Sự cố trong ngày họp mặt
Vợ chồng cụ Mát có cả thảy bốn người con, ba trai, một gái: ông Mến, ông Củng, ông Bào và bà Ngư. Hai người con cả và con thứ là ông Mến và ông Củng có điều kiện lên thành phố lập nghiệp từ nhiều năm nay, nhưng cả năm mới về thăm bố mẹ một vài lần.
Văn hóa và đạo đức
Bà Ngư là con gái út thì lấy chồng ở xã bên, mải lo việc gia đình cũng chỉ dăm bữa, nửa tháng qua lại hỏi thăm hai cụ. Chỉ có ông Bào là con trai thứ ba ở với vợ chồng cụ Mến trên mảnh đất hương hỏa của dòng tộc. Hai cụ đã cao tuổi, những lúc “trái nắng, trở trời” đều một tay vợ chồng ông Bào chăm sóc cả. Vợ chồng cụ Mát cũng biết hai người con lớn bận việc, cho nên thông cảm, chẳng bao giờ than phiền hay oán trách gì. Biết gia cảnh nhà ông Bào còn khó khăn, không mấy khấm khá, thỉnh thoảng ông Củng thường thể hiện trách nhiệm, chủ động gửi tiền đỡ đần vợ chồng em trai chăm sóc hai cụ. Riêng ông Mến có bà vợ đáo để là xao nhãng trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già hay bị cô em gái út nhắc nhở. Chuyện so bì, tị nạnh giữa mấy bà con dâu, con gái âm ỉ, dằng dai, vì thế mỗi lần có việc, anh em trong gia đình gặp nhau là các bà lại tỏ thái độ “mặt nặng, mày nhẹ” buông lời cạnh khóe bóng gió.
Những ngày đầu năm, nhân họ tộc có việc và muốn bàn một số việc gia đình, vợ chồng cụ Mát giục ông Bào gọi điện cho các anh bảo thu xếp đưa vợ con cùng về thăm quê. Đến ngày, hai cụ dậy từ rất sớm, chỉ bảo mọi người làm cỗ, trước là để cúng gia tiên, sau là dịp cho con cháu tụ họp đầm ấm. Vợ chồng cụ Mát vui ra mặt, hồ hởi đi ra, đi vào vì cũng lâu lắm rồi cả nhà mới có dịp sum vầy đông đủ. Cụ bà diện áo gấm hoa, chít khăn mỏ quạ tinh tươm; cụ ông mặc chiếc áo khoác sẫm mầu dày dặn, chân đi giày da bóng bẩy. Áng chừng cỗ bàn chuẩn bị đã tươm tất, cụ Mát thắp hương khấn vái ông bà tổ tiên, rồi chỉ đạo con cháu trải chiếu dưới nền nhà bày mâm thụ lộc. Mọi người ngồi quây quần, vừa ăn uống, vừa chuyện trò râm ran. Sau mấy lượt rượu, bia nâng cốc ồn ào, không hiểu sao bà dâu trưởng là vợ ông Mến chợt buông giọng trong câu chuyện với người ngồi bên, có ý cho cả vợ ông Bào nghe thấy: “Cả năm mới có dịp đoàn tụ gia đình, phải ăn uống cho đàng hoàng, ai lại úi xùi có mấy món, rồi ngồi ngả ngốn dưới nền nhà như thế này”. Biết chị dâu có ý chê trách mình, bà dâu thứ ba vợ ông Bào chẳng vừa, đốp lại ngay: “Nhà chị ở thành phố cao sang cỗ bàn thịnh soạn, chúng tôi quê mùa chỉ thế thôi”...
Chỉ là mấy câu lời qua, tiếng lại từ chuyện ăn uống, mấy bà, mấy cô bắt đầu lôi nhau ra dè bỉu, chê bai, miệt thị, xúc phạm nhau đủ điều trước mặt cha mẹ. Những ấm ức, khục khặc bấy lâu giờ được dịp bung ra như “nước vỡ bờ”. Nghe các bà vợ cãi cọ, đay nghiến, ba anh em ông Mến, ông Cùng, ông Bào có tí men bia rượu trong người không giữ được bình tình cũng lao xao đấu khẩu. Buồn lòng trước cảnh cãi cọ trong bữa cỗ của mấy đứa con trai và con dâu, vợ chồng cụ Mát chỉ biết vò đầu, bứt tai can ngăn. Mãi sau, nhờ mấy cụ cao niên trong họ cũng dự liên hoan can ngăn mới vãn hồi, song niềm vui đã không còn, nhường chỗ cho sự bực bội.
Việc con cái nhà cụ Mát rồi cũng loang ra cả xóm và bị nhiều người chê trách. Dù với bất cứ lý do nào, anh em “máu chảy ruột mềm” không thể vì những chuyện ích kỷ cá nhân mà gây mất đoàn kết, làm mất hòa khí và buồn lòng cha mẹ già, nhất là trong những ngày vui họp mặt gia đình, dòng tộc.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/43532202-su-co-trong-ngay-hop-mat.html