Start-up Mexico chế tạo thành công cây nhân tạo có thể lọc không khí
Ô nhiễm không khí hiện đang là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến các thành phố trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ô nhiễm không khí gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm. Cây nhân tạo đang là giải pháp có tiềm năng đối phó với vấn nạn ô nhiễm không khí này.
Một công ty khởi nghiệp ở Mexico có tên BiomiTech đã phát triển thành công một cây nhân tạo có thể làm sạch không khí ô nhiễm với công suất tương đương với 368 cây sống. Dự án này gồm một nhóm các kỹ sư, nhà nghiên cứu và nhà sinh học hợp tác để tạo ra một cây nhân tạo với thiết kế đặc biệt để cải thiện chất lượng không khí. Phát minh này đã giúp BiomiTech giành được giải thưởng sáng tạo tại Triển lãm về Ô nhiễm năm 2018 ở Birmingham, trở thành một giải pháp tiềm năng giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí.
Ảnh: BrightSide
Cây nhân tạo có dạng robot, với chức năng làm sạch không khí có tên BioUrban. “Cây” sử dụng hệ thống lọc vi tảo để hấp thụ không khí ô nhiễm và lọc không khí trong lành, sạch sẽ. Lấy cảm hứng từ chính bản chất của tự nhiên, BioUrban dựa trên nguyên lý quang hợp, hấp thụ các hợp chất ô nhiễm như carbon monoxit và nitơ oxit, sinh ra oxy tinh khiết.
Ảnh: BrightSide
Cây robot BioUrban có thể đạt công suất tới 13.140.000 mét khối không khí/năm. Thiết bị lọc ô nhiễm với hiệu suất 99,7%. Theo nghiên cứu một cây nhân tạo cso khả năng giải phóng lượng oxy tinh khiết tương đương với 368 cây thật, tương đương với lượng oxy sạch cho 2.850 người mỗi ngày.
Ảnh: BrightSide
Trước thực trạng cây xanh tại các thành phố lớn mất rất nhiều thời gian để phát triển, giải pháp này có tiềm năng rất lớn trong việc chống ô nhiễm không khí nhanh chóng và hiệu quả. Thêm vào đó, cây nhân tạo BioUrban không tạo ra chất thải có hại cho môi trường nhờ sử dụng tảo tồn tại trong tự nhiên.
Ảnh: BrightSide
Theo BiomiTech, mục tiêu của BioUrban không phải là thay thế hoàn toàn cây xanh mà chỉ bổ sung cho chúng và hỗ trợ lọc không khí ô nhiễm. Các cây kim loại cao 4 mét này hiện đã được lắp đặt ở Mexico, Columbia và Panama, đồng thời cũng có rất nhiều thành phố khác quan tâm đến việc triển khai BioUrban.