Start-up đình đám Việt Nam phá sản, bị tố nợ tiền hàng trăm đối tác

Ứng dụng Uber của giới Fitness, WeFit đã thông báo phá sản sau khi sau được đổi tên thành WeWow.

Onaclover, chủ sở hữu của ứng dụng này đã gửi email thông báo cho khách hàng và đối tác các phòng tập về việc này. Trong thư xin lỗi gửi đối tác phòng tập, Onaclover nêu rõ: “Chúng tôi rất tiếc khi phải thông báo rằng sau những khủng hoảng từ đầu năm 2020 mặc dù đã rất nỗ lực để cải tổ, chúng tôi lại gặp phải những khó khăn về tình hình kinh doanh và tài chính không lường trước được do tình hình dịch bệnh Covid-19, vốn hoạt động của chúng tôi đã cạn kiệt hoàn toàn”.

Onaclover xác nhận không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, đã chính thức nộp Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần công nghệ Onaclover tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội theo các quy định của pháp luật.

WeFit cùng với Founder Khôi Nguyễn nổi lên như một hiện tượng. WeFit xuất hiện chính là giải pháp để xử lý nhu cầu trên của khách hàng, mang mô hình kinh tế chia sẻ của Uber đang khá phát triển ở Việt Nam. Tới năm 2019, WeFit đổi tên thành WeWow.

Tham vọng triệu đô, WeFit tuyên bố phá sản

Tham vọng triệu đô, WeFit tuyên bố phá sản

WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng. WeFit đã kết nối với hơn 600 phòng tập và cung cấp hơn 5.000 lịch tập luyện mỗi ngày.

Người dùng có thể đi tập tại bất cứ phòng tập nào trong hệ thống với hơn 20 bộ môn như: Gym, Yoga, Boxing, Zumba... và chỉ thanh toán một lần duy nhất cho tất cả các phòng tập trong hệ thống WeFit.

WeFit từng nhận được khoản đầu tư 155.000 USD trong vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm ESP Capital. Đầu năm 2019, WeFit công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ CyberAgent Capital. Tháng 7/2019, vốn đăng ký của Onaclover tăng từ 1,66 tỷ đồng tăng lên 27,7 tỷ đồng. Trong đó, hơn 26 tỷ đồng là vốn đầu tư nước ngoài từ WeLife Holding PTE.LTD của Singapore, chiếm 94% cổ phần.

Nợ tiền hàng trăm đối tác

Trao đổi với Vietnamnet, anh Nguyễn Đức Duy, chủ phòng Gym Linh Đàm cho hay, công nợ giữa Onaclover và phòng tập này tới ngày 10/5 là hơn 16 triệu đồng. Anh đang lo lắng làm thế nào để lấy lại khoản tiền này.

Trong khi đó, thông báo qua email tới đối tác, Onaclover nêu rõ: “Kể từ 8h00 ngày 11/05/2020, WeWow chính thức dừng hoạt động, các đối tác liên hệ trực tiếp với Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội để được giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình”.

Startup về Fitness và Beauty này vướng các scandal nợ tiền đối tác phòng tập, spa và hàng loạt khách hàng tố lừa đảo, đòi hoàn tiền từ cuối tháng 12/2019. Đầu tháng 2/2020, Khôi Nguyễn rút khỏi ghế CEO, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hải Đăng lên thay.

WeFit nổi lên từ năm 2016 với định vị "Uber của giới Fitness".

WeFit nổi lên từ năm 2016 với định vị "Uber của giới Fitness".

WeFit từng gửi tới khách hàng về việc này. “Trong năm 2019, WeWow đã không đủ cố gắng để đảm bảo đem lại dịch vụ tốt nhất cho toàn thể Khách hàng và Đối tác. Chúng tôi thừa nhận đã mắc nhiều sai sót trong việc cấu trúc gói sản phẩm và giám sát vận hành, khiến những khó khăn về dòng tiền gây ra nhiều bất tiện cho Khách hàng và Đối tác. Chúng tôi còn rất nhiều thứ cần phải hoàn thiện, và sẽ bắt đầu từ việc sửa chữa những sai sót này", trích thư của WeFit gửi tới khách hàng.

Theo đó, thay vì được đặt lịch tập luyện thỏa thích trong thời hạn gói sản phẩm đã mua, không giới hạn tổng số lượt tập (trừ một số địa điểm nhất định), nay khách hàng được đặt lịch tập luyện trong hạn mức số điểm của gói sản phẩm đã mua.

Duy Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/tham-vong-trieu-do-wefit-tuyen-bo-pha-san-640190.html