Sao chổi 2I/Borisov được phát hiện năm 2019 bởi nhà quan sát thiên văn nghiệp dư Gennady Borisov tại Đài quan sát MARGO ở Crimea.
Sau khi sử dụng dữ liệu chi tiết từ kính viễn vọng tối tân Very Large của Đài thiên văn Nam Âu (ESO), các nhà khoa học khẳng định đó quả thật là một sao chổi, nhưng là một sao chổi "trinh nữ", hoàn toàn nguyên sơ.
Sao chổi "trinh nữ" chỉ các vật thể chưa bao giờ tiếp cận đủ gần một ngôi sao để bị biến đổi trước sức nóng khắc nghiệt của nó. Nói đơn giản hơn, 2I/Borisov chưa ghé thăm ngôi sao nào khác trước khi tiếp cận Mặt trời.
Không những thế, nó còn là sao chổi liên sao thứ hai sau tiểu hành tinh Oumuamua được quan sát thấy trong hệ Mặt Trời của chúng ta.
Các chuyên gia giải thích, khi một sao chổi đến gần ngôi sao, nhiệt từ ngôi sao đó sẽ làm bay hơi các hạt băng của nó và giải phóng bụi. Các hạt bụi nhẹ hơn tạo thành đuôi của sao chổi, trong khi những hạt bụi nặng rơi trở lại bề mặt ở trạng thái "hôn mê", tạo nên một lớp vỏ bao quanh hạt nhân của sao chổi.
Do đó, việc quan sát ánh sáng phân cực bị tán xạ bởi bụi sao chổi có thể giúp các nhà khoa học biết được tình trạng nguyên sơ của thiên thể.
Chính sự phân cực cùng với màu sắc của sao chổi đã giúp đi đến kết luận rằng sao chổi "trinh nữ" này chưa bị ô nhiễm bởi các chuyến viếng thăm những vì sao.
Những vật thể như sao chổi 2I/Borisov chính là "viên nang thời gian", mang những yếu tố sơ khai nhất từ khi hệ sao đó được hình thành. Sau khi phân tích thành phần của ngôi sao chổi này cũng cho thấy nơi mà nó hình thành là một hệ sao không mấy khác biệt với Hệ Mặt trời chúng ta.
Phân tích lớp bụi của 2I/Borisov cho thấy nó gồm những "viên sỏi" nhỏ với thành phần giàu carbon monoxide và nước, có lẽ được hình thành ở vùng bên trong của hệ sao, trước khi trộn lẫn với nhiều loại đá khác để tạo thành sao chổi.
Sao chổi là một thiên thể bay ngoài không gian, nó gần như một tiểu hành tinh, nhưng không được cấu tạo từ đất đá mà chủ yếu là từ băng. Sở dĩ chúng có tên là sao chổi vì thường có hình thù kỳ dị, đầu nhọn, đuôi to giống một chiếc chổi quét nhà.
Các nhà nghiên cứu thiên văn chia sao chổi thành 3 loại, ngắn hạn, dài hạn và sao chổi thoáng qua. Sao chổi ngắn hạn có chu kỳ quỹ đạo ít hơn 200 năm, sao chổi dài hạn có chu kỳ lớn hơn. Còn sao chổi thoáng qua có quỹ đạo parabol hoặc hypecbol, chúng bay qua mặt trời một lần và sẽ ra đi mãi mãi sau đó.
Mỗi năm có hàng trăm sao chổi được tạo ra ngoài vũ trụ nhưng chỉ có những sao chổi lớn và có chu kỳ đặc biệt được chú ý. Ngay từ thế kỷ 18, Isaac Newton đã cho rằng sao chổi là vật thể giúp ích cho sự tồn tại của Trái đất, nó cung cấp độ ẩm và điều kiện để duy trì sự sống của muôn loài.
Mời các bạn xem video: Phi hành gia NASA làm rơi gương ngoài vũ trụ. Nguồn: VTV
Thùy Dung (T.H)