Sự cố tràn hóa chất ở Ohio chỉ ra những nguy hiểm của ngành đường sắt Mỹ
Một vụ tai nạn xe lửa làm rò rỉ hóa chất độc hại đã khiến có sự lo ngại về sự an toàn của ngành đường sắt vận tải hàng hóa tư nhân ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24.2 đã ra lệnh cho các cơ quan liên bang đến từng nhà của người dân ở làng East Palestine, bang Ohio sau vụ tàu hỏa trật đường ray hôm 3.2 để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Nhân viên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, Cơ quan Bảo vệ môi trường, và Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang sẽ kiểm tra từng nhà dân, bảo đảm các hộ gia đình vẫn khỏe mạnh và được đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết.
Các “nhóm đi bộ” được thành lập với nhiệm vụ tìm hiểu về những thiệt hại và nhu cầu của người dân sau những trận bão hay thiên tai khác. Các quan chức yêu cầu các nhóm đến được càng nhiều nhà dân càng tốt trong ngày 28.2.
Chuyện gì xảy ra trong tai nạn?
Khuya 3.2, đoàn tàu chở hàng hóa Norfolk Southern bị trật đường ray ở vùng ngoại ô làng East Palestine trước khi bốc cháy. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA), khoảng 20/150 toa tàu chở hóa chất độc hại, gồm vinyl chloride và butyl acrylate, đã bị rò rỉ ra môi trường xung quanh.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ nổ hóa chất, các cơ quan chức năng đã xả và đốt vinyl chloride ở 5 toa, tạo ra những cụm khói đen lớn bay lên không trung. Chính quyền Ohio thông báo không ai bị thương trong vụ tai nạn. Hàng ngàn người dân sơ tán khỏi khu vực nay đã trở về nhà. Nguồn nước uống và chất lượng không khí trong khu vực vẫn đạt an toàn.
Báo cáo điều tra sơ bộ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSB) kết luận nhân viên đoàn tàu Norfolk Southern không làm gì sai và không nhận được cảnh báo trước khi hàng chục toa bị trật khỏi đường ray. Báo cáo viết “vụ đoàn tàu bị trật bánh có thể tránh được nếu hệ thống báo động phát cảnh báo sớm cho các kỹ sư rằng đoàn tàu bị quá nóng”.
Tuy nhiên, Công ty Norfolk Southern thừa nhận “sẽ cần rút kinh nghiệm tối đa từ sự cố này và sẽ đầu tư vào các công nghệ nhằm giúp tránh tái diễn tai nạn trong tương lai”.
Trong khi đó, hệ quả của vụ tàu trật bánh đã vượt ra khỏi ngôi làng nhỏ. Các quan chức ở hai bang Texas và Michigan tỏ ý lo ngại nước thải và đất bị nhiễm chất độc hại sẽ được chở qua vùng ngoại ô Houston (Texas) và Ann Arbor (Michigan) để chôn xuống đất.
Báo Đức Deutsche Welle (DW) đưa tin nhiều hóa chất chảy vào các nguồn nước gần đó, làm chết hàng chục nghìn con cá và chảy vào sông Ohio. Kể từ đó, người dân địa phương trình báo có mùi hóa chất mạnh, có thể trông thấy tận mắt sự ô nhiễm và sức khỏe của họ bị yếu đi.
Nhà bảo vệ môi trường Hulton Vantassel nói: “Chúng tôi biết cộng đồng này đang mắc phải các triệu chứng như phát ban, nhức đầu, nôn, tiêu chảy... trong khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng”.
Vận tải đường sắt của Mỹ có an toàn?
Vụ tai nạn đã làm dấy lên những lo ngại về an toàn trong ngành đường sắt chở hàng. Các nhà bảo vệ môi trường quy trách nhiệm cho việc Mỹ lệ thuộc các loại hóa dầu. Nó cũng thu hút sự chú ý vào các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn của ngành vận tải hàng hóa bằng đường sắt của Mỹ.
Mỹ có mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới, nhưng chủ yếu chỉ để chở hàng hóa, do các công ty vận tải tư nhân lớn sở hữu và điều hành. Các công ty này cùng nhau chi hàng trăm triệu USD để vận động hành lang chống lại các quy định.
Nhân công và các công đoàn đường sắt thường phàn nàn rằng việc bảo đảm an toàn không được xem trọng, cùng với việc các công ty sa thải nhân công ồ ạt (tỷ lệ đuổi việc là 30% kể từ năm 2017).
Một cuộc điều tra của trang tin Vice News năm 2019 phát hiện nhân công vì sợ bị đuổi nên làm việc quá tải, không đủ thời gian đi dọc theo đoàn tàu để kiểm tra an toàn. Nhiều nhân công đường sắt đã cảnh báo những tiêu chuẩn an toàn lỏng lẻo sẽ dẫn đến một vụ trật bánh thảm họa.
Lời cảnh báo những “quả bom tàu hỏa”
Bất chấp rủi ro đó, các nghiên cứu cho thấy đường sắt vẫn là một trong những cách vận chuyển hóa chất nguy hiểm một cách an toàn, đồng thời là một trong những cách ít gây tổn hại đến khí hậu nhất. Theo Hiệp hội Đường sắt Mỹ (AAR), đường sắt vận chuyển 40% lượng hàng hóa Mỹ nhưng mức thải khí nhà kính chỉ là 2%.
Cách vận chuyển hàng hóa độc hại thay thế là xe tải chạy trên đường phố. Tuy nhiên, đây là cách nguy hiểm nhất, gây ra nhiều sự cố chết người và tổn thất nặng nề hơn xe lửa, theo dữ liệu của chính phủ Mỹ.
Các nhà quan sát nói việc tăng chi phí vận tải bằng đường sắt sẽ có thể đẩy thêm nhiều hàng hóa độc hại lên xe tải. Nhưng các nhà bảo vệ môi trường đang thắc mắc liệu có nên vận chuyển tất cả các loại hàng hóa độc hại hay không. Họ nói rằng chính ngành hóa dầu phải chịu trách nhiệm về việc có quá nhiều loại hàng hóa độc hại.
Nhà bảo vệ môi trường Chris Wilke cho biết đa số các hóa chất nguy hiểm mà đoàn tàu gặp tai nạn ở làng East Palestine đã chở là dùng để sản xuất nhựa. Ông cho rằng các sự cố tương tự có thể tiếp tục xảy ra khi người ta cố gắng đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế từ dầu mỏ.