Startup Đài Loan tìm tương lai phát triển ở Đông Nam Á

Tháng 8 vừa rồi, 14 startup cùng nhiều doanh nghiệp và quỹ mạo hiểm Đài Loan đã đến TPHCM tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Ba tháng sau, một đoàn tương tự gồm 30 startup đã đến Singapore.

Khách tham quan xem các màn hình LED mỏng như giấy tại triển lãm Touch Taiwan 2023 hồi tháng 4 vừa rồi tại Đài Bắc. Các startup Đài Loan, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, đang được khuyến khích tìm các thị trường bên ngoài Trung Quốc đại lục. Ảnh: EPA-EFE

Khách tham quan xem các màn hình LED mỏng như giấy tại triển lãm Touch Taiwan 2023 hồi tháng 4 vừa rồi tại Đài Bắc. Các startup Đài Loan, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ, đang được khuyến khích tìm các thị trường bên ngoài Trung Quốc đại lục. Ảnh: EPA-EFE

Đài Loan đang thúc đẩy các công ty khởi nghiệp tìm kiếm các cơ hội mới bên ngoài Trung Quốc đại lục. Mối quan hệ văn hóa và kinh tế chặt chẽ của Đài Loan với Đông Nam Á cùng với vị thế của một trung tâm công nghệ của châu Á trong năm thập niên qua khiến ASEAN là sự lựa chọn đương nhiên của hòn đảo này. Mỹ cũng chiếm một vị thế quan trọng tương tự.

Đông Nam Á là điểm đầu tư hàng đầu

Huang Jen-yu, người đồng sáng lập và CEO 30 tuổi của Lypid, hy vọng rằng sản phẩm của công ty sẽ thu hút người dùng khắp thế giới. Lypid dùng công nghệ động lực học chất lỏng để bảo đảm vị mặn, ngọt và béo như thật cho sản phẩm thịt thay thế chế biến từ đậu nành và cây cải dầu. Khách hàng lớn nhất của Lypid là một chuỗi cà phê gồm 500 tiệm khắp Đài Loan, nhưng hòn đảo này vẫn là một thị trường nhỏ.

Lypid được hình thành từ công trình nghiên cứu tiến sĩ của Huang Jen-yu (phải) tại Đại học Cornell, Mỹ. Ảnh: Lypid

Lypid được hình thành từ công trình nghiên cứu tiến sĩ của Huang Jen-yu (phải) tại Đại học Cornell, Mỹ. Ảnh: Lypid

Thị trường tiếp theo mà Lypid nhắm tới là Thái Lan, với một tập đoàn địa phương dự định phân phối các sản phẩm của Lypid. Tiếp đến là Việt Nam, theo Huang, bởi người Việt có khuynh hướng ăn chay nhiều hơn và thường xuyên hơn. Có thể tiếp theo nữa là Malaysia, bởi phần lớn dân số nước này theo đạo Hồi, tránh ăn thịt heo. Công ty này cũng nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan hỗ trợ startup của chính quyền hòn đảo để tham gia các cuộc triển lãm thương mại ở nước ngoài nhằm khám phá các thị trường mới.

Huang Jen-yu – nhà đồng sáng lập startup Lypid chuyên sản xuất thịt thực vật – mong muốn đẩy mạnh kinh doanh tại Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Ảnh: Commonwealth Magazine

Huang Jen-yu – nhà đồng sáng lập startup Lypid chuyên sản xuất thịt thực vật – mong muốn đẩy mạnh kinh doanh tại Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Ảnh: Commonwealth Magazine

Ra đời từ công trình nghiên cứu của Huang tại trường đại học, Lypid là một trong số 7.400 công ty khởi nghiệp của Đài Loan đi theo con đường mà chính quyền hòn đảo đã vạch sẵn. Sau hai năm mở rộng ở Nhật Bản, các startup non trẻ của Đài Loan đang chuyển hướng sang Đông Nam Á và Mỹ với sự hỗ trợ của chính quyền hòn đảo nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường đại lục.

Ông Wang Mei-hua, người đứng đầu Bộ Kinh tế Đài Loan nói rằng các công ty Đài Loan đã đầu tư vào Đông Nam Á và Nam Á nhiều hơn vào Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2022. Đầu tư của Đài Loan vào các khu vực đó, bao gồm cả Ấn Độ, đạt 5,2 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái, vượt con số 5 tỉ đô la đầu tư vào Trung Quốc.

Hiện một số công ty khởi nghiệp Đài Loan đang nhanh chóng chuyển từ Trung Quốc sang ASEAN như một động lực cho sự phát triển của họ.

Tại sao lại là ASEAN?

Ku Ya-wei thuộc Viện Tư vấn và Dự báo thị trường nói rằng: “Nhật Bản, ASEAN và Silicon Valley là những thị trường được chính quyền quảng bá cùng một lúc. Đông Nam Á và Nhật Bản ở gần nhau. Còn Mỹ ở xa, nhưng hệ sinh thái công ty khởi nghiệp đã bén rễ sâu ở đó”.

Giáo sư Zha Daojiong của trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Bắc Kinh, cho biết Đài Loan không chính thức ưu tiên bất kỳ thị trường nước ngoài nào làm nơi mở rộng cho các công ty nhỏ, nhưng “sự ủng hộ chính trị đối với đầu tư vào Nhật Bản và Mỹ từ Đài Loan là không đổi”.

Riêng Chong Ja Ian, Phó giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết các công ty khởi nghiệp Đài Loan bỏ qua Trung Quốc đại lục để chọn nơi khác sẽ “bỏ lỡ một số lợi ích ngắn hạn từ thị trường Trung Quốc”. Nhưng không tập trung vào thị trường đại lục cũng có nghĩa là sẽ có thêm cơ hội ở những thị trường tiềm năng khác.

Ku Ya-wei giải thích rằng Đông Nam Á là “một lựa chọn hợp lý” vì có nhiều sinh viên theo học các trường đại học Đài Loan và ở lại làm việc cho nhiều startup Đài Loan với tư cách đồng sáng lập. Mỹ cũng là mảnh đất màu mỡ vì có nhiều sinh viên theo học đại học và có những kết nối kinh doanh hữu ích.

Ở những nơi tiếng Hoa được sử dụng rộng rãi như Singapore và Malaysia, sức hấp dẫn với startup Đài Loan càng lớn hơn nữa. “Chúng tôi có một số mối liên hệ ở những thị trường ở đó. Và ngay từ ngày đầu tiên, các startup Đài Loan đã có ý định dùng ASEAN làm bàn đạp để tiến ra toàn cầu”.

Tháng 8-2023, Startup Island Taiwan – cơ quan hỗ trợ công ty khởi nghiệp của chính quyền hòn đảo – đã đưa 14 startup cùng nhiều công ty và quỹ mạo hiểm khác của Đài Loan đến TPHCM tìm kiếm đối tác. Các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ tiếp thị, điện toán đám mây, công nghệ tài chính (fintech), chăm sóc sức khỏe, trí tuệ nhân tạo vạn vật (AIoT), nhà máy thông minh, nền tảng quản lý quan hệ khách hàng, công nghệ 5G…

Tháng 11 vừa rồi, một cơ quan khác là Hội đồng Phát triển Đài Loan (TNDC) cũng đưa đoàn gần 30 startup Đài Loan đến Singapore để gặp các đối tác khu vực như các gã khổng lồ về công nghệ đóng trụ sở ở Singapore, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các startup khác tại Singapore.

Thành lập năm 2012, hãng cung cấp phần mềm hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) Gogolook đã gia nhập thị trường tiềm năng Đông Nam Á từ sớm. Gogolook đã thành lập công ty con đầu tiên tại Thái Lan, chuyên cung cấp các giải pháp chống gian lận mà các hãng viễn thông, các tổ chức tài chính có thể gặp phải. “Đông Nam Á đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Tệ nạn lừa đảo vì thế cũng gia tăng, nhưng khu vực này lại thiếu các giải pháp và công nghệ chống lừa đảo. Với dân số đông, Đông Nam Á là thị trường tiềm năng to lớn”, CEO Manwoo Joo nói với Nikkei Asia.

Gogolook tham gia chuyến công du Singapore do TNDC tổ chức nhằm tìm kiếm thêm cơ hội tăng trưởng ở ASEAN. Theo hãng tư vấn Bain & Co. của Mỹ, lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ở ASEAN sẽ từ 370 triệu trong năm 2022 tăng lên 402 trong năm 2027.

FunNow Group cũng vậy. Đây là nền tảng do AI hỗ trợ, chuyên cung cấp dịch vụ đặt chỗ ở các trung tâm giải trí và cung cấp các giải pháp chuyển đổi kỹ thuật số cho các doanh nhân. CEO Ting-Kuan Chen nói rằng startup hiện có mặt tại Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan với hơn 5.000 khách hàng doanh nhân. Hiện thị trường hai nước ASEAN chiếm 40% doanh thu của Gogolook.

Bệ phóng từ chính sách hỗ trợ

Hòn đảo có nhiều chương trình hỗ trợ và gói hỗ trợ tài chính khác nhau.

Quỹ Phát triển của Đài Loan có nguồn vốn hơn 1.000 tỉ Tân Đài tệ (30,95 tỉ đô la) cung cấp vốn đầu tư mạo hiểm cho các ngành ưu tiên như ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn, công nghệ sinh học, thiết bị kết nối thông minh…

Hay chương trình Taiwan Tech Arena của Hội đồng Khoa học và công nghệ Đài Loan đã giúp đưa 1.000 startup nội địa đến châu Âu và Mỹ trong năm năm qua – theo Andrea Hsu, Tổng giám đốc Hội đồng.

Năm 2015, một viện nghiên cứu do chính quyền hòn đảo điều hành đã thành lập Trung tâm Doanh nhân đổi mới sáng tạo Đài Loan (TIEC) tại Silicon Valley, Mỹ. Đây được xem là “lò gia tốc khởi nghiệp” với các startup Đài Loan tại thị trường Mỹ.

CancerFree Biotech là công ty từ Đài Loan đã mở một phòng thí nghiệm ở New York và đăng ký hoạt động là một công ty tại Mỹ. Startup này nhân bản các mẫu máu ung thư để xác định phương pháp điều trị nào có khả năng hiệu quả nhất, giúp bệnh nhân tránh được nhiều tuần lãng phí thời gian.

Nhà đồng sáng lập 45 tuổi Chen Po-han nói với South China Morning Post: “Tiền ở đó và hầu hết vốn đầu tư mạo hiểm đều ở đó. Chiến lược của chúng tôi đối với thị trường Mỹ trong hai năm tới là tập trung vào nghiên cứu, tạo ra sức hấp dẫn khiến các hãng dược quốc tế đổ tài trợ vốn cho chúng tôi”.

Tìm tài trợ vốn ở Mỹ tương đối dễ dàng. Nhưng Jamie Lin, người sáng lập chương trình tăng tốc AppWorks có trụ sở tại Đài Bắc, nói rằng các công ty khởi nghiệp non trẻ Đài Loan sẽ gặp phải những rào cản “văn hóa” ở Mỹ và một vài nước ở ASEAN. Tìm kiếm nhân tài là một trong những thách thức như vậy.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/startup-dai-loan-tim-tuong-lai-phat-trien-o-dong-nam-a/