Startup Hàn Quốc và làn sóng phản đối nạn phân cấp nơi làm việc 'gapjil'
Trước việc nạn gapjil (hành vi bắt nạt của những người có chức vụ với nhân viên cấp thấp) đã thấm sâu vào văn hóa Hàn Quốc. Các startup tại xứ sở Kim chi đang vùng vẫy tiên phong lối di riêng để giải phóng người lao động.
Năm 2014, Cho Hyun-ah - con gái của cựu chủ tịch Korean Air Cho Yang-ho, buộc một máy bay phản lực chở khách đang đi vào đường băng tại sân bay quốc tế Kennedy ở New York phải quay lại cổng vì cô không thích cách hạt mắc ca được phục vụ cho mình trong khoang hạng nhất.
Park Chang-jin, cựu tiếp viên hàng không của hãng và một đồng nghiệp khác đã phải quỳ gối trước bà Cho - người chỉ cho phép máy bay khởi hành sau khi đã đuổi ông Park khỏi máy bay.
Vài năm sau, khi scandal lắng xuống, người thừa kế của hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc vẫn tiếp tục công việc bình thường của mình. Trong khi đó, nạn nhân là ông Park tiếp tục khổ sở với cuộc sống tại hãng. Từng là tiếp viên trưởng trên khoang VIP của chuyến bay định mệnh đó, ông bị giáng xuống làm tiếp viên ở khoang phổ thông và phải làm những công việc nhỏ nhặt nhất như lau chùi nhà vệ sinh.
Chưa kể, sau đó ông còn phải vật lộn với căn bệnh trầm cảm do môi trường làm việc thù địch, phải xin nghỉ 18 tháng và đến khi trở lại thì liên tục thi trượt các kỳ kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ.
Nhưng trường hợp của Park không phải là cá biệt ở Hàn Quốc, cũng chẳng phải là "độc quyền" ở các công ty lâu đời được vận hành bởi chaebol.
Tháng 10/2018, một video được tiết lộ làm cả dư luận Hàn Quốc dậy sóng. Trong đó, một cựu nhân viên của trang web chia sẻ file tại Hàn Quốc - WeDisk đã theo chân Yang Jin-ho - giám đốc và cổ đông lớn nhất của công ty, vào một văn phòng đầy những nhân viên cổ cồn trắng.
Lúc đầu, cảnh tượng diễn ra hết sức bình thường, với không gian văn phòng điển hình ở Hàn Quốc - đèn huỳnh quang sáng trắng, máy tính và 3 người đàn ông trong bộ đồ công sở.
Nhưng rồi, không khí đột nhiên bị phá vỡ bởi một tiếng tát chói tai từ phía người được cho là ông Yang Jin-ho với nhân viên của mình.
Nạn nhân không hề có động thái trả đũa, mà chỉ im lặng cúi đầu với dáng vẻ vừa sợ hãi, vừa ăn năn. Tuy nhiên, loạt hành động của vị CEO không dừng ở đó khi ông ta tiếp tục lăng mạ và tát nhân viên này.
Ông ta kết tội người đó đó trước toàn thể nhân viên vì để lại một bình luận chỉ trích trên bảng tin công ty. Sau 2 cú tát, vị giám đốc yêu cầu nhân viên "xin lỗi chân thành". Khi anh này quỳ xuống và xin lỗi, Yang tiếp tục đánh vào gáy và yêu cầu "chân thành hơn nữa".
Yang lúc đó là chủ tịch và cổ đông lớn nhất của một vài công ty công nghệ, không chấp nhận lời xin lỗi. Với hàng loạt hành động trên, không nhân viên nào có phản ứng can thiệp mà chỉ chăm chú nhìn vào màn hình máy tính.
Vào năm 2020, Yang bị kết án 7 năm vì bê bối trên và một loạt vi phạm khác liên quan đến nội dung internet.
Điều đáng nói là, tất cả những câu chuyện trên không phải họa hoằn ở Hàn Quốc. Cứ nhìn vào phản ứng của các nhân viên trong trường hợp của Yang Jin-ho, người ta cũng dễ nhận ra một "văn hóa" độc hại đã ăn sâu vào môi trường làm việc tại xứ sở kimchi - gapjil.
Gapjil (tiếng Hàn: 갑질) là một từ ám chỉ thái độ hoặc hành động kiêu căng, độc đoán của những người có địa vị quyền lực hơn người khác ở Hàn Quốc. Gapjil là từ ghép tạo ra bằng cách kết hợp từ Gap (갑) - dùng để nhắc đến bên đầu tiên trong hợp đồng (ám chỉ người chủ lao động), hoặc đề cập đến người có địa vị cao hơn, và jil (질), một hậu tố tiêu cực khi nhắc đến một số hành động cụ thể.
Trong một xã hội trọng thứ bậc như Hàn Quốc, nơi địa vị của một người được xác định bởi nghề nghiệp, chức danh công việc và sự giàu có, hiếm ai có thể thoát khỏi móng vuốt của gapjil.
Gần 30% nhân viên văn phòng Hàn Quốc đã trải qua một số hình thức quấy rối tại nơi làm việc trong năm qua, theo một cuộc khảo sát trực tuyến vào tháng 6 vừa rồi với 1.000 người được hỏi trên toàn quốc - tăng từ 23,5% trong một cuộc khảo sát tương tự vào tháng 3.
Cuộc khảo sát mới nhất, được công bố hồi đầu tháng 7, được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Embrain Public và được ủy quyền bởi Workplace Gapjil 119, một tổ chức hỗ trợ các nạn nhân của lạm dụng văn phòng. Những người được hỏi đã báo cáo các vấn đề bao gồm quấy rối tình dục từ cấp trên và lạm dụng bằng lời nói hay thể chất.
Theo trang CNA, mặc dù trường hợp tấn công như của Yang phía trên là một hiện tượng cực đoan và hiếm gặp hơn, các dạng bắt nạt ở các mức độ thấp hơn cũng diễn ra với tần suất thường xuyên hơn.
Đôi khi, biểu hiện của nó chỉ là một người quản lý dự án lười biếng đổ công việc của mình cho một nhân viên, sau đó nhận vơ công lao khi nó đã hoàn thành. Hoặc một ông chủ yêu cầu nhân viên cấp dưới giúp làm bài tập hộ con cái họ. Hoặc, một nhân viên cấp cao buộc "ma mới" phải cúi đầu tỏ vẻ tôn trọng mỗi khi anh ta hoặc cô ta đi ngang qua hành lang.
Là bộ mặt của nền công nghệ số Hàn Quốc, Naver hay Kakao lại là những nơi áp dụng máy móc các nguyên tắc làm việc bào mòn sức khỏe nhân viên. Hậu quả là vào năm ngoái, một lập trình viên Naver đã tự sát do áp lực công việc và bị lạm dụng.
Một nhân viên được khảo sát cho Embrain Public biết họ cảm thấy bị đe dọa khi bị cấp trên giận dữ mắng mỏ. Một người khác mô tả việc nhận được tin nhắn vào đêm khuya từ sếp cô, chứa ngôn ngữ quấy rối tình dục, sau khi anh ta đi uống rượu.
Những người khác đã phải đối mặt với việc bị cô lập sau khi bị cấp trên xúc phạm trước mặt đồng nghiệp.
Một số người cho biết họ đã bị trừng phạt khi báo cáo hành vi quấy rối, bằng cách bị điều đến một địa điểm làm việc mới hoặc bị buộc rời khỏi công ty - nhưng hầu hết khi được hỏi, họ đã chọn không hành động, thay vào đó phớt lờ vấn đề. Nhiều người cũng quyết định nghỉ việc trong im lặng vì sợ việc báo cáo lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nghề nghiệp trong tương lai của họ.
Báo cáo cho biết phụ nữ và những người làm việc bán thời gian hoặc thời vụ có nhiều khả năng là nạn nhân hơn, trong khi những người giám sát và quản lý là thủ phạm phổ biến nhất.
Nhiều người trả lời khảo sát cho biết sức khỏe tâm thần của họ đã xấu đi do bị lạm dụng, mặc dù chỉ một số ít tìm cách điều trị hoặc tư vấn sau khi phát triển chứng trầm cảm, mất ngủ, thiếu động lực và các vấn đề khác.
Cuộc phản kháng từ các startup
Có thể nói gapjil đã phần nào đó ăn sâu vào xã hội Hàn Quốc vì thái độ cam chịu của các nạn nhân.
Park Jum-kyu, một nhân viên tại Gabjil 119, cho biết đã có lúc người Hàn Quốc dễ dung thứ cho những hành vi như vậy, đặc biệt là khi nó liên quan đến những gia đình siêu giàu - những người nắm giữ các tập đoàn kinh doanh hàng đầu của đất nước, được gọi là chaebol.
Ngoài nguyên nhân văn hóa phân cấp bậc và tư duy tập thể nặng nề, có một khía cạnh quan trọng mà nhiều người không đề cập đến, cũng là động lực mạnh mẽ khiến lao động phải lặng lẽ chấp nhận sự ngược đãi.
Hiện tại, sự cạnh tranh về việc làm ở Hàn Quốc rất gay gắt, với vô số ứng viên đủ tiêu chuẩn cho một số lượng nhỏ công việc được trả lương cao tại các công ty lớn.
Hầu hết những người đã chiến thắng trong trận chiến khó nhằn này và tìm được công việc ngon ăn sẽ có xu hướng giữ im lặng.
Mặc dù Park Chang-jin không bị sa thải, nhưng việc tiết lộ các chi tiết về Korean Air với báo chí sau này khiến anh bị cô lập tại nơi làm việc và chịu cái mà anh cho là "sự trả thù" của công ty. Bản thân Park cũng bị nhiều đồng nghiệp từ chối tiếp chuyện.
Trường hợp của anh cho thấy rằng việc nói ra có thể khiến một người bị coi là kẻ phản bội hoặc gây rối. Danh tiếng như vậy có thể khiến quá trình tìm việc trong một thị trường vốn đã khó khăn trở nên cực nhọc hơn rất nhiều.
Cả cuộc đời mình, Park Sung-june nói, anh đã là một "cậu bé ngoan". Anh vượt qua áp lực của trường phổ thông và kỳ thi đại học như nhiều thanh niên Hàn Quốc khác, có được một công việc "trong mơ" đối với phần đa xã hội tại một trong những tập đoàn lớn nhất.
Nhưng đây là gáo nước lạnh tạt vào Park: Anh sẽ tiếp tục chạy trong cái "vòng quay chuột" đó trong 30 năm nữa, chịu đựng những vị sếp trịch thượng, giờ làm việc lê thê và cuối cùng bị sắp xếp cho thải loại sớm ở tuổi 50 - một tương lai chẳng lấy gì làm tươi sáng.
"Tôi chỉ làm chính xác những gì được yêu cầu. Không có chỗ cho sáng kiến hay sự bày tỏ cá nhân" - Park chia sẻ với trang Rest Of World.
Vì vậy, Park bỏ việc, và cuối cùng được một người bạn thời thơ ấu mời anh ta tham gia vào công ty khởi nghiệp phần mềm dạng dịch vụ (SaaS) Business Canvas. Tại đây, họ tập trung vào văn hóa làm việc phân cấp theo chiều ngang, với không gian văn phòng thư giãn - Park nói, ở tuổi 32, anh là người già nhất tại đó.
Cấu trúc hàng ngang là một kiểu tổ chức doanh nghiệp mà tại đó có ít sự phân cấp giữa nhân viên cũng như cấp quản lý, tin vào lựa chọn của nhân viên trong quá trình quyết định các công việc của công ty; cũng như thúc đẩy sự độc lập mỗi cá nhân.
"Cùng với tất cả các loại thất vọng (vì nạn phân biệt đối xử) đã tồn tại trong xã hội Hàn Quốc, không ai thích văn hóa phân biệt thứ bậc gapjil; không ai muốn trở thành một phần của nó" - Gloria Lee, thành viên hội đồng quản trị của tổ chức phi lợi nhuận Girls in Tech Korea và là người đứng đầu quan hệ đối tác tại nền tảng tuyển dụng trực tuyến Wanted Lab, nói với Rest of World. "Chỉ là nó vẫn cứ mãi tồn tại mà thôi".
Một khảo sát năm 2021 cho thấy ý kiến của Gloria là đúng. 80% người được hỏi cho rằng gapjil là một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Một cuộc bầu chọn khác cho thấy 95% cảm thấy nhẹ cả người khi không phải tham gia những bữa nhậu trên tinh thần bắt buộc nhờ lệnh giãn cách trong đại dịch.
Tất nhiên, khi nỗ lực thay đổi từ phía người lao động là rất khó khăn vì nhiều nguyên nhân kể trên, thì một động lực mới cần được tạo ra cho làn sóng phản kháng gapjil - lần này là từ phía các doanh nghiệp startup.
Khác với các ví dụ về Naver hay Kakao như đã đề cập, nhiều startup đang nỗ lực có những hướng đi lành mạnh hơn để thúc đẩy chất lượng môi trường nơi làm việc. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều thanh niên Hàn Quốc đi theo con đường lập nghiệp, khởi nghiệp - hướng đi này đang dần được nhận nhiều cảm tình hơn, chứ không còn "lẽo đẽo" thua kém lựa chọn số 1 trước kia là công việc ổn định trong các tập đoàn lớn.
Mũi nhọn của phong trào phản kháng gapjil, nhờ đó, là những startup công nghệ non trẻ như Business Canvas - được dẫn dắt bởi các nhà sáng lập trẻ có thời gian học tập, tiếp xúc với môi trường quốc tế và khao khát thách thức chuẩn mực cũ.
Một ví dụ khác là Woowa Brothers, công ty đứng sau ứng dụng giao hàng nổi tiếng Baedal Minjok (Baemin). Nhà sáng lập Kim Bong-jin cảm thấy thất vọng với cách đối xử anh nhận được tại các tập đoàn lớn, và quyết định rằng Woowa sẽ có cấu trúc "thực thi theo chiều dọc, văn hóa theo chiều ngang" để thách thức cấu trúc cao-thấp thuần túy của gapjil.
Park Ji-young, nhà sáng lập 48 tuổi của Murepa, một công ty khởi nghiệp R&D về thiết bị phát thanh truyền hình, đã lấy cảm hứng từ văn hóa kinh doanh của Mỹ sau 20 năm sống ở xứ sở cờ hoa. Murepa có một tuần làm việc 4 ngày, nó khuyến khích ý tưởng của nhân viên trẻ và có niềm tin vào nền văn hóa cấu trúc hàng ngang để thúc đẩy sáng tạo.
Park, vốn có nền tảng từ giới học thuật, lần đầu tiên được truyền cảm hứng bởi mối quan hệ đồng nghiệp giữa sinh viên và giảng viên khi còn là đang theo học tại Đại học Nam California - một sự tương phản hoàn toàn với văn hóa gapjil của giảng viên Hàn Quốc. Ông nói rằng việc áp dụng văn hóa công sở bình đẳng và khoan dung không chỉ là quan tâm về phúc lợi của nhân viên mà còn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
"Các công ty không nhận thức được về thái độ toàn cầu, chẳng hạn như cách thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc các vấn đề ESG (môi trường, xã hội và quản trị)" - Park nói. "Họ chỉ làm theo cách quản lý kinh doanh truyền thống, nhưng cuối cùng họ sẽ thất bại nếu không chấp nhận cách làm theo chiều ngang và những ý tưởng mới".
Tại Business Canvas, các nhà quản lý thuê những nhân viên mới tham gia vào lực lượng lao động và thường được đào tạo bên ngoài Hàn Quốc. Lãnh đạo công ty cho biết, việc thiếu hành lý của họ là rất quan trọng trong việc giúp phát triển văn hóa công sở thực sự cởi mở, trái ngược với việc nhập khẩu các sáng kiến tại nơi làm việc được đưa ra ở Mỹ.
Những thay đổi dần thành hình
Tất nhiên, việc đi một con đường mới là không thiếu những khó khăn và các nhà sáng lập startup phải học hỏi từ đâu đó - như trong trường hợp của Business Canvas là Google hay Netflix. Tuy nhiên, mỉa mai thay là chính các "phiên bản gốc" ở thung lũng Sillicon này cũng đang đối mặt với vấn đề văn hóa doanh nghiệp của riêng họ.
Trước tình hình này, các nhà sáng lập vẫn sẽ thấy lựa chọn của họ dễ chịu hơn nhiều văn hóa thứ bậc gapjil. Một số nhà quan sát lâu năm cho rằng việc loại bỏ văn hóa gapjil không thể chỉ đến từ hành động thành lập các startup, mà còn phải nhận thức được những thay đổi từ "phía trên".
Giáo sư Yu Gyu-chang, người đã nghiên cứu thay đổi trong văn hóa kinh doanh Hàn Quốc tại Trường Kinh doanh của Đại học Hanyang trong hơn một thập kỷ, lập luận rằng các tập đoàn lớn phải đi đầu làm gương và sự thay đổi đó phải thấm nhuần văn hóa Hàn Quốc sâu rộng hơn. Ông nói, các công ty khởi nghiệp có thể sống trong "lớp bong bóng cấp tiến", nhưng rốt cục, khi bước ra khỏi cái kén của chính mình, họ vẫn đối mặt với một nền văn hóa bảo thủ dai dẳng của Hàn Quốc.
"Người Hàn Quốc tôn trọng các công ty trong danh sách Fortune 500. Họ nghĩ nếu họ noi theo chúng, thì đó phải là một điều đúng đắn. Nếu một công ty khởi nghiệp dẫn đầu, mọi người sẽ kiểu, 'Chà, các anh là ai chứ? Chỉ là một công ty startup" - Jonathan Moore, một doanh nhân và cố vấn cho chính phủ cũng như các startup, giải thích.
May mắn là người ta đang chứng kiến những thay đổi tích cực. Nhiều công ty lớn tại Hàn gần đây đã cố gắng loại bỏ phân cấp chức vụ giữa các nhân viên. Theo truyền thống, các nhân viên cấp thấp phải gọi cấp cao hơn là "CEO" hay "quản lý" thay cho tên riêng. Nhưng giờ, kể cả các tập đoàn lớn như Samsung và SK đamg dần tiếp nhận những kính ngữ trung lập không dựa trên phân cấp, hoặc dùng luôn tên tiếng Anh để gọi cấp trên.
Gloria Lee cho biết: "Mọi người đang bắt đầu nghĩ về những thứ như giới tính, thứ bậc, kkondaejil (hành vi trịch thượng của một người lớn tuổi). Tất cả những từ ngữ này trước đây thậm chí không thực sự tồn tại, bởi vì mọi người không nghĩ rằng có điều gì sai trái về chúng cả".
Theo báo cáo của trang tin Yonhap, khi các hạn chế trong đại dịch của Hàn Quốc giảm bớt và người lao động quay trở lại cuộc sống văn phòng của họ, quấy rối tại nơi làm việc đã gia tăng. Dạo quanh Seoul, người ta có thể thấy các biểu ngữ và hình dán nâng cao nhận thức về gapjil, kêu gọi sinh viên và người lao động giữ vững lập trường khi đối mặt với sự lạm dụng từ những người nắm quyền. "Chấm dứt lạm quyền và bảo vệ quyền lợi của sinh viên!" - một biểu ngữ ghi.
Tuy nhiên, Yoo, đồng sáng lập Business Canvas, tin rằng công ty là một phần của một xu hướng thời đại mới. "Tôi không nghĩ chúng tôi là duy nhất. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều tổ chức khác ở Hàn Quốc, bạn biết đấy, đang thích nghi với những phong cách làm việc mới này", ông nói. "Và tôi có thể nói rằng thế hệ hiện tại là những người có thể chịu trách nhiệm cho việc khiến sự thay đổi đó trở nên lâu dài".
Nguồn: Tổng hợp