Sự chuyển biến đáng sợ trong lòng nước Anh vì Brexit

Người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) hơn 3 năm trước. Kể từ đó, xứ sở sương mù vẫn đang tranh cãi về việc chính xác phải làm điều này như thế nào. Nhìn từ bên ngoài, vẫn chưa có gì thay đổi nhiều. Tuy nhiên, từ bên trong, nước Anh đang trải qua một quá trình chuyển biến dữ dội và đôi khi rất đáng sợ. Cuộc trưng cầu ý dân tháng 6-2016 đã dẫn tới hàng loạt sự kiện gây ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh đời sống tại Anh.

Tội phạm gia tăng, kinh tế sa sút

Anh lẽ ra đã rời khỏi EU vào ngày 31-10. Tuy nhiên, các nghị sỹ Anh, vốn luôn mong muốn tránh được Brexit không thỏa thuận, đã ép Thủ tướng Anh Boris Johnson phải yêu cầu Brussels gia hạn Brexit lần thứ ba. Ngày 28-10, EU đã đồng ý gia hạn Brexit thêm 3 tháng, điều đó có nghĩa rằng Anh hiện vẫn là một phần của khối, với tất cả những quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cho tới ngày 31-1-2020. Trước thời điểm đó, có một vấn đề nhỏ là Anh sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12-12.

Brexit đang là vấn đề gây chia rẽ sâu sắc. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Anh đang bị chia rẽ thành hai bộ phận gần ngang nhau, giữa những người muốn rời EU sớm nhất có thể và những người vẫn hy vọng Anh bằng cách nào đó có thể tiếp tục ở lại khối. Cuộc tranh luận này không phải lúc nào cũng diễn ra một cách văn minh. Các chính trị gia chủ trương ủng hộ một "phiên bản" Brexit mềm hơn đã bị nhiều thành phần trong giới báo chí gọi là "những kẻ phá hoại," trong khi những người phản đối cáo buộc chính phủ đang thực hiện "một cuộc đảo chính”. Các thẩm phán đã bị gọi là "kẻ thù của nhân dân" vì ra phán quyết chống lại chính phủ.

Các số liệu thống kê chính thức từ Bộ Nội vụ Anh cho thấy tội phạm xuất phát từ lòng thù ghét đã tăng lên ngay trong và sau khi cuộc trưng cầu ý dân về Brexit được tổ chức. Bộ này nói rằng mặc dù sự gia tăng tội phạm xuất phát từ lòng thù ghét đã giảm xuống chủ yếu nhờ vào việc thông tin tốt hơn, tuy nhiên loại tội phạm này vẫn tăng đột biến sau những sự kiện nhất định, ví dụ như cuộc trưng cầu ý dân về việc đi hay ở lại EU và các vụ tấn công khủng bố năm 2017. Loại tội phạm này bao gồm từ bạo hành bằng lời nói cho tới giết người. Chỉ ngay trước khi cuộc trưng cầu ý dân diễn ra, Jo Cox - Nghị sĩ Công đảng và là một người nổi bật trong số những người chủ trương ở lại EU - đã bị một người đàn ông có quan điểm cực hữu sát hại.

Theo một cuộc thăm dò của Ipsos Mori, nhập cư là vấn đề quan trọng nhất đối với các cử tri trước thềm cuộc trưng cầu ý dân. Theo các quy định của EU, công dân của bất kỳ quốc gia thành viên nào đều được phép sinh sống và làm việc ở bất kể đâu thuộc EU mà không cần xin thị thực. Những người chủ trương ủng hộ Brexit chủ yếu thúc đẩy các cử tri Anh bằng lập luận rằng Brexit là cơ hội để Anh giành lại quyền kiểm soát đối với chính sách nhập cư. Giọng điệu thù địch này, cộng thêm tình trạng bấp bênh về pháp lý kể từ khi cuộc trưng cầu ý dân diễn ra, đã khiến Anh không còn là điểm đến hấp dẫn đối với công dân của các nước thành viên EU khác. Ngày càng ít người châu Âu tới Anh, và nhiều người từng định cư ở Anh đang bắt đầu rời đi.

Quyết định ra khỏi EU cũng gây ảnh hưởng lớn tới ví tiền của người dân. Giá trị đồng bảng Anh sụt giảm đáng kể sau cuộc trưng cầu ý dân, bởi vì các nhà đầu tư lo ngại về tác động của cuộc trưng cầu ý dân này. Điều này khiến hàng hóa nhập khẩu và các kỳ nghỉ ở nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân Anh. Đồng bảng Anh yếu đang đẩy lạm phát tăng cao. Khi giá cả tăng nhanh hơn tiền lương thì mọi người sẽ bị nghèo đi. Xu hướng này đã được đảo ngược ngay khi Anh lấp lửng sẽ trì hoãn Brexit và không chắc chắn về việc đi hay ở lại EU, tuy nhiên giá đồng bảng Anh vẫn dễ bị biến động.

Nền kinh tế Anh chủ yếu được thúc đẩy bởi tiêu dùng, do đó nếu người tiêu dùng hạn chế chi tiêu có nghĩa là nền kinh tế sẽ bị đình trệ. Anh từ một nền kinh tế đầy triển vọng trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới trở thành một trong số những nền kinh tế yếu nhất trong số này.

Nước Anh đang chia rẽ sâu sắc vì Brexit. Ảnh tư liệu

Nước Anh đang chia rẽ sâu sắc vì Brexit. Ảnh tư liệu

Chia rẽ ngày càng sâu sắc

Khi cựu Thủ tướng David Cameron kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, ông muốn thực hiện lời hứa mà ông đã đưa ra trước cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Cam kết của ông về việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU đã giúp ông Cameron giành được thế đa số rõ ràng cho nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai.

Đảng Bảo thủ của ông Cameron đã bị chia rẽ về cách tiếp cận với EU trong suốt nhiều thập kỷ trước đó và động cơ then chốt khiến ông kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân là nhằm thống nhất lại đảng của mình. Nói một cách đơn giản, ông Cameron đã hy vọng rằng ông sẽ thắng trong cuộc trưng cầu ý dân và khép lại vấn đề này mãi mãi. Tuy nhiên, điều đó đã phản tác dụng. Ông Cameron và người kế nhiệm Theresa May, cả hai đều đã mất chức thủ tướng vì vấn đề Brexit. Đảng Bảo thủ bị chia rẽ hơn nữa kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân, với những người chủ trương ủng hộ Brexit và những người muốn Anh ở lại EU đối đầu với nhau. Thế đa số tại Quốc hội mà ông Cameron giành được năm 2015 đã tan biến. Bà May để mất thế đa số rõ ràng trong cuộc bầu cử trước thời hạn năm 2017, vốn được bà kêu gọi tổ chức với hy vọng sẽ giành được thế đa số lớn hơn.

Thế đa số đó đã càng giảm xuống hơn nữa dưới thời đương kim Thủ tướng Boris Johnson, khi ngày càng có nhiều nghị sĩ của đảng Bảo thủ từ chức hoặc bị sa thải vì các hành động của họ liên quan tới vấn đề Brexit. Nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị của Anh, nước này đang tiến tới một cuộc tổng tuyển cử lần thứ 3 trong vòng 4 năm vào tháng 12 tới. Rõ ràng, kết quả của cuộc tổng tuyển cử này có thể làm sáng tỏ tương lai của Brexit, song một điều chắc chắn là không phải ai cũng sẽ vui mừng vì cuộc bầu cử này.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/su-chuyen-bien-dang-so-trong-long-nuoc-anh-vi-brexit-168592.html