Sự cẩn trọng tự mỗi người
Hà Nội: Ô tô Yaris lật nghiêng sau cú đâm thẳng vào cột điện
(HNM) - Dù chỉ đến các hội nghị sơ kết, tổng kết, thống kê chính thức về số vụ, số người chết, số người bị thương mới được công bố, song tai nạn giao thông vẫn luôn là nỗi ám ảnh với cộng đồng. Những thông tin, hình ảnh trực quan không chỉ được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn tràn ngập mạng xã hội.
Nói không quá, tai nạn giao thông chính là một thứ giặc giữa thời bình. Khẩu hiệu “an toàn là bạn, tai nạn là thù” mang hàm ý ấy. Và cũng vì thế, dù có "giảm sâu nhất trong nhiều năm" như 6 tháng đầu năm nay, thì số vụ, số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông vẫn là hồi chuông báo động cho xã hội. Đáng nói hơn, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe container; liên quan đến sử dụng rượu bia, ma túy lại là nỗi nhức nhối của dư luận.
Bằng các con số thống kê, không khó để lượng hóa thiệt hại vật chất do tai nạn giao thông trong tương quan với GDP hằng năm nhưng những mất mát về tinh thần, với từng gia đình cụ thể có người thân mất đi vì tai nạn giao thông là không thể đo đếm được. Đấy là chưa kể hệ lụy kinh tế - xã hội lâu dài do không ít người chịu cảnh tàn phế, mất khả năng lao động…
Kiềm chế, tiến tới đẩy lùi tai nạn giao thông luôn là một yêu cầu cấp thiết. Thực tế những năm qua, công tác này đã có những chuyển biến nhất định nhưng chưa đủ. Và để thứ giặc mang tên “tai nạn giao thông” bớt ám ảnh, có rất nhiều việc phải làm.
Trước hết, có thể thấy ngay những bất cập về mặt pháp lý. Các quy định nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tuy nhiên sự phát triển về mặt kinh tế - xã hội đã đặt ra những đòi hỏi mới. Bất cập có thể quy về hai dạng: Thiếu chế tài xử lý (đối với vi phạm); chế tài chưa đủ mạnh… đều cần sớm sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, quy định liên quan quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe - làm sao bảo đảm “cung cấp” cho xã hội người cầm lái chứ không phải “hung thần” sau tay lái cũng đòi hỏi phải sớm điều chỉnh theo hướng siết chặt hơn nữa.
Thứ hai, việc thực thi pháp luật cũng đặt ra nhiều vấn đề khi hiện tượng tiếp tay, làm ngơ cho vi phạm, sai phạm xảy ra ở không ít địa phương. Những "con sâu làm rầu nồi canh" này dứt khoát phải bị xử lý nghiêm minh, để không ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý lĩnh vực này.
Một thông tin đáng chú ý liên quan công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là từ ngày 15-7 đến 14-8, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc thực hiện tổng kiểm tra đối với ô tô chở khách, xe container, xe mô tô nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt vi phạm liên quan nồng độ cồn, sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện… Được biết, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Đây là hoạt động rất cần thiết, cần tiếp tục tăng cường với hình thức phù hợp để duy trì liên tục, phủ đều các địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, về lâu dài, việc ứng dụng công nghệ, nhất là hệ thống camera giám sát, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là tất yếu, đòi hỏi đầu tư nhiều hơn, nhân rộng hơn nữa.
Thứ ba, cũng là điểm mấu chốt: Tai nạn giao thông để lại hậu quả nặng nề, đau đớn với trước hết người bị nạn và gia đình. Vì thế, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, sự cẩn trọng tự mỗi người khi tham gia giao thông là vô cùng quan trọng. Mỗi người phải tự trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng và cả văn hóa ứng xử khi cầm lái. Tất cả vì bản thân và gia đình, sau đó là vì cả cộng đồng!
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/940827/su-can-trong-tu-moi-nguoi