Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Czech nói đỡ cho Ukraine, Đức phản đối, tuyên bố gay gắt vụ phá hoại là 'tội ác'

Ngày 26/8, chính phủ Đức đã phản đối quan điểm của giới chức Czech cho rằng, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) có thể là 'mục tiêu hợp pháp' của Ukraine.

Các vụ phá hoại đường ống dẫn khí của Dòng chảy phương Bắc xảy ra hồi tháng 9/2022 . (Nguồn: AFP)

Các vụ phá hoại đường ống dẫn khí của Dòng chảy phương Bắc xảy ra hồi tháng 9/2022 . (Nguồn: AFP)

Tổng thống Czech Petr Pavel trước đó đã nói với tờ Novinky rằng, Dòng chảy phương Bắc là “mục tiêu hợp pháp” của Ukraine.

Ông lưu ý, cuộc xung đột vũ trang được tiến hành “không chỉ chống lại các mục tiêu quân sự, mà còn chống lại các mục tiêu chiến lược” và các đường ống dẫn khí có thể được coi là như vậy.

Trả lời báo giới khi được hỏi liệu chính phủ Đức có đồng tình với quan điểm rằng, nếu Ukraine đứng sau hành động phá hoại các đường ống dẫn khí đốt này, đây có phải là mục tiêu hợp pháp hay không, người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói: “Không”.

Hãng tin TASS dẫn lời ông nhấn mạnh: “Đây là một tội ác và tội ác này sẽ được điều tra”.

Theo ông, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nêu rõ điều này trong các cuộc đàm phán với phía Czech cũng như với nhiều đối tác quốc tế khác, trong khi Văn phòng tổng công tố Đức vẫn đang tiếp tục cuộc điều tra.

Hôm 16/8, ông August Hanning, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Đức từ năm 1998-2005, tiết lộ với tờ Die Welt rằng, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và người đồng cấp Ukraine Vlodymyr Zelensky dường như đã đồng ý “hợp tác” phá hoại các đường ống dẫn dưới nước vì hành động này không thể chỉ là nỗ lực riêng.

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Đức yêu cầu Kiev và Warsaw bồi thường thiệt hại sau vụ nổ tại các đường ống dẫn khí nếu phát hiện bất kỳ sự liên quan nào.

Hôm 14/8, công tố viên Đức đã phát lệnh bắt giữ một huấn luyện viên lặn người Ukraine, được nêu tên là Volodymyr Z., bị cáo buộc là một trong trong những thủ phạm đã gài thiết bị nổ vào các đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Đức đã đề nghị bắt giữ nghi phạm này trên toàn châu Âu hồi tháng 6. Được biết, nơi ở cuối cùng của nghi phạm này là tại Ba Lan.

Trong khi đó, Văn phòng Công tố quốc gia Ba Lan cho biết đã nhận được lệnh bắt giữ mà Đức đề nghị, song đối tượng không bị bắt do đã rời Ba Lan sang Ukraine hồi đầu tháng 7.

Các nhà điều tra Đức cũng xác định thêm 2 người Ukraine, gồm 1 người đàn ông và 1 phụ nữ, được cho là đã làm thợ lặn trong các vụ tấn công. Tuy nhiên, chưa có lệnh bắt giữ nào được ban hành đối với 2 người này.

Các đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 vận chuyển khí đốt dưới Biển Baltic bị vỡ do một loạt vụ nổ hồi tháng 9/2022. Các vụ nổ đã gây ảnh hưởng đến 3 trong số 4 đường ống Dòng chảy phương Bắc.

Nga đổi lỗi cho Mỹ, Anh và Ukraine gây ra các vụ nổ, song cả 3 nước đều bác bỏ cáo buộc trên.

Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đã tiến hành điều tra độc lập và Thụy Điển đã tìm thấy những dấu vết chất nổ trên một số vật thể thu được từ hiện trường, đồng thời xác nhận các vụ nổ là hành động cố ý. Thụy Điển và Đan Mạch đã khép lại việc điều tra vào tháng 2 vừa qua, song không xác định được bất kỳ nghi phạm nào.

Tháng 1/2023, Đức tiến hành kiểm tra một con tàu mà nước này cho rằng có thể được sử dụng để vận chuyển chất nổ, đồng thời thông báo với Liên hợp quốc rằng các thợ lặn có thể đã được đào tạo để gắn thiết bị nổ vào các đường ống, ở độ sâu khoảng 70-80 m.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/su-co-dong-chay-phuong-bac-czech-noi-do-cho-ukraine-duc-phan-doi-tuyen-bo-gay-gat-vu-pha-hoai-la-toi-ac-284011.html