Sự bao dung của mẹ
Ngày bé, mẹ đã rất cố gắng dạy mình những kỹ năng để trở thành một cô gái đồng bào dịu dàng, đảm đang theo mong muốn của mẹ. Nhưng mình toàn khiến mẹ thất vọng. Lớn rồi già, giờ nghĩ lại, mình - cô con gái chưa mấy khi làm được điều khiến mẹ vui.
Mẹ bày mình gói bánh chưng cho biết. Mình cũng cố làm nhưng là làm để... cho biết, gói được đúng một cái, hỏi mẹ thế đẹp chưa, chỉ cần mẹ bảo được rồi là mình biến ngay đi đọc sách. Lên rẫy, mẹ bảo mình sau giờ làm phải tranh thủ kiếm củi, phải biết cách bó một bó củi sao cho đẹp, phải biết chọn cây củi to hơn để phía dưới cùng, lúc vác sẽ đỡ bị đau vai. Phải xếp những cây củi làm sao để sau khi buộc bó củi nó dẹp và chặt, để khi mỏi vai sẽ dễ xoay chuyển từ vai nọ sang vai kia. Mình cũng kiếm củi, những bó củi to hơn người mình và mình cứ phải xoay đổi trên hai vai vì đau, vì mỏi suốt chặng đường đi bộ hơn một giờ đồng hồ, tối mịt mới về đến nhà. Lúc đi ngang qua ngã ba đã thấy trai gái trong làng tụm năm, tụm ba ngồi trò chuyện với nhau rồi. Mình cứ cố bước thật nhanh để đi qua bọn họ. Vài đứa bạn gọi với theo, về nhanh, ăn cơm rồi ra đây chơi nhé, bọn tao chờ. Mình, nhiều khi trả lời vội, nhiều khi cũng giả vờ điếc. Những khoảnh khắc như thế, tự nhiên mình thấy thương mình gì đâu, rồi nghĩ: có cách nào để sau này mình thoát khỏi kiếp vác củi không?
Mẹ bắt mình học sảy gạo, sàng gạo. Mình đã ngây ngô hỏi: Mẹ ơi, sao người Kinh không dạy con họ những điều mẹ dạy con? Con gái người Kinh không phải lên rừng kiếm củi và vác về đường xa như con. Cũng không phải sàng sảy nhiều như này mẹ ạ. Thế họ dạy cái gì? Mẹ bạn con dạy bạn con đi chợ mua bán, dạy học bài và dạy làm sao để khỏi bị người ta lừa. Đó là chuyện người ta, mình là dân tộc, con phải biết hái củi, biết sàng sảy nếu không người ta sẽ chê con gái đoảng và lười, không ai thèm rước về làm dâu. Con cứ phải làm giỏi những thứ đó đã, sau đó hãy nói chuyện học. Mình không cãi nữa, cắm đầu sảy nhưng trấu không bay ra khỏi cái nong mà là gạo bay ra nhiều hơn. Mình cũng sàng nhưng hạt thóc chẳng thể chụm lại ở giữa sàng như mẹ làm và gạo còn thi nhau bay ra khỏi sàng. Thật là mình chúa ghét mấy chuyện như này. Nó không hề thú vị như thế giới của sách. Mình cắm đầu làm cho xong nhiệm vụ với tất cả sự hậm hực, bất bình. Mẹ dịu dàng: Việc học khó hơn mà con học được sao mấy việc này lại không. Cố gắng con sẽ làm được. Thôi ạ, con chọn việc khó hơn. Học - cái việc mà xung quanh ai nhìn vào cũng lắc đầu: Mơ hão! Kệ! Mình lại cắm đầu vào sách. Được làm điều mình thích vẫn là điều tuyệt vời nhất và dù có khốn khổ vì điều mình thích cũng vẫn là xứng đáng nhất. Mình nghĩ thế và đã luôn sống như thế.
Mẹ thích nghe những bài ca của đồng bào được thu băng đem từ Bắc vào cho đỡ nhớ quê. Khi nào mẹ lơ xíu là mình tráo ngay vào cái băng có nhạc giao hưởng. Mẹ bảo mẹ chả hiểu gì, mình cũng cự nự kiểu của mẹ con nghe cũng chẳng hiểu gì. Mẹ thích cái con không hiểu, con thích cái mẹ không ưa. Nhưng phe của mẹ là cả nhà, còn phe mình chỉ có mỗi một mình mình thôi. Mình thích cái cả nhà không thích.
Mẹ là người phụ nữ dịu dàng, mẹ dạy mình cần khéo léo, nhỏ nhẹ, thục nữ. Mẹ tí là nước mắt rưng rưng, mình cứ gan lì ra, cóc thèm khóc, nếu khóc thì trốn vào đâu đó khóc xong tự lau nước mắt cho mình. Mẹ không mấy khi lên gác nhưng mình có thể lên mái nhà lợp ngói cùng ba. Mẹ giỏi may vá, thêu thùa, đan giỏ mây, giỏ tre mình có thể cùng ba đốn cây, xẻ gỗ, bổ củi...
Bây giờ, nhiều lúc vẫn như thói quen, mình vẫn hay tranh luận, vẫn cự cãi với mẹ những điều mình không ưng ý nhưng với mẹ mình vẫn là bé con, vẫn cứ dịu dàng và bao dung như thuở nào.
Già đầu rồi mới hiểu, bao dung với tất cả sự ngỗ ngược, vụng về của mình chỉ có thể là mẹ thôi!
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/235251/su-bao-dung-cua-me.html