Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không thể cản chiến dịch Idlib
Động thái mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể làm chậm lại chiến dịch của chính quyền Syria được Nga hậu thuẫn nhằm kiểm soát hoàn toàn tỉnh Idlib.
Một lần nữa, cộng đồng quốc tế lại phải lo ngại khi chứng kiến xung đột ở Syria leo thang. Hàng trăm nghìn người tị nạn chạy về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, toàn bộ các thị trấn trống không khi các cuộc không kích liên tiếp diễn ra ở quê nhà của họ ở tỉnh Idlib. Xung đột trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể kéo theo cả Nga – đồng minh hàng đầu của chính quyền Syria – vào vòng xoáy căng thẳng hiện nay.
Ngày 3/2, lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Assad đã nã pháo vào một vị trí quan sát do lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng ở Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả mạnh mẽ bằng cách không kích nhằm vào các mục tiêu của chính quyền Syria khiến nhiều binh sỹ thiệt mạng.
Đạn pháo mà Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ cho các vị trí phòng vệ của phiến quân ở thị trấn Saraqeb (tỉnh Idlib) đã tạm thời ngăn chặn chính quyền Syria kiểm soát khu vực. Tuy nhiên, cuộc tiến quân của lực lượng chính quyền Syria về vùng lãnh thổ chiến lược nằm ở nơi giao cắt của các tuyến đường trọng yếu kết nối miền Tây Syria với phần còn lại của đất nước cuối cùng vẫn xảy ra và giành được thị trấn này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng cho chiến dịch ở Idlib?
Thổ Nhĩ Kỳ không muốn xung đột trực tiếp với Nga – nước hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad - ở Syria, bởi hai bên có quá nhiều lợi ích chung, trong đó có các đường ống dẫn nhiên liệu, một lò phản ứng hạt nhân đang được Nga xây dựng và sự “vắng bóng” của các đồng minh phương Tây sau nhiều tháng căng thẳng với NATO liên quan tới việc triển khai hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có lý do để can thiệp vào Syria, đó là nhằm trì hoãn một thảm họa nhân đạo ở Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã tiếp nhận gần 4 triệu người Syria tị nạn, một thực tế đã khiến Tổng thống Erdogan phải trả cái giá chính trị trong các cuộc bầu cử nghị viện và thị trưởng, và Ankara không muốn tiếp nhận thêm người tị nạn Syria.
Tổng thống Erdogan cũng đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động nếu Nga không thể đảm bảo sự rút quân của lực lượng Syria khỏi các vị trí xung quanh các điểm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ iwr Idlib trong tháng 2.
Thậm chí, Thổ Nhĩ kỳ còn tiếp tục đưa hàng trăm xe quân sự tới Syria trong lúc các đại diện của Nga có mặt ở Ankara để đàm phán hôm 8/2.
Trong khi đó, một nguồn tin tiết lộ với Reuters, trong một cuộc họp ở quận Reyhanli, tỉnh Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), giới tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo với thủ lĩnh các nhóm ủy nhiệm ở Syria rằng, Idlib đang ở ranh giới đỏ, để họ chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống.
Không thể cản chiến dịch Idlib của chính quyền Assad
Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gia tăng bất ổn ở miền Bắc Syria, điều vốn luôn hiện hữu trong khu vực. Trong một thời gian ngắn, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể tạm thời trì hoãn chiến dịch của chính quyền Syria nhằm vào tỉnh Idlib.
Trước cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/2 về chiến dịch ở Idlib, Nga dường như do dự về việc ủng hộ lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kiểm soát hoàn toàn tỉnh Idlib. Nga cũng không muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Vì vậy, trước mắt, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm trì hoãn chiến dịch Idlib của chính quyền Assad.
Dù vậy, Idlib là một trong những khu vực cuối cùng còn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Syria, thêm một số khu vực ở Aleppo, một vùng đất rộng rãi tiếp giáp biên giới phía Bắc đang nằm trong sự kiểm soát của các lực lượng ủy nhiệm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, cũng như các khu vực người Kurd với sự hiện diện mang tính biểu tượng của chính phủ. Về lâu về dài, chính quyền Syria sẽ vẫn muốn giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn đối với Idlib.
Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào Idlib cũng sẽ không thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria sau gần 9 năm rơi vào nội chiến.
Những thông tin về điểm nóng Idlib đã khiến dư luận ít chú ý hơn tới nền kinh tế rệu rã ở các khu vực khác của Syria. Đồng bảng (pound) Syria đã bị mất giá từ mức 47 bảng/USD ở giai đoạn bắt đầu cuộc nội chiến năm 2011, xuống mức 1.200 bảng/USD hiện nay.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn còn tồn tại, chưa kể Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua thêm các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn nữa nhằm vào Syria, khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Hàng trăm tỷ USD viện trợ tái thiết cũng chưa thể “chảy” vào Syria nếu không có ít nhất là sự tiến bộ về cải cách chính trị. Một ủy ban hiến pháp mà thành phần của nó đã mất tới nhiều năm đàm phán vẫn chưa đem lại những kết quả có ý nghĩa. Những yếu tố kể trên, cùng với việc thiếu nguồn tiền tái thiết, các biện pháp trừng phạt chặt chẽ từ bên ngoài dẫn tới bất ổn kinh tế trong nước sẽ khiến hòa bình lâu dài ở Syria vẫn còn là một chặng đường dài./.