Sự cố tràn dầu tại Nhà máy cồn Đại Tân ( Quảng Nam) gây ô nhiễm môi trường: Đối thoại bế tắc
Buổi đối thoại giữa người dân cùng lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp sau sự cố tràn dầu tại Nhà máy cồn Đại Tân rơi vào bế tắc khi các bên không tìm được tiếng nói chung.
Chiều 24/9, UBND huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo Nhà máy cồn Đại Tân (đóng tại thôn Nam Phước, xã Đại Tân) và người dân sinh sống lân cận nhà máy.
Lãnh đạo địa phương tổ chức đối thoại với người dân xoay quanh vấn đề ô nhiễm do Nhà máy cồn Đại Tân gây ra.
Buổi đối thoại diễn ra ngay trước cổng Nhà máy cồn Đại Tân – nơi người dân dựng lều túc trực phản đối ô nhiễm sau sự việc tràn dầu fusel.
Tại đây, những uất ức, bức xúc của người dân suốt gần cả chục năm chịu đựng cảnh “sống chung” với bầu không khí ô nhiễm do nhà máy cồn gây ra được giãi bày với lãnh đạo địa phương.
Đặc biệt, sau vụ tràn dầu fusel, bà con địa phương bày tỏ thắc mắc liệu đây có phải là sự cố ngoài ý muốn hay phía nhà máy cố ý xả thải gây ô nhiễm.
Ông Nguyễn Xuân Hoa (thôn Nam Phước) nói: “Gần 10 năm qua, bà con sinh sống lân cận nhà máy đã quá ngao ngán với tình trạng ô nhiễm kéo dài từ ngày này qua ngày nọ.
Chúng tôi nghi ngờ, nhà máy cồn lợi dụng những buổi tối trời đổ mưa và lén xả thải chất bẩn ra bên ngoài. Sự cố tràn dầu mới đây chẳng khác nào giọt nước tràn ly khi mùi hôi thối do nhà máy phát tán vượt ngưỡng sức chịu đựng của bà con”.
Ông Nguyễn Thành Chín (một người dân sinh sống gần nhà máy) bày tỏ: “Chúng tôi đang lo ngại về hầm biogas của nhà máy này có vấn đề, hiện đã xuất hiện tình trạng rò rỉ ra vườn nhà của một vài hộ dân bên hông nhà máy. Nếu ngành chức năng không đánh giá kỹ lưỡng thì nguy cơ nổ hầm biogas hoàn toàn có thể xảy ra".
Người dân dựng lều phản đối ô nhiễm ở Nhà máy cồn Đại Tân.
Đề cập đến sự cố tràn dầu fusel khiến mùi hôi phát tán, ông Lê Minh Thiên – Giám đốc Nhà máy cồn Đại Tân khẳng định: “Đây là sự cố tràn dầu từ kho xuống hồ sinh thái. Tôi dám chắc đây là sự cố. Phía cơ quan chức năng đang điều tra và chúng tôi vẫn tiếp tục khắc phục".
Sau khi tiếp nhận các ý kiến của người dân cũng như phía doanh nghiệp, chủ trì buổi đối thoại, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đồng tình trước ý kiến ngoài vấn đề xử lý hậu quả của tràn dầu, cơ quan chức năng cần làm rõ đây là "sự cố" hay "cố ý” để bà con địa phương thỏa mãn.
Nếu tiếp tục hoạt động, nhà máy cần cam kết không tái phạm như vụ việc vừa qua, đồng thời hỗ trợ để người dân tái định cư.
Trước những phát biểu của đại diện lãnh đạo địa phương cùng phía doanh nghiệp, rất đông người dân bày tỏ sự không hài lòng về buổi đối thoại. Mong muốn của bà con là được gặp lãnh đạo tỉnh để bày tỏ nguyện vọng “một là di dời nhà máy, hai là di dời dân”.
Trước đó, như PV phản ánh, khuya 18/9, hàng chục người dân ở thôn Nam Phước tập trung trước cổng Nhà máy cồn Đại Tân yêu cầu gặp lãnh đạo Công ty vì không thể chịu đựng nổi mùi hôi thối phát ra từ các cống xả thải.
Ngay trong sáng 19/9, Phòng Cảnh sát môi trường Công an huyện Đại Lộc đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra và ghi nhận tình hình. Đại tá Nguyễn Giới, Trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết, theo báo cáo của Nhà máy cồn Đại Tân là do sự cố vận hành trong quá trình chiết xuất dầu fusel đổ ra môi trường gây ô nhiễm.