Start up của bác Dũng thợ điện
Ai cũng có thể khởi nghiệp, ở bất cứ độ tuổi nào. Bác Dũng thợ điện 'khởi nghiệp' ở tuổi U70, và có sự trợ giúp truyền thông marketing từ con gái của bác.
Start up "Alo bác Dũng thợ điện xin nghe" - quảng cáo bởi con gái bác Dũng
Đây là những dòng bạn Linh Nguyễn đã viết trên trang Facebook của mình, những dòng quảng cáo cho dịch vụ của bố Linh - Bác Dũng thợ điện, khi bố của Linh quyết định "start up", quyết định "khởi nghiệp" ở tuổi U70. Linh chia sẻ thực ra không hẳn là "khởi nghiệp", mà bố của bạn quyết định tiếp tục phát huy chuyên môn của mình để làm thêm.
"Mỗi người đều toát ra một vẻ đẹp căng đầy sức sống khi họ hăng say lao động.
Chẳng còn quan trọng nữa khi nghề nghiệp của bạn kiếm ra nhiều hay ít những tờ giấy bạc! Hãy cứ đặt hoàn toàn tâm trí của mình vào công việc và biến nó thành tâm điểm của vũ trụ. Rồi bạn sẽ thấy thành quả của mình không chỉ là KPI đạt được, món hàng được giao, đồ ăn được bán. Khi đó, bạn đã trao gửi cả những cảm xúc thăng hoa mà lao động mang tới để thổi hồn cho những vật tưởng chừng vô tri vô giác.
Một tuần mới sắp tới, hăng say lao động các bạn nhé.
A LÔ! BÁC DŨNG THỢ ĐIỆN XIN NGHE!
036.272.0606"
"Hiểu tấm lòng người thợ
Chả là hôm rồi, chỉ có đi thay bóng đèn và vệ sinh chiếc quạt bám bụi lâu ngày mà bố em lòng vui khấp khởi. Rằng thì là bố em được trò chuyện, được giao lưu với vị khách trẻ và cả mẹ vị khách trẻ ấy. Bố em có dịp tâm sự về nghề của bố, những vất vả trong nghề, lại thêm sự hào hứng đón nhận của 2 vị “khán giả” nên bố em đúng kiểu niềm vui nhân đôi.
Vị khách yêu dấu có gửi feedback khen ngợi (nhưng em ém hàng chưa đăng). Mà em thấy mình cũng phải feedback về vị khách ấy.
Gặp được những khách hàng đáng yêu thế này, bố em cảm thấy cuộc đời càng đáng yêu hơn bao giờ hết. Tuổi như càng trẻ ra và nụ cười như giữ lâu hơn trên gương mặt bố.
Em biết là những vị khách đáng yêu khác tuy ko phản hồi gì (vì công việc bận rộn quá) nhưng luôn dành tình cảm cho bố con em theo cách khác.
Có thể ban đầu, bố em muốn tận dụng sức khỏe còn dẻo dai của mình để kiếm thêm thu nhập. Cơ mà chính vì những vị khách vô cùng dễ thương là động lực để bố em ko ngại tuổi tác mà leo thang treo đèn, lau quạt, ko ngại xa xôi mà đi tìm thạch cao vá tường (dù ko phải chuyên môn) và không ngại đứa con gái khó tính mà chiều cả khách cả con.
Tóm lại thì cả hai bố con em đều vui quá xá!- - - - - - A LÔ! BÁC DŨNG THỢ ĐIỆN XIN NGHE! 036.272.0606 (Con gái bác Dũng).
Chia sẻ của cô con gái về start up của bố
Con viết chia sẻ này để thuật lại những mảnh ký ức về bố con mình, dành tặng bố.
Bố trong suốt ký ức của con tồn tại ở hai khía cạnh là điều con thích và điều con không thích.
Bố của con chăm chỉ lao động từ nhỏ, là anh cả trong một gia đình đông con, chẳng dư dật tiền bạc nên bố luôn gánh trên mình trách nhiệm chăm sóc các em, giúp đỡ các bà trong mọi việc mà bố có thể làm. Qua những lời kể và tia sáng lấp lánh trong mắt bố, con hiểu ước mơ của bố là được bước chân vào cánh cổng của trường Đại học một lần trong đời.
Trong những tháng ngày thơ ấu, tuy bố không đồng hành nhiều trong ký ức của con (con biết vì bố còn bận đi làm hai ba nơi để bọn con có bữa ăn hôm nay ngon hơn ngày hôm qua), chỉ có hình ảnh duy nhất in sâu trong tâm trí con bé 4 5 tuổi là buổi tối hôm ấy, con và chị thấy dáng bố trên chiếc xe đạp bé ton hon màu xanh đậm. Chiếc xe cũ ấy được một người ở chỗ làm cho bố để bố có phương tiện đi làm. À, con cũng không hề quên giọng kể trầm ấm, nhẹ nhàng của bố mỗi tối khi bố kể câu chuyện con chó Milu già cho hai chị em trước khi đi ngủ.
Tính cách di truyền từ bố sang con có lẽ là tính tỉ mẩn, chăm chỉ, và không ngại khó khăn, và còn tiêu xài hoang phí chẳng lo ngày mai nữa chứ. “Bóc thì ngắn, cắn thì dài” là câu mà mẹ đặc biệt nhắc đi nhắc lại để phê phán hai bố con mình. Dù là vẽ thiết kế đường điện hay lau chùi bộ bàn ghế trong nhà, bố đều tỉ mẩn chú ý từng chi tiết. Qua cách làm việc của bố, hai chị em dần trở thành những đứa kỹ tính đặc biệt đối với những thứ liên quan đến điện. Nếu đi hàng quán nào thấy đường dây điện loằng ngoằng khắp nơi hay ổ điện không bố trí đúng vị trí để thân thiện cho người sử dụng là hai đứa chau mày khó chịu, trộm nghĩ “Vào tay bố mình thì đã khác!!”.
Trên đây là những điều con yêu thích ở bố, còn không thích thì sao ạ?
Vì lập gia đình muộn nên thế hệ của bố và con cách biệt hẳn 40 năm có lẻ. Thế nên mới xảy ra rất nhiều màn “khẩu chiến” giữa bố và hai đứa con gái, một đứa thì đã nổi loạn và đi lấy chồng, một đứa thì giờ mới loạn nổi. Đối với tất cả đứa bạn của con và chị, nếu không may mang giới tính nam thì bố sẽ dùng cặp mắt với bức sóng cao nhất của máy dò kim loại ở sân bay để quét chân dung “kẻ thù” từ đỉnh đầu đến gan bàn chân. Bố cũng có rất nhiều phen giám sát bọn con vô cùng “kín đáo” và không kể vài lần đi đi lại lại đến mòn cả dép ở đầu ngõ nếu con hoặc chị có lỡ đi chơi về muộn. Thêm nữa, vì là người của thế hệ cũ nên bố cũng một mực bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, đôi khi ngang bướng một cách không thể chịu nổi.
Dù đã kể lể những điểm không thích hay thích, thì có một sự thật hiển nhiên rằng con vẫn luôn là con gái “rượu” của bố, hình dáng, cử chỉ của bố luôn là một phần không thể tách rời trong con. Nhờ có tinh thần “khởi nghiệp” của bố và ý tưởng đăng đàn đi sửa điện của bọn con mà đứa con gái cứng đầu, bận rộn là con “phải” dành ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày để trò chuyện cùng bố, hỏi han những công việc bố đã làm, trao đổi các công việc sắp tới và đôi khi tiếp tục tranh luận “gay gắt” về đủ vấn đề.
Con không biết rằng liệu “sự nghiệp” này của bố con mình sẽ đi đến đâu, nhưng tính cho đến nay, bố và con đã và đang là những đồng nghiệp làm việc hết sức ăn ý và đùm bọc lẫn nhau. Bố không chỉ là người bố tuyệt vời mà còn là người đồng đội hoàn hảo của bọn con, bố ạ!
Con Yêu Bố!
Phỏng vấn nhanh bác Dũng - người khởi nghiệp ở tuổi U70
Tôi làm công việc này từ năm 23 tuổi, đây là chuyên môn của tôi. Tôi là bộ đội, sau khi xuất ngũ thì làm công việc liên quan đến điện, rồi tôi về hưu cũng lâu rồi. Giờ tôi nhận sửa chữa điện, khi đã ở tuổi U70, thì trước hết là công việc là chuyên môn của mình, mình tiếp tục được làm việc, từ đó giúp được nhiều người, mình có thêm thu nhập, và cũng có niềm vui.
Thực ra cũng có nhiều khó khăn, bởi trong sửa chữa, lắp đặt thiết bị điện, đôi khi có những việc khó, mình phải tìm cách để giải quyết. Rồi các thiết bị điện cũng luôn biến đổi, hiện đại hơn, nên từ trước tới nay, trong công việc, tôi luôn phải tìm tòi, phải học hỏi, cập nhật những cái mới.
Tôi nghĩ mỗi người mỗi nghề, dù làm gì, mình cũng hãy yêu nghề, luôn cố gắng hoàn thành thật tốt công việc. Năm 2020 đã qua, năm mới 2021 tới, và tôi thấy quan trọng nhất là chúng ta cứ đủ sức khỏe, để tiếp tục lao động, tìm niềm vui trong công việc và cuộc sống, chăm sóc và mang lại niềm vui cho những người thân yêu.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/start-up-cua-bac-dung-26181.html