Sự cố hai Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 là vụ 'tấn công có chủ đích'?
Một số quan chức châu Âu và Mỹ cho rằng 'vụ rò rỉ khí đốt' ở hai dự án Dòng chảy phương Bắc là có chủ ý và cần tiếp tục có động thái đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo một số nguồn tin ngày 27/9, sau khi nhận được lời cảnh báo, chính phủ Đức đã giả định một cuộc tấn công vào 2 tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 1 và 2).
Hiện Berlin vẫn chưa có phát ngôn chính thức về vấn đề này. Song một số nguồn tin cho biết, Đức đang đặt ra 2 nghi vấn. Khả năng đầu tiên liên quan đến Ukraine hoặc lực lượng có liên kết với Ukraine. Trường hợp thứ hai là động thái “cờ giả” của Nga nhằm giảm uy tín của Ukraine và đẩy giá năng lượng châu Âu lên cao.
Trước đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định sự cố rò rỉ lần này là “hành vi cố ý” chứ “không phải là tai nạn”, đồng thời nhấn mạnh châu Âu cần cải thiện an ninh năng lượng thời gian tới.
Về phần mình, Cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhaylo Podolyak cho rằng, đây có thể là một “cuộc tấn công khủng bố do Nga lên kế hoạch và một hành động gây hấn với Liên minh châu Âu”.
Phía Moscow hiện vẫn chưa lên tiếng về các nhận định trên của Đan Mạch và Ukraine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo, Washington sẵn sàng hỗ trợ về an ninh năng lượng của đồng minh châu Âu, đồng thời điều tra về vụ việc.
Xem xét báo cáo về sự cố rò rỉ với các đường ống khí đốt của hai Dòng chảy phương Bắc, ông Blinken cho biết đây là “kết quả của một vụ tấn công hoặc phá hoại". Tuy nhiên, theo ông, sự cố này sẽ “không tác động đáng kể đến khả năng phục hồi năng lượng của châu Âu”.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh vấn đề cần tập trung giải quyết hiện nay là an ninh năng lượng cho châu Âu và cả thế giới. Đồng thời, Washington khẳng định vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, trong khi các đồng minh như Đức dần giảm sự lệ thuộc vào năng lượng của Nga.