Sự biến tướng của những 'món quà cảm ơn'
Quà biếu với mục đích trong sáng là phong tục, truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta nhưng khi những món quà với giá trị vật chất lớn vượt trên mức tình cảm nhằm mục đích vụ lợi thì cần phải gọi đúng tên là 'hành vi nhận hối lộ' và cần phải được loại bỏ.
Trong những ngày qua, theo dõi phiên tòa xét xử vụ đại án Việt Á, dư luận không khỏi bất bình khi nhiều quan chức đã từng nhận những khoản tiền biếu rất lớn từ vài trăm nghìn cho đến cả triệu đô la của doanh nghiệp nhưng khi đứng trước tòa thì họ đều nói rằng do “nhận thức chưa đầy đủ” và không cho việc nhận tiền này là hành vi nhận hối lộ mà chỉ là nhận "quà cảm ơn" của Việt Á khi công việc kinh doanh có hiệu quả.
Để Công ty Việt Á tham gia đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về test xét nghiệm, sau đó “biến thành của riêng” để cấp phép lưu hành và đưa vào sản xuất thương mại phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trái quy định của pháp luật, một số cựu quan chức ở một số bộ ngành đã nhận từ Việt Á những khoản “quà cảm ơn” đặc biệt lớn, trong đó cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận tới 2,25 triệu USD, cựu Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh nhận 300.000 USD.
Còn nhớ cách đây không lâu, khi vụ “chuyến bay giải cứu” được đưa ra xét xử, dư luận cũng “dậy sóng” trước những khoản tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng mà những người có “quyền sinh quyền sát” đã nhận của các doanh nghiệp khi tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước giữa đại dịch COVID-19 nhưng khi ra tòa nhiều người vẫn cho rằng đó chỉ là những “món quà cảm ơn đơn thuần”.
Quả thật khó có thể chấp nhận những lời giải thích của các cựu quan chức khi mà hầu hết trong số họ từng là những cán bộ ưu tú, chủ chốt, được đào tạo một cách bài bản và chắc chắn họ cũng phải nắm rõ những nguyên tắc, nghị quyết của Đảng. Quy định số 37-QĐ/TW về Những điều đảng viên không được làm, trong đó Điều 15 yêu cầu đảng viên không được “tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp”.
Tương tự như vậy, một trong những nội dung đáng chú ý tại khoản 2 Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 là cán bộ, công chức không được nhận quà dưới bất kỳ hình thức nào. Cụ thể, quy định này nghiêm cấm cán bộ, công chức nhận quà của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc công tác thuộc phạm vi quản lý của mình dù là trực tiếp hay gián tiếp dưới mọi hình thức. Thậm chí, theo khoản 2 Điều 26 Nghị định 59/2019/NĐ-CP, khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối. Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh tỉnh: “...Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng ‘đạn bọc đường’ vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy”.
Trên thực tế, “món quà cảm ơn” như những viên “đạn bọc đường” đã hạ gục rất nhiều những cán bộ có chức có quyền trong những năm qua. Không ít người trong số cán bộ đã tha hóa quyền lực không phải vì non kém trình độ, họ đều đã từng trải về chính trị, giàu kinh nghiệm thực tiễn nhưng chỉ vì những lợi ích cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà không thể đứng vững trước những cám dỗ của vật chất và chỉ đến khi bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự mới nhận ra sai lầm không thể cứu vãn, để lại nỗi đau cho bản thân, gia đình, bè bạn, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức.
Rõ ràng, sự biến tướng của những “món quà cảm ơn” làm tha hóa một bộ phận không nhỏ quan chức vẫn tiếp tục là một vấn đề nhức nhối cho dù Đảng và Nhà nước đã rất mạnh tay trong việc xử lý nạn tham nhũng với phương châm “không có vùng cấm”. Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với sự vào cuộc của tất cả các cấp các ngành, đặc biệt là sự quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực và chắc chắn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để làm trong sạch hơn nữa đội ngũ cán bộ, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Mặc dù vậy, để loại trừ tận gốc vấn nạn tham nhũng là một việc không hề đơn giản và cần sự chung tay của toàn xã hội. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để làm gương, cũng như tìm ra được giải pháp khả thi để từng bước đẩy lùi, tiến tới chấm dứt cơ chế “xin-cho”, một trong những căn nguyên dẫn tới tình trạng suy thoái của một bộ phận quan chức. Cùng với đó, cần phải phát huy tinh thần tự giác của mỗi cán bộ, bản lĩnh của mỗi đảng viên, đặc biệt là tinh thần nêu gương của người đứng đầu cơ quan đơn vị, bộ, ngành, địa phương, ngăn mình trước cám dỗ vật chất, không để đồng tiên lung lạc và “mua” được các quyết định. Và chỉ có như vậy thì những món quà biếu, vốn là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử, mới không bị “biến dạng” trong sự phức tạp của đời sống.