Sự dấn thân khốc liệt của Nguyễn Công Hoài
Trêu trêu bảo những hình hài mỏi mệt, những thân thể lặng thinh trong tranh Hoài: 'cứ như tự họa'. Hoài cười: 'Em vẽ mình mà'.
Được đà, nhấn thêm: “Mẫu xấu thế thảo nào”. Hoài vẫn bình thản: “Cái mấu chốt nó nằm ở đó, họa sỹ thì vẽ cho mình, thợ vẽ thì vẽ cho người. Ai cũng phải lựa chọn, không thể vừa muốn có nghệ thuật, có tiền và danh tiếng. Nên người ta hay nói: Nhìn tranh biết người và trên tranh biết họa sỹ muốn gì”…
Nguyễn Công Hoài muốn gì, nhẽ chỉ anh rõ nhất. Đó có thể là nỗi buồn tiền kiếp dù quẫy đạp cách chi cũng khó bề thoát xác. Đó phải chăng là những giằng xé trằn trọc khúc mắc về đời sống về kiếp người về cõi thế của một gã trai tâm hồn nhạy cảm. Hoặc giả, chỉ đơn thuần cách Hoài kháng cự với thực tại, giữ cho mình sự vững tâm giữa những ồn ã náo nhiệt. Với anh, tất cả đều có chủ đích. Đó là sự lao động nghiêm ngắn mà một nghệ sỹ đích thực luôn tự ràng buộc, đày ải, thậm chí ngược đãi chính mình. Hoài vẽ chứ không làm mầu làm mè, không đón ý người mua hóng xu hướng thị trường để chiều theo thị hiếu. Bởi thế có lúc Hoài khiến người khác giật thót, vì đẹp. Mà là cái đẹp chờn chợn, luôn mặc định một trạng thái bất an, thấp thỏm.
Hoài cứ trôi đi trong đủ loại suy tưởng biểu hiện, xoay trở và giày vò bản thể. Anh thỏa sức tô trát sơn trên toan vải, đập vào mặt toan những nhát cọ bay dứt khoát, để rồi rờ rỡ hiện ra đau đáu những phận người. Có sở trường chân dung, lại từ chối mọi thứ ve vuốt đèm đẹp, Hoài xoáy vào những gương mặt nhăn nhúm khổ đau, nhấn sâu trong những vẹo vọ khỏa thân u ám. Hội họa Nguyễn Công Hoài, buồn và ảm đạm như một phản chiếu khác từ đa chiều cuộc sống mà chính Hoài cũng chẳng lường hết âm vang. Hoài có lẽ không chủ định phản biện xã hội, anh cũng không cố gán cho tác phẩm của mình những tư tưởng thâm sâu gì đó để làm sang. Anh chỉ đơn giản thể hiện mình, bày tỏ chính bản ngã của mình, dồn nén nội tâm ứ nghẹn trong một đoạn trường chưa nhìn ra đích đến. Hoài tự nhủ: “Chúng ta luôn có những nỗi buồn giống nhau, chỉ khác cách bày tỏ”, nên anh điềm nhiên lựa chọn con đường đó, anh bỏ qua những hào nhoáng đang chực chờ để chấp nhận thực tại khó khăn, vất vả mà đầy hưng phần, kiên định trong ngập tràn niềm vui của kẻ được trời ưu ái ban cho bản năng sáng tạo.
Nguyễn Công Hoài thực ra làm được nhiều hơn những gì anh thể hiện và càng nhiều hơn những hiểu biết mà công chúng rộng rãi của hội họa biết về anh. Triển lãm cá nhân Những ngày không mơ mộng dự kiến diễn ra tại 29 Hàng Bài (Hà Nội) từ 7-5 đã là lần thứ 4 kể từ 2015. Những ngày không mơ mộng giúp Hoài “nhắc nhở chính mình đừng đi lạc trên hành trình nghệ thuật, trở thành nạn nhân cho sự kiêu căng, tự mãn và ảo tưởng.
Tôi biết hành trình của tôi là một hành trình dài, đầy thử thách và chướng ngại. Nhưng tôi biết chắc sau cùng tôi sẽ tìm được ý nghĩa của nó, dù tôi đã chọn cô đơn là người bạn đồng hành”… Nguyễn Công Hoài thực ra mơ mộng, hồn nhiên và lãng mạn, gã trai quê gốc Quảng Trị, sinh sống tại chốn nhỏ bình yên ở Biên Hòa, trong một gia đình lóc nhóc trẻ con, luôn định vị hội họa như hành trình nhọc nhằn khốc liệt để dấn thân, chứ chưa màng tới đích đến…
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-dan-than-khoc-liet-cua-nguyen-cong-hoai-n191458.html