Sự bùng nổ của các chương trình thực tế hẹn hò: Mong muốn tìm nửa kia thì ít mà thực tế là ấp ủ cơ hội nổi tiếng mong đổi đời
Tham gia show hẹn hò, điều mà các chàng trai cô gái này mong chờ lại chưa chắc là tình yêu.
Thời gian qua, những chương trình thực tế đề tài hẹn hò như Địa Ngục Độc Thân của Hàn Quốc đã trở thành show ăn khách với khán giả. Các nhân vật tham gia chương trình vốn không phải là người nổi tiếng nhưng sau khi chiếu show, họ đều nổi tiếng. Không ít người đã thành danh như Song Ji-a với tên tuổi phủ sóng toàn châu Á chỉ sau 1 tháng. Cô được quan tâm, hâm mộ chẳng kém gì ca sĩ, diễn viên nào.
Ở Anh, một chương trình tương tự như vậy là Love Island (Đảo tình yêu) đã nổi tiếng và hút khách từ lâu. Đến nay dù đã ra đến mùa thứ 9, Love Island vẫn sở hữu rating khủng và có một “suất” được lên đảo hoang là ước mơ của không ít người.
Love Island luôn tuyển chọn những nam nữ thanh niên có ngoại hình ưa nhìn trở lên. Nhiệm vụ của họ là cùng nhau sinh sống trong một tòa biệt thự biệt lập trên đảo và cố gắng ghép đôi. Người xem sẽ bình chọn cho cặp đôi yêu thích của họ. Những người chiến thắng sẽ được chia nhau số tiền thưởng 50.000 bảng Anh (khoảng 1,4 tỷ đồng). Nhưng hầu hết mọi người không đăng ký tham gia vì 1,4 tỷ này.
Cách “đổi đời” trong xã hội quá cạnh tranh
Một chương trình ăn khách như Love Island chính là một phương tiện hợp lý để những người trẻ tuổi thăng tiến trong xã hội, để đổi đời. Ở một quốc gia mà các con đường khác để đi lên tầng lớp trên ngày càng bị chặn và khó khăn, làm nhân vật show truyền hình thực tế nổi tiếng là “đường tắt” nhanh hơn.
John Golthorpe, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Nuffield trực thuộc Oxford cho biết: “Một tình huống đang nổi lên khá mới trong lịch sử nước Anh hiện đại, một tình huống có thể gây ra những hậu quả chính trị xã hội sâu rộng là các thế hệ trẻ hiện nay phải đối mặt với triển vọng thành đạt ít thuận lợi hơn so với cha mẹ hoặc ông bà của họ. Nghĩa là, người trẻ ít có khả năng nâng cao “tầng lớp” xã hội của mình về mọi mặt, thậm chí có nhiều khả năng bị đi xuống”.
Vì vậy, nếu không thể gom góp học phí học đại học, không đủ học lực để có tấm bằng trường top đầu hoặc không có hậu thuẫn từ cha mẹ giàu có, người trẻ Anh đành cố gắng hết sức để kiếm cho nó một chỗ trên Love Island. Sau khi xuất hiện trên show rồi, họ có cơ hội nổi tiếng, trở thành người mẫu, diễn viên, tham gia giới showbiz hoặc đơn giản là kiếm tiền nhờ đăng bài quảng cáo trên mạng xã hội. Dù là thế nào, một cuộc sống tốt hơn với thu nhập tốt hơn đang đợi họ sau khi rời đảo khi giờ họ đã có thêm rất nhiều cơ hội kinh doanh sinh lợi, quan hệ đối tác với các thương hiệu nổi tiếng và hàng trăm nghìn người theo dõi mới trên mạng xã hội. Còn việc liệu họ có gặp gỡ được tình yêu của đời mình không thì là thứ yếu.
Đối với một số ít may mắn, xuất hiện trong chương trình có thể dẫn đến thành công chỉ sau một đêm. Người chiến thắng lẫn người không chiến thắng trong “cuộc chiến tình yêu” đã tiếp tục biến sự nổi tiếng của họ thành sự nghiệp với tư cách là người nổi tiếng và người có ảnh hưởng. Ekin-Su Culculoglu, người đã thắng năm ngoái hiện có thể được nhìn thấy trên chương trình truyền hình khác hot không kém là Dancing on Ice vào giờ vàng. Kem Cetinay và Amber Davies, đôi uyên ương của năm 2017 hiện lần lượt là người dẫn chương trình truyền hình và nghệ sĩ biểu diễn nhạc kịch.
Vì sao show hẹn hò thực tế hấp dẫn đến vậy?
Phần cuối của mùa trước Love Island đã thu hút 3,4 triệu người xem và toàn bộ loạt phim được phát trực tuyến 250 triệu lần, khiến nó trở thành show “át chủ bài” của kênh truyèn hình ITV2.
Love Island thu hút khán giả vì nhiều lý do. Ngay từ đầu, nó đã “đánh trúng” vào đề tài hấp dẫn muôn thuở: tình yêu. Với những người tham gia thuộc Gen Z, ăn mặc sành điệu và xinh đẹp, điển trai, không khó giải thích vì sao chương trình như vậy lại được ưa chuộng. Bằng cách này hay cách khác, hầu hết các bình luận về Love Island đều liên quan đến ngoại hình của các thí sinh, tiếp theo đó là các tranh cãi liên quan tới mâu thuẫn giữa các nhân vật trên đảo. Để làm show thực tế hấp dẫn, kịch tính như một bộ phim, các nhà sản xuất luôn có cách để các mâu thuẫn, bất đồng và vấn đề rắc rối xảy ra.
Love Island (và thực tế là tất cả các chương trình truyền hình thực tế) là một trường hợp nghiên cứu thú vị về tâm lý học, từ thí nghiệm xã hội về việc cô lập mọi người trong một ngôi nhà trong một khoảng thời gian, đến mối quan hệ giữa khán giả và thí sinh.
Ranh giới mờ nhạt giữa thực tế và hư cấu tạo ra sự gắn bó mạnh mẽ của người hâm mộ với chương trình, nhưng cũng góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần cho chính các thí sinh. Đã có 2 người từng tham gia chương trình này tự vẫn, đó là nếu chưa kể người dẫn chương trình cũ Caroline Flack. Alex George, một người từng sống ở đảo, đã trở thành đại sứ sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên đầu tiên của chính phủ Anh.
Ở châu Á, phiên bản làm lại thành công nhất của Love Island là Địa Ngục Độc Thân của Netflix cũng có công thức thành công tương tự: trai xinh gái đẹp + nội dung đầy tính drama + truyền thông hiệu quả. Sau khi mùa 1 kết thúc với hiệu ứng ngoài mong đợi, 2 trong số 4 cặp đôi ra về cùng nhau đã tuyên bố chia tay. Dẫu vậy, tất cả đều là người “chiến thắng” khi có sự nghiệp phát triển rực rỡ hơn rõ rệt.
Nguồn: Bloomberg, The Conversation