Sự cố mất điện ở Nam Âu: 'Lời cảnh tỉnh' với châu Âu
Sự cố mất điện trên diện rộng đầu tuần này ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là lời cảnh tỉnh với châu Âu về đầu tư vào lưới điện.

Thắp nến trong cửa hàng ở Barcelona, Tây Ban Nha khi điện bị mất trên diện rộng, ngày 29/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang Euronews, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thế giới phải bổ sung hoặc thay thế 80 triệu km lưới điện vào năm 2040 để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và hỗ trợ an ninh năng lượng.
Tình trạng mất điện trên diện rộng vừa qua ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một số vùng của Pháp được mô tả là "lời cảnh tỉnh" để các nhà hoạch định chính sách đầu tư nhiều hơn vào lưới điện.
Các cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng mất điện diện rộng bắt đầu vào ngày 28/4, khiến các hệ thống tàu hỏa và giao thông bị đình trệ, máy ATM và điện thoại di động bị vô hiệu hóa.
"Tôi nghĩ rằng theo một cách nào đó, đây nên là lời cảnh tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý để nhắc nhở mọi người trong xã hội nói chung rằng điện là mạch máu của một xã hội hiện đại", ông Kristian Ruby, Tổng thư ký Eurelectric, một liên đoàn đại diện cho ngành công nghiệp điện của châu Âu, nói với trang Euronews.
Nguyên nhân gây ra sự cố mất điện vẫn chưa rõ ràng, nhưng chính quyền phần lớn đã loại trừ khả năng xảy ra tấn công mạng.
Hôm 28/4, đơn vị vận hành lưới điện của Bồ Đào Nha ban đầu đổ lỗi cho "hiện tượng khí quyển hiếm gặp" gây ra "dao động bất thường" trên các đường dây điện cao thế ở Tây Ban Nha.
Trong khi đó, đơn vị vận hành lưới điện Tây Ban Nha Red Electrica cho biết vào cuối ngày 28/4 rằng đã có "dao động mạnh trong dòng điện, gây ra tình trạng mất điện nghiêm trọng".
Ngoài sự cố cụ thể này, "chúng ta đang ở giữa quá trình chuyển đổi đầy tham vọng, hấp dẫn và cần thiết nhất đối với hệ thống năng lượng của chúng ta và đặc biệt là hệ thống điện của chúng ta trong lịch sử thế giới", ông Ruby cho biết.
Châu Âu đang triển khai một lượng lớn năng lượng tái tạo vào lưới điện, như năng lượng mặt trời và gió, nhưng ông Ruby cho biết, việc đầu tư vào lưới điện "không diễn ra với tốc độ cần thiết và đó là điều cần phải thay đổi" để tạo ra một hệ thống năng lượng "đáng tin cậy".
"Về cơ bản, chúng ta cần phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện của hệ thống của mình với tốc độ tương đương với tốc độ phát triển sản xuất", Tổng thư ký Eurelectric cho biết.

Bóng tối bao trùm đường phố ở Barcelona, Tây Ban Nha do mất điện trên diện rộng, ngày 28/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo năm 2023 rằng, thế giới phải bổ sung hoặc thay thế 80 triệu km lưới điện vào năm 2040 - tương đương với tất cả các lưới điện trên toàn cầu hiện nay - để đáp ứng các mục tiêu khí hậu quốc gia và hỗ trợ an ninh năng lượng.
Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những quốc gia đi đầu về năng lượng xanh với nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào. Năm ngoái, Tây Ban Nha ghi nhận 56% tổng năng lượng được sử dụng là năng lượng tái tạo.
Tại sao lưới điện cần cân bằng
Tuy nhiên, các hệ thống truyền tải điện – tức là mạng lưới đưa điện từ nhà máy đến các hộ gia đình và doanh nghiệp – cần phải được nâng cấp để đảm bảo sự cân bằng trong phân phối điện.
Việc giữ cho lưới điện luôn ở trạng thái cân bằng là rất quan trọng, bởi nếu lượng điện sản xuất ra quá nhiều hoặc quá ít so với nhu cầu, tần số điện sẽ vượt khỏi ngưỡng an toàn và hệ thống sẽ tự động ngắt – đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng mất điện.
Tần số đó tương ứng với tốc độ quay của các thiết bị phát điện như tua bin khí và tua bin hạt nhân.
Một vấn đề khác được đặt ra sau sự cố hôm 28/4 là liệu có nên xây dựng các đường dây kết nối lưới điện (interconnector) – vốn có nhiệm vụ liên kết các khu vực và quốc gia rộng lớn hay không.
Ông Ruby lập luận rằng nên tăng cường các kết nối này, bởi chúng giúp giảm áp lực lên toàn hệ thống và cho phép các khu vực hoặc quốc gia linh hoạt sử dụng nhiều loại năng lượng khác nhau từ những nơi có điều kiện thời tiết khác nhau.
“Một hệ thống được liên kết chặt chẽ hơn, với nhiều lưới điện hơn, chắc chắn là yếu tố then chốt để tránh lặp lại những sự cố như vừa rồi”, ông nói.
Tuy nhiên, trong quá khứ, chính các kết nối liên lưới này cũng từng là nguyên nhân gây mất điện. Năm 2005, một sự cố quá tải ở Đức đã dẫn đến mất điện lan rộng tới tận Bồ Đào Nha.
“Khi các lưới điện quốc gia và dịch vụ thiết yếu ngày càng được kết nối và điều khiển kỹ thuật số, nguy cơ một sự cố đơn lẻ gây ra hiệu ứng dây chuyền trên diện rộng sẽ tăng lên đáng kể”, ông Tony Hasek, CEO kiêm đồng sáng lập công ty an ninh mạng Goldilock – chuyên bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu – cho biết.
Chiến lược bảo vệ chủ động
Nhưng nguyên nhân không chỉ nằm ở sự mất cân bằng của lưới điện. Các hệ thống điện hiện nay đang phải chịu áp lực ngày càng lớn, không chỉ do năng lượng tái tạo và thiếu đầu tư vào lưới điện, mà còn do thời tiết cực đoan và căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng – những yếu tố có thể dẫn đến các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng.
“Dù sự cố này có phải là một cuộc tấn công mạng hay không, thì nó cũng cho thấy sự cần thiết cấp bách của các chiến lược bảo vệ chủ động”, vị chuyên gia nói với Euronews Next.
“Trong bối cảnh mà chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, các tổ chức cần có khả năng cô lập và ngăn chặn mối đe dọa một cách nhanh chóng, trước khi chúng lan rộng qua các hệ thống được kết nối”, ông nói thêm.
Khi nguồn điện được khôi phục ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cần lưu ý rằng châu Âu hiện đang sở hữu “một hệ thống điện khá tốt”, theo lời ông Ruby. Ông bổ sung rằng lục địa này đã đầu tư vào lưới điện nhiều hơn so với Mỹ, và vì sử dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn các nước khác, nên hệ thống năng lượng của châu Âu có tính phi tập trung cao hơn.
“Bây giờ là lúc – trong khi vẫn tiếp tục mở rộng các nguồn điện của tương lai – cần đảm bảo rằng chúng ta biết chính xác phải dự phòng hệ thống ra sao… và làm thế nào để điện có thể truyền tải ổn định đến tay người tiêu dùng”, ông Kristian Ruby kết luận.