Sự cố ngoại giao Nhật-Hàn: Hệ quả khó lường
Sự cố ngoại giao ngày 17/7 vừa qua không chỉ đẩy quan hệ Nhật-Hàn vướng căng thẳng mới, mà còn có thể để lại hệ quả khó lường liên quan tới sự hiện diện của Mỹ tại khu vực.
Cụ thể, trả lời phỏng vấn đài JBTC (Hàn Quốc) ngày 15/7 về quan hệ Nhật-Hàn, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Seoul Hirohisa Soma gây sốc khi phát ngôn rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang “ảo tưởng” về một cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vào ngày 23/7.
Ông tuyên bố: “Chính phủ Nhật Bản không có thời gian để lo về quan hệ Nhật-Hàn như mong đợi của Hàn Quốc”. Phát ngôn tai hại trên không chỉ đẩy quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc vướng vào căng thẳng mới, mà còn để lại hệ quả khó lường, đặc biệt là với Mỹ.
Khoét sâu bất đồng
Phát ngôn của ông Soma khiến Seoul dậy sóng. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Jong-Kun đã triệu tập Đại sứ Koichi Aiboshi để phản đối tuyên bố “phi ngoại giao và thô tục” của ông Soma, đồng thời yêu cầu Tokyo hành động để ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra trong tương lai. Thậm chí, Bộ này khẳng định sẽ có “biện pháp ngoại giao tương xứng”.
Đáng chú ý, sự cố này được cho là nguyên nhân khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hủy chuyến thăm Tokyo dự Olympic 2020, nơi ông dự kiến có cuộc gặp chính thức đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide ngày 23/7, để tránh kích động dư luận trong nước. Thư ký Báo chí Nhà Xanh Park Soo-hyun cho biết: “Olympic Tokyo là lễ hội hòa bình cho tất cả trên thế giới và chúng tôi hy vọng rằng, Nhật Bản sẽ tổ chức sự kiện này một cách an toàn và thành công”.
Ông Soma đã xin lỗi, song giải thích rằng cách dùng từ này chỉ nhằm “miêu tả xu hướng ngoại giao của Hàn Quốc”, chứ không hề công kích ông Moon. Đại sứ Nhật Bản tại Seoul Koichi Aiboshi bày tỏ sự hối tiếc về phát ngôn không phù hợp với tư cách nhà ngoại giao của ông Soma, dù đây chỉ là trò chuyện bên lề. Chánh Văn phòng Nhật Bản Katsunobu Kato cũng nhận định tương tự, song cho biết tương lai của ông Soma sẽ do Ngoại trưởng nước này quyết định.
Nghiêm trọng hơn, sự cố ngoại giao này có thể khoét sâu hơn khác biệt trong quan hệ song phương, vốn đã trải qua nhiều sóng gió như căng thẳng về lệnh hạn chế xuất khẩu nguyên liệu bán dẫn của Nhật Bản tới Hàn Quốc, chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima, xa hơn là chuyện sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản, phụ nữ mua vui Hàn Quốc hay đền Yasukuni.
Mong manh tam giác Mỹ-Nhật-Hàn
Tuy nhiên, hệ quả không chỉ dừng lại ở đó. Căng thẳng giữa Tokyo và Seoul có thể vô hiệu hóa, thậm chí phá vỡ tam giác Mỹ-Nhật-Hàn mà Washington đang dày công vun đắp.
Trong các văn bản về đối ngoại và quốc phòng của Mỹ, trong đó có Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và Đông Bắc Á nói riêng có ưu tiên cao đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin là tới Tokyo, Seoul và New Delhi, hai trong số đó thuộc Đông Bắc Á.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng được cho là đã mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự Thượng đỉnh các nước phát triển (G7), nơi ông lần đầu gặp mặt và có cuộc đối thoại ngắn ngủi, không chính thức với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tối ngày 12/6. Nói cách khác, Mỹ cần Nhật Bản và Hàn Quốc hợp tác để đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc và giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, các nỗ lực củng cố quan hệ giữa Tokyo và Seoul của Washington, duy trì tam giác Mỹ-Nhật-Hàn sẽ khó hiệu quả nếu sự cố như tuyên bố vạ miệng của Phó Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc Hirohisa Soma tiếp tục phát sinh. Chính quyền Tổng thống Joe Biden không muốn thấy Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Nhật-Hàn đứng trước nguy cơ bị xé bỏ lần nữa.
Trong bối cảnh đó, ngày 20/7, tân Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R. Sherman đã có chuyến thăm đầu tiên tới châu Á, gặp gỡ người đồng cấp Mori Takeo (Nhật Bản) và Choi Jong-kun (Hàn Quốc) tại Tokyo. Quan chức ngoại giao từ Washington nhấn mạnh tầm quan trọng về duy trì sự ổn định tại eo biển Đài Loan và vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Việc bà Sherman đối thoại ba bên với quan chức từ Hàn Quốc và Nhật Bản, thay vì gặp riêng rẽ từng người, dường như là cách phản ánh kỳ vọng đứng ra làm hòa của Mỹ, để hai quốc gia Đông Bắc Á có thể gạt bỏ bất đồng, bắt tay vì mục tiêu chung.
Tuy nhiên, muốn là một chuyện, được lại là chuyện khác. Nỗ lực bảo toàn tam giác Mỹ-Nhật-Hàn của Washington thành bại ra sao, sẽ phụ thuộc nhiều vào thiện chí của cả Tokyo lẫn Seoul trong quan hệ song phương trắc trở và sóng gió.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/su-co-ngoai-giao-nhat-han-he-qua-kho-luong-152189.html