Sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài
Liên tiếp nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt hay các sản phẩm 'đặc sản', nổi tiếng của Việt Nam như Cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc và gần đây nhất là gạo ST25 bị đăng ký bảo hộ tại nước ngoài bởi các cá nhân, doanh nghiệp ngoại quốc. Liệu doanh nghiệp Việt đã có đủ sự quan tâm cần thiết đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?
Nguyên tắc bảo hộ theo phạm vi lãnh thổ quốc gia
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Văn bằng bảo hộ được cấp sẽ có hiệu lực từ ngày cấp trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam. Việc các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… cho các sản phẩm của mình tại Việt Nam sẽ không mặc nhiên làm phát sinh hiệu lực bảo hộ tại các quốc gia khác trên thế giới.
Để được bảo hộ tại nước ngoài, doanh nghiệp cần phải tiến hành đăng ký bảo hộ theo pháp luật của từng quốc gia hoặc theo các điều ước quốc tế như Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs), Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp,… tùy thuộc vào loại tài sản trí tuệ cần đăng ký bảo hộ.
Khi tiến hành đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý tìm hiểu kỹ các nguyên tắc nộp đơn đăng ký bảo hộ. Tại Việt Nam, pháp luật sở hữu trí tuệ áp dụng cấp văn bằng bảo hộ theo nguyên tắc ưu tiên cho người nộp đơn đăng ký đầu tiên. Nguyên tắc này còn được gọi là “first-to-file”.
Tuy nhiên, một số quốc gia khác trên thế giới lại áp dụng cả nguyên tắc “first-to-use” để cấp quyền ưu tiên cho những người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu được đăng ký. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp khi tiến hành đăng ký bảo hộ tại nước ngoài cần tìm hiểu kỹ quy định về pháp luật sở hữu trí tuệ của quốc gia đó, để chuẩn bị các tài liệu thích hợp và hoàn thiện hồ sơ đăng ký.
Rủi ro khi không đăng ký bảo hộ tại nước ngoài
Khi nhãn hiệu của doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ thì đương nhiên doanh nghiệp có toàn quyền đối với nhãn hiệu này trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, ở những quốc gia khác, nếu nhãn hiệu này không được đăng ký, thì về nguyên tắc sẽ không phát sinh quyền sở hữu của doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra những rủi ro nhất định, đặc biệt đối với các thị trường mà doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hóa hay các thị trường tiềm năng để xuất khẩu trong tương lai.
Giả sử, trường hợp một nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt bị cá nhân khác đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài, thì cá nhân này sẽ được ghi nhận là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu tại quốc gia đó, có quyền độc quyền sử dụng, tự do định đoạt việc chuyển nhượng (li-xăng) đối với nhãn hiệu.
Doanh nghiệp Việt dù là người sử dụng đầu tiên, khai sinh ra nhãn hiệu đó nhưng không phải là người được cấp văn bằng bảo hộ thì cũng sẽ không được phép tự do kinh doanh hàng hóa dưới nhãn hiệu đó tại thị trường nước ngoài.
Lúc này, nếu muốn được sử dụng nhãn hiệu để kinh doanh, doanh nghiệp Việt buộc phải tiến hành thương lượng, thỏa thuận để nhận chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc nhận chuyển quyền sử dụng từ người đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Đối với việc nhận chuyển nhượng quyền sở hữu, doanh nghiệp thường sẽ mất khoản chi phí khá lớn do mua lại hoàn toàn quyền sở hữu đối với nhãn hiệu từ người đã đăng ký. Trường hợp lựa chọn nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, chi phí doanh nghiệp bỏ ra sẽ tùy thuộc thỏa thuận của các bên về nhiều yếu tố như thời hạn sử dụng, phạm vi sử dụng, tính độc quyền sử dụng.
Một lựa chọn khác có thể cân nhắc là khởi kiện giành lại quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, nhưng phương thức này lại tốn khá nhiều chi phí, thời gian và công sức cũng như các phụ thuộc vào quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia đó là thành viên.
Quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình có giá trị thương mại gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ tác động trực tiếp đến quyền kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp tại các quốc gia khác.
Vì thế, khi doanh nghiệp dành tâm huyết cho một sản phẩm, bỏ nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu các tính năng độc đáo, mới lạ ở sản phẩm hoặc có định hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài thì cần nhanh chóng tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm đó tại các quốc gia này.
“Bài viết này chỉ thể hiện những ý kiến và quan điểm của cá nhân tác giả và không có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào”