Sự chuyển dịch của dòng tiền và quyết tâm chống đô la hóa
Bên cạnh diễn biến từ thị trường quốc tế cùng với cung cầu ngoại tệ đang cân đối trở lại, không loại trừ khả năng đang có sự chuyển dịch ngược lại từ nắm giữ ngoại tệ chuyển sang tiền đồng, cũng như tâm lý đầu cơ có lẽ đang dần suy yếu.Với tốc độ mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ đã ở mức xấp xỉ 9% từ đầu năm đến nay, tiềm năng mất giá thêm dù vẫn còn nhưng rõ ràng sẽ không thể hấp dẫn nếu so với việc chuyển sang trở lại tiền đồng và gửi ngân hàng với lãi suất tiết kiệm tiền đồng đã tăng lên mức 9-10%/năm.
Êm ả sau những cú sốc
Vào cuối tuần qua, phiên ngày 11-11 bất ngờ chứng kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm giá bán đô la Mỹ tại Sở giao dịch NHNN 10 đồng, xuống còn 24.860 đồng/đô la Mỹ. Nếu so với sáu lần tăng liên tiếp trước đó với tổng mức tăng 1.820 đồng, đây là lần thứ 2 NHNN giảm giá bán đô la Mỹ trong năm 2022, sau lần giảm 100 đồng vào ngày 19-1 với giá bán đô la Mỹ kỳ hạn.
Tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng cũng đang có dấu hiệu đi xuống trở lại trong những ngày vừa qua, với giá niêm yết vào đầu tuần này (14-11) nằm tại 23.678 đồng/đô la, giảm 17 đồng so với cuối tháng trước. Nếu so với mức tăng liên tục tính theo tháng từ tháng 6 đến tháng 10, đặc biệt là tháng 9 tăng 181 đồng và tháng 10 tăng 295 đồng, diễn biến trong nửa đầu tháng 11 cho thấy khá êm ả.
Rõ ràng nếu so với sự biến động mạnh mẽ trong hai tháng vừa qua, khi giá bán ra đô la Mỹ của Sở giao dịch NHNN tăng đến 525 đồng trong tháng 9 và tăng tiếp 945 đồng trong tháng 10, cùng với hai lần tăng lãi suất điều hành với mức tăng 1 điểm phần trăm cho mỗi lần để góp phần hạ nhiệt tỷ giá, dường như thị trường đang vào guồng quay “xuôi chèo mát mái” hơn.
Diễn biến tương tự cũng đang diễn ra trên thị trường phi chính thức, khi giá đô la Mỹ tự do cũng đang giảm nhẹ 30 đồng so với thời điểm đầu tháng ở cả chiều mua vào và bán ra, nằm ở mức 25.150-25.250 đồng/đô la, dù vẫn đang cao hơn mức giá trần của tỷ giá trung tâm từ 288-388 đồng.
Sự ổn định trở lại của thị trường ngoại hối một phần nhờ vào diễn biến đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đã đi xuống trở lại trong những ngày gần đây, đặc biệt sau khi lạm phát của Mỹ trong tháng 10 có dấu hiệu hạ nhiệt đưa đến những kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm chậm lại quá trình nâng lãi suất trong giai đoạn tới. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của nước này chỉ tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng trước và tăng 7,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng cả năm thấp nhất kể từ đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,2 điểm phần trăm của tháng 9.
Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ tiếp tục cải thiện cũng góp phần giảm bớt sức ép cho thị trường ngoại hối, với cán cân thương mại hàng hóa tháng 10 ước tính thặng dư lên đến 2,27 tỉ đô la Mỹ, nâng lũy kế xuất siêu 10 tháng đầu năm 2022 lên 9,4 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân 10 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 17,45 tỉ đô la Mỹ, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong năm năm qua, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.
Liệu có sự chuyển dịch?
Bên cạnh diễn biến từ thị trường quốc tế cùng với cung cầu ngoại tệ đang cân đối trở lại, không loại trừ khả năng đang có sự chuyển dịch ngược lại từ nắm giữ ngoại tệ chuyển sang tiền đồng, cũng như tâm lý đầu cơ có lẽ đang dần suy yếu.
Thứ nhất, với mức độ mất giá đã khá mạnh từ đầu năm đến nay của tiền đồng, trong khi tiềm năng tăng giá của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế cũng không còn quá lớn, việc nắm giữ đô la Mỹ trong giai đoạn tới có lẽ không còn mấy hấp dẫn.
Theo các chuyên gia phân tích, xu hướng tăng của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế dường như đã đạt đỉnh trong thời gian vừa qua. Nay với lộ trình tăng lãi suất có thể bắt đầu chậm dần và có thể sớm dừng lại trong năm sau, sự chuyển dịch của dòng vốn đổ về Mỹ cũng theo đó sẽ chậm lại và thậm chí có khả năng đảo ngược. Thực tế chỉ số USD Index đã có phiên giảm hơn 2% vào ngày 10-11 sau khi có báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, mạnh nhất kể từ năm 2009, rớt về ngưỡng quanh 108 điểm. Tiếp đó, trong phiên cuối tuần ngày 11-11, chỉ số này rớt thêm hơn 1,8% về gần vùng 106 điểm, thấp nhất trong ba tháng qua.
Thứ hai, với hai đợt nâng lãi suất điều hành vừa qua, cùng với động thái tăng mạnh lãi suất tiền gửi tiền đồng tại nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây, có lẽ cũng sẽ bắt đầu thu hút một lượng lớn khách hàng chuyển dịch từ găm giữ ngoại tệ chuyển sang tiền đồng trở lại để gửi tiết kiệm. Với tốc độ mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ đã ở mức xấp xỉ 9% từ đầu năm đến nay, tiềm năng mất giá thêm dù vẫn còn nhưng sẽ không thể hấp dẫn nếu so với việc chuyển sang trở lại tiền đồng và gửi ngân hàng với lãi suất tiết kiệm tiền đồng đã tăng lên mức 9-10%/năm.
Theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán BIDV (BSC), mức độ mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ vẫn ở mức thấp so với nhiều đồng tiền khác như yen Nhật, bath Thái, nhân dân tệ Trung Quốc, won Hàn Quốc. Dự trữ ngoại hối hiện ước tính đạt 85,7 tỉ đô la Mỹ, NHNN vẫn còn dư địa để điều tiết tỷ giá. Đà tăng của tỷ giá có thể chậm lại khi NHNN nâng lãi suất điều hành giúp bình ổn lại dòng vốn ngoại đang có xu hướng chảy khỏi thị trường Việt Nam.
Đáng lưu ý Chính phủ mới đây cũng nhắc lại yêu cầu cần phải có giải pháp hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế. Theo Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2022, thì NHNN phải điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng; có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.
Dựa trên những chỉ đạo này, các cơ quan quản lý có thể sẽ triển khai những giải pháp siết chặt và mạnh tay hơn với các hành vi đầu cơ ngoại tệ. Với những người lướt sóng đầu cơ nhanh nhạy, việc tận dụng xu hướng mất giá nhanh của tiền đồng trong hơn hai tháng trước đây có lẽ cũng đã quá đủ, nay có thể sẽ bắt đầu chốt lời dần và quay trở lại với các kênh đầu tư khác thay vì bám trụ ở thị trường ngoại hối, nhất là khi sức ép lên thị trường đã không còn quá lớn như trước, trong khi điều kiện thực hiện cũng bị thu hẹp và rủi ro chế tài lại đang gia tăng.
Trước đó, vào những ngày gần cuối tháng 10-2022, NHNN chi nhánh TPHCM cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới; bảo đảm đúng quy định an toàn và hạn chế rủi ro liên quan, tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới.
Đồng thời, đối với tổ chức tín dụng ủy quyền cho tổ chức làm đại lý thu đổi ngoại tệ, phải kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các đại lý chi, trả ngoại tệ; thu đổi ngoại tệ, để đảm bảo các đại lý hoạt động hiệu quả, đúng quy định pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm phát sinh trong hoạt động này. Cùng đó, hạn chế, phòng ngừa những sai phạm mua bán ngoại tệ tự do, không đúng quy định, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường.
Trong một diễn biến khác, ngày 10-11-2022, Bộ Tài chính Mỹ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, trong đó, cơ quan này đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. Được biết liên tiếp trong hai kỳ báo cáo, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ với Mỹ. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Mỹ đến Việt Nam ngày 3-10-2022, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tuệ Nhiên