Sự chia sẻ lớn nhất lúc này

Lần tăng thứ 7 liên tiếp đã đưa giá xăng cán đích gần 30.000 đồng/lít và giá dầu gần 26.000 đồng/lít. Đón nhận thông tin này, vợ đề xuất cất ô tô, chuyển hẳn sang đi làm bằng xe máy. Đi xe máy một tháng sẽ tiết kiệm được khoảng trên 2 triệu đồng. Chả ai cười mình cả. Mà cười còn hơn là phải móc túi tiêu tiền.

(Ảnh minh họa)

Vợ nói thế cũng vì lo cho sự chi tiêu hàng tháng của cả nhà, chứ ai chẳng muốn đi ô tô, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu.

Ngày đầu tiên đi làm bằng xe máy cảm giác không được tư thế cho lắm. Nhưng cứ nghĩ đến khoản tiền tiết kiệm được, tôi vút ga đi nhanh trên đường.

Để tiết kiệm xăng người ta có thể chuyển từ lái ô tô sang đi bằng xe máy. Nhưng để tiết kiệm các khoản chi tiêu khác thì giải pháp nào? Chắc chắn khó tránh khỏi chuyện “té nước theo mưa”. Một khi xăng, dầu và gas tăng giá, nhiều sản phẩm, loại hình dịch vụ cũng sẽ bắt buộc phải tăng giá theo hoặc dựa vào đó để đẩy giá lên. Lúc ấy không lẽ người tiêu dùng ngừng tiêu dùng. Chắc chắn là không thể được rồi. Không đi ô tô thì có xe máy, xe đạp thay thế. Nhưng không ăn, uống, không sử dụng dịch vụ thì có gì để thay thế đâu?

Chỉ sau 5 lần xăng, dầu, gas tăng giá, tức là đến cuối tháng 2-2022 đã đẩy giá rất nhiều mặt hàng tăng phi mã. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng đầu năm đã tăng tới 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Con số này dự báo sẽ dịch chuyển tiêu cực hơn nữa sau khi giá xăng, dầu, gas tăng giá lần thứ 7 liên tiếp.

Cả nước đang lo phục hồi nền kinh tế, mỗi nhà, mỗi người cũng đang phải lo “phục hồi” lại túi tiền sau rất nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra. Họ đã phải thắt chặt chi tiêu và khi giá cả hàng hóa tăng vùn vụt, họ lại phải tiếp tục thắt chặt thêm sao? Nghịch lý chính ở chỗ, muốn đẩy nhanh việc phục hồi kinh tế, nối lại các chuỗi cung ứng hàng hóa, thì phải đẩy nhanh hơn việc tiêu dùng trong Nhân dân. Nhưng một khi giá hàng hóa tăng thì tiêu dùng sẽ phải giảm.

Hiện nay giá một lít xăng, dầu đến tay người tiêu dùng đã bao gồm tới hơn 40% loại thuế, phí. Được biết từ ngày 1-4-2022 thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu sẽ giảm 50%, tức là giảm từ 500 đồng tới 2.000 đồng/lít/kg xăng, dầu, mỡ theo đề xuất của Bộ Công Thương.

Vẫn biết giá xăng, dầu và gas đâu phải là câu chuyện của riêng nước ta, nhưng nếu như việc quản lý, điều hành giá xăng, dầu linh hoạt hơn, việc giảm thuế, phí đối với xăng, dầu tiếp tục sâu hơn nữa, sẽ giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế, giúp việc phục hồi kinh tế nhanh hơn. Nếu việc đó diễn ra, có lẽ là quyết định sáng suốt, chung tay trách nhiệm và chia sẻ lớn nhất lúc này.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/su-chia-se-lon-nhat-luc-nay/154771.htm