Sự cố nước sông Đà: 'Cứ giấu, che đậy như thế là không được'
Cho ý kiến về vụ việc nước sông Đà bị nhiễm dầu những ngày qua, trong buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội chiều 16/10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, thành phố Hà Nội đã chậm công bố thông tin sự việc, khiến người dân lo lắng.
Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, những vấn đề nhạy cảm thành phố cần lên tiếng sớm. Với vụ nước sông Đà bị nhiễm dầu thải, nếu thành phố vào cuộc và công bố thông tin ngay thì nhân dân bớt lo lắng và sẽ rất tin. “Nhưng thành phố không công bố công khai. Sự cố ở Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông trước đó cũng không có ý kiến sớm. Để rồi sau đó mỗi bên nói một khác, tạo nên sự không yên lòng của người dân. Như vậy không nên, phải tính toán kỹ việc này”, ông Mai Tiến Dũng nói.
Trao đổi thêm với báo chí sau buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, xảy ra sự cố nước sông Đà vừa rồi, trách nhiệm của Hà Nội là phải tìm ra nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch. Các cơ quan liên quan phải làm rõ nội dung: tại sao để xảy ra như vậy mà công ty cấp nước không minh bạch, không công bố, lại cứ ngấm ngầm tự xử lý rồi cung cấp nước ô nhiễm đến người dân.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sự việc có liên quan đến sức khỏe người dân như vậy phải được công bố ngay để cùng nhau đánh giá, cảnh báo và đưa ra các biện pháp khắc phục. “Cứ giấu, che đậy như thế không được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá.
“Mất điểm” vì nước sạch
Ngày 16/10, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà thông báo ngừng cấp nước để súc xả đường ống và chưa rõ thời gian cấp trở lại. UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Cty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cấp xe téc nước miễn phí cho các khu dân cư có đề nghị hỗ trợ.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), cả ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Viwasupco lẫn chính quyền Hà Nội đều có trách nhiệm trong việc xử lý sự cố lần này. Lỗi của họ có một điểm chung là tuân theo quy trình và sợ chịu trách nhiệm.
Theo LS Lập, trách nhiệm lo cho sức khỏe, an toàn người dân thuộc về chính quyền Hà Nội chứ không phải ai khác. Chính quyền Hà Nội có thể có thông tin bằng bất kỳ nguồn nào chứ không phải chỉ từ những văn bản báo cáo chính thống. Đáng lẽ khi thấy có nguy cơ (mà chưa cần bằng chứng pháp lý) thì họ đã phải cảnh báo ngay. Tuy nhiên, các sở, ban ngành Hà Nội đã không đưa ra cảnh báo kịp thời để người dân phải sử dụng nước nhiễm bẩn trong 5-6 ngày. Như vậy chính quyền đã vi phạm nguyên tắc số 1 là không hành xử có trách nhiệm với sức khỏe người dân.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa 13 nói: “Nước là sự sống, nên việc ứng xử với vụ nước sạch sông Đà như vừa qua là không thể chấp nhận”. Theo bà An, nước được coi là nguồn tài nguyên quốc gia, những đơn vị cấp nước sạch phải được cấp điều kiện kinh doanh đặc biệt, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối nguồn nước. Ở đây Viwasupco thiếu trách nhiệm bởi sau 1 tuần mới công bố sự việc, nhất là sau khi bị báo chí nêu ra. Bà An cho rằng, đây là bài học để cả doanh nghiệp và thành phố nhìn lại rút kinh nghiệm. Đồng thời, cần rà soát các Cty được kinh doanh mảng nước sạch, có biện pháp thắt chặt an ninh nguồn nước trong thời gian tới.
7 xe téc chở nước cho… hàng vạn hộ dân
Ngay sau khi UBND thành phố Hà Nội có thông báo về việc hỗ trợ nước cho những hộ dân đề nghị, trong tối 15/10, Công ty Nước sạch Hà Nội đã tiếp nhận trên 2.000 cuộc điện thoại đề nghị hỗ trợ cấp nước. Công ty đã huy động khẩn cấp 7 xe téc của Công ty nước sạch Hà Nội và Công ty Viwaco (4 xe của Cty Nước sạch Hà Nội và 3 xe của Cty Wiwaco) để chở cấp nước miễn phí đến cụm dân cư suốt đêm. Mỗi xe trung bình chỉ chở được khoảng 7 khối nước sạch nên nhiều người không lấy được nước. T.H
Ngày 16/10, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, yêu cầu ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng nước đóng chai, đóng bình sau khi người dân ở nhiều quận ở Hà Nội đổ xô mua nước đóng bình về sử dụng sau vụ nước sông Đà nhiễm dầu. Những ngày qua, người dân tại một số khu vực trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm…trong khi chờ kết quả xét nghiệm về chất lượng nguồn nước, đã chuyển sang mua nước đóng bình về sử dụng thay vì dùng nước máy như trước. Phạm Tuyên