Sự cần thiết của tiêm chủng mở rộng

Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 95% trẻ trong độ tuổi được tiêm các loại vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, đã có tỷ lệ rất nhỏ số trẻ có phản ứng sau tiêm chủng, nên một số người dân băn khoăn khi đưa trẻ đi tiêm chủng. Để bạn đọc hiểu thêm về lợi ích và sự cần thiết của tiêm chủng mở rộng, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế về sự cần thiết của TCMR.

Phỏng vấn bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế về sự cần thiết của TCMR.

Ảnh: Khải Hoàn

PV: Xin bác sỹ cho biết lợi ích của việc tiêm chủng mở rộng?

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng: Thực tế cho thấy, tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm trùng có vắcxin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Đơn cử như đã thanh toán bệnh đậu mùa vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX; bại liệt vào năm 2000; loại trừ được uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang tiến tới loại trừ sởi và khống chế viêm gan B trong vài năm tới.

Không giống các can thiệp y tế khác, vắcxin giúp cho dự phòng và bảo vệ sức khỏe con người, góp phần phát triển nguồn nhân lực. Ngoài việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, giúp trẻ em khỏe mạnh, phát triển thể chất và trí não bình thường, vắcxin còn giảm mắc các bệnh khác, giảm chi phí chăm sóc y tế. Đồng thời, giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên... Có thể nói tiêm chủng mở rộng (TCMR) là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh và làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.

PV: Để bảo đảm an toàn trong TCMR, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai thực hiện những giải pháp và quy trình như thế nào thưa bác sỹ?

Phòng tiêm chủng Cuộc Sống (Bệnh viện Đa khoa Cuộc Sống) tiêm chủng cho trẻ em.

Phòng tiêm chủng Cuộc Sống (Bệnh viện Đa khoa Cuộc Sống) tiêm chủng cho trẻ em.

Ảnh: Trường Sơn

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng: Ngành Y tế luôn xác định: TCMR là nhiệm vụ y tế ưu tiên trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, đã triển khai nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng tiêm chủng. Trong đó, xác định vùng lõm TCMR để có kế hoạch tăng cường tiêm chủng tại các vùng này. Thường xuyên rà soát, cập nhật đối tượng tiêm chủng, trên cơ sở đó tăng cường triển khai các điểm tiêm chủng lưu động, tạo thuận lợi cho người dân khi đưa trẻ đi tiêm. Cùng với đó, chính quyền các địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất cho trạm y tế các xã; cấp kinh phí cho các tuyến để triển khai các nội dung hoạt động của Chương trình TCMR. Chỉ đạo việc tăng cường các điểm tiêm chủng thường xuyên hàng tháng; tổ chức tiêm vét ngay từng đợt tùy theo tình hình cụ thể của từng xã, từng điểm tiêm chủng. Đồng thời, thực hiện chỉ định tiêm vắcxin và tư vấn trước tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng đúng Quy định về sử dụng vắcxin và sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị theo Quyết định số 23/2008/QĐ-BYT, ngày 7/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tại một số xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, do dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, tỷ lệ sinh con tại nhà cao, có hộ dân không hợp tác tiêm chủng... Vì vậy, ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương, tăng cường công tác truyền thông với nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản; truyền thông trực tiếp cho các già làng, trưởng bản; phối hợp với bộ đội biên phòng để tuyên truyền và thực hiện các hoạt động của tiêm chủng...

Trong hoạt động, ngành Y tế luôn quan tâm tổ chức bồi dưỡng, đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế đảm nhiệm công tác tiêm chủng hiện có. Thực hiện nghiêm việc giám sát và hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ tiêm chủng các tuyến. Đồng thời, đặc biệt chú trọng việc bảo quản, bảo dưỡng tốt dây chuyền lạnh, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng...

Bên cạnh đó, ngành còn tăng cường xã hội hóa công tác TCMR, nhằm huy động sự ủng hộ về tinh thần, vật chất cho hoạt động TCMR. Đồng thời, phát triển các cơ sở tiêm chủng dịch vụ hoạt động đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, giúp người dân có thêm sự lựa chọn trong việc phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe.

PV: Xin bác sỹ cho biết kết quả TCMR trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua?

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng: Sau 35 năm triển khai thực hiện, chương trình TCMR đã phủ 100% số xã, bản trong tỉnh; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đạt trên 95%. Một số bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình TCMR được thanh toán như: Bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh trên quy mô huyện; các bệnh truyền nhiễm có số mắc giảm, như: Ho gà, bạch hầu, uốn ván... Số ca mắc và tử vong do dịch bệnh giảm rõ rệt. Riêng 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh có 66,5% số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; 49% số trẻ được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B trước 24 giờ đầu sau sinh; 55,9% số trẻ được tiêm phòng bảo vệ uốn ván sơ sinh; 65% số trẻ 18 tháng tuổi tiêm DPT mũi 4; gần 80% số trẻ được tiêm vắc xin viêm não nhật bản B mũi 2, mũi 3; 57,6% phụ nữ mang thai tiêm AT2+...

PV: Bác sỹ có khuyến cáo gì cho người dân có con em trong độ tuổi TCMR?

Bác sỹ Nguyễn Hữu Hùng: Để phòng bệnh, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ có nguy cơ cao bị mắc bệnh, do không có miễn dịch bảo vệ. Đơn cử như ở một số địa bàn, có thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp, nên dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra, như: Dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản... làm nhiều trẻ em tử vong. Vì vậy, nếu trẻ em không được tiêm chủng, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ và cộng đồng. Chính vì vậy, vì sức khỏe của con em mình, hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đầy đủ các vắcxin trong chương trình TCMR và những vắc xin chưa có trong chương trình TCMR. Coi việc tiêm chủng là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sỹ!

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/su-can-thiet-cua-tiem-chung-mo-rong-35123