Sự cần thiết cải tạo, bài trừ hủ tục trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang hiện nay
Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16.7.1998 Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã xác định 5 quan điểm xây dựng, phát triển văn hóa, trong đó quan điểm thứ 5 chỉ rõ vấn đề liên quan đến các hủ tục: 'Văn hóa là một mặt trận, xây dựng, phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng'; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12.1.1998 của Bộ Chính trị về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội xác định: 'Bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu; nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc cưới, việc tang, lễ hội... xóa bỏ hủ tục, bài trừ mê tín dị đoan'.
Trên tinh thần các văn bản của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, hàng loạt giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân đã ra đời, đặc biệt Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18.11.2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu tổng quát hướng đến “…giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu...”.
Hà Giang với dân số trên 87 vạn người, 19 dân tộc, trong đó, dân tộc Mông chiếm 34,46%, Tày chiếm 22,43%, Dao chiếm 14,82%, Kinh chiếm 12,30%, Nùng chiếm 9,51%, còn lại là các dân tộc khác. Các dân tộc sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại 7/11 huyện nghèo thuộc diện 30a, 128 xã khu vực III, 7 xã khu vực II, 57 xã khu vực I, 1.353 thôn đặc biệt khó khăn. Tỉnh có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn; xuất phát điểm kinh tế rất thấp, thoát khỏi chiến tranh biên giới phía Bắc muộn nhất cả nước (năm 1989). Điều kiện cơ sở vật chất để tiếp cận thông tin, nâng cao hiểu biết về các vấn đề xã hội, pháp luật, cũng như sự giao lưu văn hóa giữa các địa phương, dân tộc của một bộ phận đồng bào có phần hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 22,29%, trong đó số hộ nghèo là người DTTS chiếm 99,43%.
Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về phát triển văn hóa dân tộc, căn cứ đặc điểm tình hình địa phương tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa bằng các văn bản của cấp ủy, chính quyền để tổ chức thực hiện: Quyết định số 3402/2008/QĐ-UBND ngày 13.10.2008 của UBND tỉnh Hà Giang về việc ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 2.2.2015 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Kế hoạch số 160/KH-UBND, số 94/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015 - 2025”; Kế hoạch số 105/KH- HĐPH ngày 25.7.2016 về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hạn chế đẩy lùi nạn tự tử trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Đề án số 09-ĐA/TU ngày 21.4.2017 của Tỉnh ủy Hà Giang về “Bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030”; Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 11.8.2016 của Tỉnh ủy Hà Giang “Nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình Hội nghệ nhân dân gian”, giai đoạn 2016 – 2020.
Đặc biệt, ngày 10.5.2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ rõ như sau: “Một số DTTS vẫn còn tồn tại các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến thể trạng, sức khỏe của con người, gây mất mất vệ sinh môi trường, lây nhiễm bệnh dịch và lãng phí như: vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục kéo vợ; mê tín, dị đoan, cúng bái khi trong nhà có người ốm đau; trong tang ma còn giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, uống nhiều rượu, để người chết trong nhà nhiều ngày, chưa đưa người chết vào áo quan, việc chôn cất người chết còn nông; làm chuồng trại gia súc ngay ở gần nhà, không có nhà vệ sinh, vứt xả rác bừa bãi...”
Trong những năm qua, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phát triển bằng nhiều chương trình, chính sách, dự án… của Đảng, Nhà nước và các bộ ngành Trung ương cũng như của tỉnh, đời sống đồng bào được cải thiện với nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, trong đời sống của đồng bào các DTTS Hà Giang còn tồn tại một số tập quán lạc hậu, nhất là trong hôn nhân, tang ma, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt gia đình và trong sản xuất… đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, suy giảm chất lượng nòi giống, công tác dân số KHHGĐ, môi trường sinh thái, trật tự an ninh dân tộc - tôn giáo và cũng là nguyên nhân dẫn đến nghèo đói.
Hiện nay, việc quản lý, điều chỉnh các chuẩn mực ứng xử, nếp sống văn hóa trong đời sống của đồng bào DTTS chủ yếu sử dụng các quy định của quy ước, hương ước thôn bản. Trường hợp người dân thực hành hủ tục vi phạm quy định của quy ước, hương ước thôn thì sẽ bị xử phạt (chủ yếu bằng vật chất, tiền, ngày công lao động) với mức phạt thấp, nên không đủ mạnh để giáo dục, răn đe. Trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, vấn đề đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cơ hội, nhất là lợi dụng vấn đề dân tộc - tôn giáo, để lôi kéo, xúi dục đồng bào chống phá chính quyền, theo đạo trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…
Văn hóa là một nguồn nội lực quan trọng, việc khai thác các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là xu thế chung của nhiều địa phương. Do đó, cần thiết phải “gọt giũa”, “gạn đục, khơi trong” các phong tục tập quán truyền thống, loại trừ những cái lỗi thời, bảo tồn phát huy những yếu tố tốt đẹp, bổ sung điểm mới, tiến bộ của thời đại, nhằm xây dựng đời sống văn hóa các DTTS tỉnh Hà Giang giàu bản sắc, với những sản phẩm văn hóa đa dạng, phục vụ cho việc khai thác phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt cần tiếp tục có các giải pháp can thiệp, thiết chế, chế tài để xử lý hành vi thực hành hủ tục hiệu quả hơn, nhất là với những vi phạm chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh góp duy trì sư ổn định tư tưởng, tinh thần của đồng bào, củng cố niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.