Sự cố 'mắt thần' ở môn bóng chuyền SEA Games 32

Công nghệ Video Challenge Eyes (xem lại tình huống bằng hình ảnh quay chậm) được sử dụng cho môn bóng chuyền tại SEA Games 32 nhưng ngay trong ngày thi đấu đầu tiên, hệ thống 'mắt thần' này đã gặp vấn đề và không thể vận hành.

VĐV Nguyễn Ngọc Thuận ghi điểm cho đội tuyển Việt Nam trong trận gặp đội tuyển Thái Lan, chiều 4/5/2023. Ảnh minh họa: Hoàng Linh/TTXVN

VĐV Nguyễn Ngọc Thuận ghi điểm cho đội tuyển Việt Nam trong trận gặp đội tuyển Thái Lan, chiều 4/5/2023. Ảnh minh họa: Hoàng Linh/TTXVN

Với những người thường xuyên theo dõi môn bóng chuyền, có lẽ không ai còn xa lạ với công nghệ Video Challenge Eyes được sử dụng ở các giải đấu lớn.

Hai kỳ SEA Games gần nhất (năm 2019 ở Philippines và năm 2022 ở Việt Nam), công nghệ này được Liên đoàn Bóng chuyền Châu Á hỗ trợ toàn bộ từ chi phí cho tới việc lắp đặt. Với sự giúp đỡ của "mắt thần" này, các trọng tài có thể đưa ra phán quyết chính xác hơn, từ đó tránh được những chỉ trích không đáng có từ phía vận động viên, huấn luyện viên các đội bóng, thậm chí là từ một số khán giả quá khích. Không chỉ vậy, còn giúp công tác tổ chức của SEA Games chuyên nghiệp hơn.

Tại kỳ SEA Games 32 năm nay, chủ nhà Campuchia rất tự tin với hệ thống Video Challenge Eyes do đã mua công nghệ này. Tuy nhiên, Video Challenge Eyes đã gặp sự cố và không thể sử dụng ngay trong ngày đầu tiên khởi tranh môn bóng chuyền. Lý giải nguyên nhân, Ban tổ chức cho biết sự cố đối với máy tính đã dẫn đến việc không thể vận hành được hệ thống này.

Việc Video Challenge Eyes gặp trục trặc trong quá trình lắp đặt và vận hành cũng không phải là hiếm. Đây là một công nghệ đắt tiền và Campuchia mới chỉ là nước thứ tư tại Đông Nam Á sở hữu Video Challenge Eyes.

Hy vọng trong thời gian tới, nước chủ nhà Campuchia có thể khắc phục được vấn đề kỹ thuật và đưa công nghệ này trở lại.

Trung Phạm (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-the-thao/su-co-mat-than-o-mon-bong-chuyen-sea-games-32-20230504183439852.htm