'Stylist không phải kẻ đi mượn đồ cho ngôi sao'
Nhiều người vẫn luôn cho rằng nhiệm vụ của stylist là phải mượn được bộ trang phục theo đúng ý khách hàng.
Nhắc về stylist, công chúng sẽ nghĩ đến sự hào nhoáng, những bộ cánh hàng hiệu, mối quan hệ với ngôi sao nổi tiếng. Tuy nhiên, để đạt được thành công, nhiều người phải trải qua áp lực, khó khăn từ khách hàng hay các rắc rối xung quanh vấn đề trang phục.
Đặc biệt, không ít người vẫn luôn mặc định stylist chỉ là kẻ mượn đồ thuê để giúp khách hàng tỏa sáng trên sân khấu hay thảm đỏ. Họ vô tình quên mất định nghĩa đúng khi nói về công việc này.
Nghề stylist là gì?
Stylist là người định hình phong cách cho các ngôi sao hay tìm kiếm trang phục trong buổi chụp ảnh thời trang. Nhiệm vụ chính của họ là sáng tạo hình ảnh phù hợp với thị hiếu hiện đại, tính cách của khách hàng. Hơn nữa, họ phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí đặt ra từ các giám đốc sáng tạo, biên tập viên khó tính của tạp chí thời trang.
Để đáp ứng yêu cầu công việc, ngoài khả năng sáng tạo kịch bản, stylist còn phải am hiểu những lĩnh vực khác như kiến thức nhiếp ảnh, trang điểm, tạo mẫu thời trang... Tầm quan trọng của stylist thể hiện ở mức thù lao họ được hưởng. Nhiều stylist quốc tế được trả 10.000 USD/ ngày hay xuất hiện trên hàng ghế đầu của show diễn đình đám.
Vai trò của stylist ngày càng quan trọng. Sự có mặt của họ khiến các bức hình hay buổi biểu diễn được đảm bảo hơn. Năng động, nhiều ý tưởng trong công việc sáng tạo chính là chân dung của stylist hiện nay.
Stylist dần thiếu sự độc bản
Vì sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin, thời trang dần tiếp cận gần hơn với mọi người, đặc biệt là các ngôi sao. Họ luôn muốn được công chúng yêu mến với gu ăn mặc khác biệt. Do đó, việc hợp tác với stylist là điều rất quan trọng trong công cuộc trở thành người dẫn đầu hay tạo ra xu hướng ở cộng đồng yêu thời trang.
Thậm chí, nhờ vào tầm ảnh hưởng của bản thân và phong cách sành điệu, ngôi sao có thể nhận được hợp đồng đại diện thương hiệu hay khoác trên người những món đồ đắt tiền.
Để làm được điều này, họ cần nhờ đến sự trợ giúp của người đồng hành giúp vạch ra sẵn chiến lược nhằm thay đổi hình ảnh cá nhân. Về phần nghệ sĩ, họ phải tôn trọng gu thẩm mỹ của stylist. Tuy nhiên, đa số câu chuyện chỉ dừng lại ở mức hợp tác và hiếm ai có đủ tin tưởng giao phó hình ảnh bản thân cho người khác.
Từ đó, họ hình thành suy nghĩ stylist khi được thuê phải đáp ứng đúng yêu cầu, sở thích của người chi tiền. Họ thích một bộ đồ của nhà mốt nổi tiếng có nghĩa là stylist phải mượn được và có nhiệm vụ tìm kiếm trang sức hay kiểu tóc phù hợp. Thậm chí, họ không cần lắng nghe ý kiến đóng góp từ người có sự am hiểu về thời trang.
Nhiều stylist thường không có quyền quyết định khi hợp tác cùng khách hàng - thực trạng chung trong ngành thời trang.
Chia sẻ với Zing, stylist đồng hành cùng Hoa hậu H'Hen Niê - Trần Đạt - cho biết: "Thời điểm tôi bắt đầu công việc, stylist vẫn còn rất ít nên đa phần đều được rèn luyện từ thực tế và kiến thức học ở các anh chị đi trước. Hiện tại, thị trường phát triển hơn, stylist cũng đa dạng và các bạn trẻ bắt đầu làm nghề theo hướng tự phát hoặc chưa tiếp xúc nhiều với môi trường chuyên nghiệp. Do đó, đối tượng khách hàng cũng trở nên dễ dãi hơn".
Nhiều bạn trẻ mới bắt đầu tìm kiếm cho mình chỗ đứng trong ngành thời trang nên sẽ phục vụ hết mức theo yêu cầu khách hàng. Hệ quả của việc này chính là khiến ngành stylist trở nên thiếu sự độc bản hay tính cá nhân. Lâu dần, khách hàng xem stylist là người lấy đồ theo ý mình.
Theo Trần Đạt, cái đẹp dễ bị định hình bởi chính khách hàng thay vì stylist. Anh cho biết khái niệm này về sau sẽ bị thay đổi trong suy nghĩ của nhiều người. Nam stylist cũng cảm thấy buồn cho chính công việc mình đang làm khi nghĩ đến điều này.
Stylist Mạch Huy cũng có những quan điểm riêng. Anh trải lòng: "Stylist không chỉ dừng lại ở việc chọn mẫu và trang phục. Ngành nghề này ngày càng đòi hỏi cao hơn nên người có tài còn phải biết cách định hướng cho khách hàng và nghệ sĩ. Ngoài ra, trong mọi buổi chụp hình hoặc sự kiện, stylist phải biết điều phối ê-kíp để tìm ra hướng đi rõ ràng nhằm mang đến câu chuyện có thông điệp".
Anh cho rằng stylist phải là người hiểu rõ về công việc để tạo nên tiếng nói cho bản thân. Bên cạnh đó, các bạn mới bắt đầu cũng cần trau dồi thêm kiến thức, tư duy nhằm tạo được vị thế trong ngành.
"Đối với khách hàng và nghệ sĩ, họp với ê-kíp đưa ra định hướng rõ ràng về sự thay đổi hình ảnh là việc làm cần thiết. Đó là việc quan trọng để bắt đầu hành trình định hình phong cách thời trang cho khách hàng", Mạch Huy nhấn mạnh.
"Đừng để khách hàng trở thành stylist"
Nhận thức sai về nghề không chỉ nằm ở phía khách hàng, nó còn xuất phát từ một bộ phận giới trẻ ngày nay nhìn nhận và theo đuổi công việc stylist. Nhiều người không biết hành động của bản thân đang làm như việc bất chấp chiều theo ý khách hàng sẽ ảnh hưởng đến những người trong nghề. Đối phương có thể dễ dàng đánh giá người có niềm đam mê thật sự với công việc này.
Trần Đạt bày tỏ: "Đôi lúc, tôi gặp những khách hàng có chính kiến riêng. Tuy nhiên, tôi vẫn tư vấn để họ nhìn nhận cái đẹp và xấu, điều gì phù hợp với bản thân. Việc đó khiến họ không còn xem stylist là người đi mượn hay thuê đồ giùm. Với ai không tôn trọng ý kiến, tôi sẽ từ chối làm việc. Khi không có tiếng nói chung, sản phẩm làm ra cũng chẳng đạt chất lượng".
Nói về cách thay đổi tư duy khách hàng, anh cho biết chúng ta cần lên tiếng từ bây giờ với thế hệ stylist trẻ. Họ phải trau dồi kiến thức chuyên môn, tìm điểm mạnh của bản thân, đừng để khách hàng trở thành stylist còn mình chỉ giống người đi thuê đồ.
"Các đồng nghiệp cùng ngành cần nhìn thẳng vào vấn đề để nâng tầm giá trị nghề stylist đúng với tên gọi người định hình phong cách", anh nói.
Mạch Huy cũng từng từ chối hợp tác với người hiểu sai về nghề stylist.
Anh chia sẻ: "Tôi từng gặp nhiều khách hàng đòi hỏi vô lý. Những tên tuổi mới hoặc khách hàng lạ mặt đưa ra yêu cầu phải là đồ hiệu của nhãn hàng lớn. Tôi luôn từ chối thẳng trong việc hợp tác. Bạn không thể yêu cầu quá cao khi chưa tạo được hiệu ứng số đông hay chẳng phải người có tầm ảnh hưởng trong giới thời trang và showbiz".
Việc học cách từ chối là một trong những điều kiện cần khi trở thành stylist bên cạnh tư chất nghệ thuật, vốn kinh nghiệm làm việc hay tư duy sáng tạo mang tính cá nhân. Một người chuyên nghiệp không chỉ có nền tảng kiến thức cơ bản của các ngành liên quan đến nghệ thuật hay xu hướng thời trang, họ còn phải có chính kiến riêng khi làm việc với khách hàng.
Bạn không nhất thiết phải làm theo tất cả yêu cầu của khách hàng. Thay vào đó, hãy cho họ biết được tiếng nói của mình để tìm ra mục tiêu chung mới đúng chất stylist. Điều này giống câu kết trong đoạn chia sẻ của Trần Đạt: "Stylist có suy nghĩ và gu thẩm mỹ. Bởi vậy khi hợp tác, hãy tin tưởng chúng tôi".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/stylist-khong-phai-ke-di-muon-do-cho-ngoi-sao-post1119333.html