gia tăng. Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ sẽ hỗ trợ cho tiền tệ trong khi nhập khẩu cũng được cải thiện. Ngân hàng dự báo thặng dư tài khoản vãng lai sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2024./.